07/03/2017 10:00
Theo ước tính mới đây của Liên Hợp Quốc, tỷ số tử vong bà mẹ do quá trình mang thai và sinh nở đã giảm đi được gần một nửa trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, LHQ cũng nhấn mạnh: Chúng ta cần nhiều tiến bộ hơn nữa nhằm giảm mạnh tỷ số này.
Ấn Độ là một trong những nơi có tỷ số chết mẹ cao. Ảnh: The Hindu |
Mức tử vong bà mẹ đã giảm 47%
Báo cáo “Xu hướng chết mẹ giai đoạn 1990-2010” của UNFPA cho thấy: Trong giai đoạn 1990-2010, mức tử vong bà mẹ đã giảm 47% từ 543.000 trường hợp xuống còn 287.000 trường hợp. Rất nhiều các quốc gia và hầu hết các khu vực trên thế giới đều đã đạt được những tiến bộ này, ngay cả các quốc gia tiểu vùng Sahara-Châu Phi, nơi mà khó có khả năng đạt được mục tiêu 5 của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (giảm 75% tỷ số tử vong bà mẹ trong giai đoạn 1990-2015) cũng đã có những tiến bộ nhất định.
“Tôi vui mừng nhận thấy số tử vong bà mẹ do quá trình mang thai và sinh nở đã tiếp tục giảm xuống” - Ông Babatunde Osotimehin, Giám đốc Điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) nói. Đây cùng là đơn vị đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Ngân hàng Thế giới chuẩn bị báo cáo trên.
“Điều này chứng tỏ rằng những nỗ lực lớn của các quốc gia với sự trợ giúp của UNFPA và các đối tác phát triển khác đã được đền đáp. - Ông lý giải thêm - Nhưng chúng ta không thể dừng tại đây. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tiếp tục đảm bảo cho mọi trường hợp được mang thai và sinh con an toàn”.
Một báo cáo gần đây chỉ ra rằng, cứ 2 phút lại có một phụ nữ tử vong vì biến chứng có liên quan đến thai nghén. Bốn nguyên nhân phổ biến nhất là băng huyết sau sinh, nhiễm trùng, huyết áp cao trong quá trình mang thai và nạo thai không an toàn. Có tới 99% số trường hợp tử vong bà mẹ lại xảy ra ở các quốc gia đang phát triển trong khi đó, hầu hết những trường hợp này có thể ngăn ngừa bằng các biện pháp can thiệp kịp thời.
Nỗ lực cải thiện việc tiếp cận với KHHGĐ tự nguyện
Tiến sỹ Osotimehin cho biết: “Chúng tôi biết chính xác phải làm gì để ngăn ngừa tử vong bà mẹ. Đó là cải thiện việc tiếp cận với kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, trang bị kỹ năng đỡ đẻ cho cán bộ y tế và bảo đảm việc chăm sóc sản phụ khẩn cấp khi xảy ra biến chứng”.
Báo cáo cũng cho thấy có tới 1/3 số trường hợp tử vong bà mẹ là ở Ấn Độ và Nigeria. Năm 2010, Ấn Độ có khoảng 56.000 bà mẹ tử vong, chiếm khoảng 20% và Nigeria là 40.000 bà mẹ tử vong, chiếm khoảng 14%. Trong số 40 quốc gia có tỷ số tử vong bà mẹ cao nhất trên thế giới thì có tới 36 quốc gia thuộc tiểu vùng Saharan châu Phi.
Trong khi Đông Á - khu vực đạt được những tiến bộ lớn nhất trong việc ngăn ngừa tử vong bà mẹ- có tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai là 84% thì tại tiểu vùng Saharan, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ chiếm 22% và cũng là khu vực có tỷ số tử vong bà mẹ cao nhất.
10 quốc gia sẽ đạt được mục tiêu thứ 5- Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (giảm 75% tỷ số tử vong bà mẹ giai đoạn 1990-2015) gồm: Belarus, Bhutan, Equatorial Guinea, Estonia, Iran, Lithuania, Maldives, Nepal, Romania và Việt Nam.
Tổng cộng có 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) bao gồm từ mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo cùng cực tới chặn đứng sự lây lan của HIV/AIDS và đạt phổ cập giáo dục tiểu học, tất cả đều phải hoàn thành vào năm 2015. Các MDG đã được tất cả các nước cũng như tất cả các cơ quan/tổ chức phát triển hàng đầu trên thế giới nhất trí. Các mục tiêu này đã thúc đẩy những nỗ lực to lớn chưa từng có nhằm đáp ứng nhu cầu của những người nghèo nhất trên thế giới.
8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG): MDG 1: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói MDG 2: Đạt phổ cập giáo dục tiểu học MDG 3: Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ MDG 4: Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em MDG 5: Nâng cao sức khỏe bà mẹ MDG 6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác MDG 7: Đảm bảo bền vững về môi trường MDG 8: Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển |
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác