07/03/2017 10:00
TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho hay, bước sang năm 2012 công tác DS-KHHGĐ có nhiều cơ hội lẫn thách thức.
Truyền thông chăm sóc SKSS, ổn định mức sinh cho giới trẻ. Ảnh: V.T
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012 về công tác DS-KHHGĐ ngày 23-24/2, qua ghi nhận sơ bộ tại Hội nghị, một số địa phương đã thể hiện tinh thần rất chủ động, tích cực qua các kế hoạch truyền thông, huy động nguồn lực nhằm xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ tại địa phương.
Tăng cường truyền thông cho đối tượng khó tiếp cận
Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012 về công tác DS-KHHGĐ đã nghe 8 báo cáo về các vấn đề như: - Báo cáo đánh giá kết quả công tác DS-KHHGĐ năm 2011 và Dự thảo Hướng dẫn triển khai kế hoạch năm 2012 Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ. - Báo cáo kết quả đổi sổ ghi chép 2011 và hướng dẫn cập nhật dữ liệu, báo cáo thống kê điện tử năm 2012. - Hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 437/QĐ-TCDS ngày 16/11/2011 quy định tạm thời về mẫu Sổ ghi chép ban đầu, mẫu phiếu thu thập thông tin của CTV dân số và mẫu biểu báo cáo thống kê của kho dữ liệu điện tử. - Hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi và Liên hoan tuyên truyền viên dân số năm 2012. - Định hướng việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ và PTTT giai đoạn 2012-2015 nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp với thực tế địa phương. - Hướng dẫn triển khai kế hoạch TTXH các PTTT năm 2012. - Báo cáo Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2012-2020 và Hướng dẫn kế hoạch triển khai can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2012. - Hướng dẫn triển khai các mô hình, Đề án nâng cao chất lượng dân số năm 2012. Ngoài ra, Hội nghị đã tiếp thu ý kiến của các địa phương như Cao Bằng, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bình Dương, Bạc Liêu, Cà Mau... |
Năm 2012 là năm đầu tiên triển khai Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS - KHHGĐ giai đoạn 2011-2015, nhằm thực hiện Chiến lược Dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài việc triển khai theo định hướng chung của Tổng cục DS-KHHGĐ, nhiều địa phương đã nhanh chóng chủ động có kế hoạch truyền thông mang tính đột phá. Nhiều đại biểu khẳng định: Điều quan trọng trong truyền thông, chuyển đổi hành vi là cần có những mô hình, biện pháp phù hợp cho từng địa bàn, đối tượng cụ thể, không thể dàn trải 100% địa bàn như một. Công tác đào tạo đội ngũ cộng tác viên, cán bộ chuyên trách DS xã cần được đặc biệt chú trọng.
Theo bà Hồ Thị Thi - Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Khánh Hòa: Năm 2012, bên cạnh truyền thông thường xuyên như các năm trước, Khánh Hòa sẽ cùng với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về vấn đề nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể như về tuyên truyền vận động phụ nữ mang thai tham gia vào chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Năm 2011, Khánh Hòa chỉ mới thí điểm xây dựng CLB tiền hôn nhân thì năm nay, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn. "Đặc biệt, bằng nguồn kinh phí địa phương, chúng tôi sẽ phối hợp Hội Người cao tuổi của tỉnh triển khai thí điểm tại khoảng 5-10 xã hoạt động tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng" - bà Thi chia sẻ.
Năm 2012, nhiều địa phương như Sơn La, Bình Thuận, Bắc Giang... xác định: Công tác truyền thông sẽ tập trung cho các đối tượng khó tiếp cận, đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Ông Giáp Văn Toàn, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Bắc Giang cho biết: Bên cạnh việc duy trì mức sinh, điểm "nóng" của tỉnh hiện tại tập trung vào khống chế tốc độ gia tăng mức chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh. Nếu trước đây, nội dung trong hương ước, quy ước làng xã chỉ mới đưa việc không sinh con thứ 3 trở lên thì nay Bắc Giang đã đưa vào thêm vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm nay, dù rất khó khăn bởi theo quan niệm dân gian là "năm đẹp", song chúng tôi vẫn đề xuất giảm tỷ số này xuống 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 118 bé trai/100 bé gái.
Huy động nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dân số
Năm 2012, dù kinh phí tổ chức các hoạt động từ Trung ương về muộn, song nhiều địa phương đã tích cực tham mưu, đề xuất lãnh đạo thường vụ tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hỗ trợ nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ.
Là tỉnh miền núi vẫn còn nặng nề về mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3, Sơn La đã có dự thảo giải pháp truyền thông cho từng vùng, từng nhóm dân tộc. Ông Sa Văn Khuyên - Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ chia sẻ: "Nghị quyết HĐND tỉnh Sơn La năm 2012 khẳng định chi ngân sách cho công tác DS-KHHGĐ 3 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng được hỗ trợ trên 500 triệu đồng để khảo sát thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Qua công tác đổi sổ hộ gia đình năm 2011 cho thấy, con số này tại Sơn La là 110 bé trai/100 bé gái. Năm 2012, địa bàn Chiến dịch cũng sẽ được mở rộng hơn ở mức 115 xã (nhiều hơn 16 xã so với năm 2011)".
Bạc Liêu là một tỉnh có mức sinh dưới mức sinh thay thế (TFR = 1,69 con). Do đó, theo bà Châu Tuyết Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, trong truyền thông sẽ tập trung vào các nội dung nâng cao chất lượng dân số, truyền thông thay đổi nhận thức, về bất bình đẳng giới.
Năm nay, kinh phí của tỉnh dành cho công tác này khoảng 2 tỷ đồng, tập trung nhiều vào tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngoài ra, kinh phí địa phương cũng hỗ trợ thêm cho CTV 50.000 đồng, một ca đình sản sẽ được thêm 200.000 đồng (nâng tổng định mức cho một ca là 400.000 đồng).
Kết luận Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng khẳng định: Bước sang năm 2012, công tác DS-KHHGĐ nước nhà có những thuận lợi như: Chúng ta đã có chiến lược DS/SKSS nêu lên toàn cảnh công tác dân số và định hướng chiến lược trong giai đoạn 2011-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ cũng đã được phê duyệt. Năm 2011 vừa qua, chúng ta tổ chức thành công chương trình Kỷ niệm 50 năm truyền thống ngành DS- KHHGĐ; không dừng lại ở đó, chúng ta đã khẳng định được vai trò, vị thế của công tác DS-KHHGĐ trong sự phát triển chung của địa phương và đất nước.
Bên cạnh đó cũng có 4 khó khăn khi bước vào năm 2012: (1) Thay đổi về nhận thức về tư duy, cách làm. (2) Tổ chức bộ máy chưa ổn định. (3) Kinh phí chuyển về chậm. (4) Năm nay năm Nhâm Thìn, khả năng tỷ suất sinh có thể tăng, trong tất cả các chỉ tiêu của ngành Y tế, chỉ tiêu giảm sinh khó thực hiện thành công vì năm nay là "năm đẹp" theo quan niệm của dân gian.
Do đó, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ năm 2012 và các năm tiếp theo, Tổng cục trưởng đề nghị các địa phương cần phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo hơn nữa. Tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
“Năm 2012, Khánh Hòa tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho bà con vùng biển, đảo, ven biển bằng cách phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, đồn biên phòng triển khai mô hình kết hợp Quân - dân - y trong việc cung cấp dịch vụ cho người lao động trên biển, tàu ngư dân đánh bắt xa bờ khi cập bến”. Bà Hồ Thị Thi - Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Tỉnh Khánh Hòa “Vấn đề "nóng"nhất ở Bắc Giang hiện nay là mất cân bằng giới tính khi sinh. Do đó, từ năm 2011, chúng tôi đã ráo riết đưa nội dung này vào trong hương ước, quy ước làng, xã, thôn bản, nghiêm cấm triệt để các hình thức lựa chọn giới tính khi sinh. Năm 2012, địa bàn sẽ được mở rộng hơn. Chúng tôi coi đây là sự vào cuộc, "chia lửa khó khăn" của chính quyền địa phương và nhân dân”. Ông Giáp Văn Toàn - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Giang "Thời gian qua, đội ngũ CTV, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ bị xáo trộn, thay đổi nhiều, hầu hết các cán bộ cơ sở có trình độ nhưng mới tham gia nên chưa có kinh nghiệm truyền thông, tư vấn, tiếp cận đối tượng. Quảng Bình sẽ liên tục mở các lớp đào tạo, đào tạo lại, kiểm tra giám sát chất lượng đào tạo, tuy nhiên bước đầu vẫn theo phương thức "cầm tay chỉ việc". Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Bình |
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác