07/03/2017 10:00
Chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành là 1,61m, cao thêm 4 cm sau 35 năm. Lượng thịt tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi (từ 51g lên 84g), thế nhưng rau xanh lại giảm đi.
Hiện trung bình một người ăn khoảng 160g rau xanh và hoa quả, chỉ bằng 50% so với mức khuyến cáo. Đây là kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2010 mới được công bố sáng 4/4 tại Hà Nội.
Tiến sĩ Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, khẩu phần ăn hằng ngày của người dân đang có rất nhiều thay đổi những năm gần đây. Mức năng lượng khẩu phần từ năm 1985 đến nay không thay đổi đáng kể nhưng cơ cấu sinh năng lượng trong khẩu phần ăn thay đổi.
Cách đây 10 năm, phần trăm năng lượng do protein chỉ chiếm 11% thì nay đã tăng lên mức hơn 15%. Đặc biệt, phần trăm năng lượng do lipid đã tăng lên gấp đôi. Điều này cho thấy người Việt đang ngày càng ăn nhiều chất đạm hơn. Trung bình một năm một người ăn khoảng 30,2 kg thịt, trong khi Hàn Quốc chỉ ăn 26,6 kg.
Điều này thực sự đáng lo ngại vì tình trạng thừa cân, béo phì ở nước ta đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở nhóm 50-60 tuổi. Gần 6 phần trăm trẻ dưới 5 tuổi đang bị thừa cân và béo phì. Tỷ lệ này đạt tới 12 đến 15% tại TP HCM và Hà Nội, cao hơn 6 lần so với kết quả điều tra năm 2000.
“Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Chúng ta chưa giải quyết được vấn đề thiếu dinh dưỡng, thế nhưng ở những vùng dân cư khá giả, thừa cân, béo phì tăng, đây chính là 'cửa ngõ' của các bệnh mãn tính", tiến sĩ Tuyền nói.
Phó giáo sư Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì gần như tương đương với suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân. Đây là một điều rất đáng báo động vì thực tế nhiều loại bệnh có thể tránh được nếu có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
"Vấn đề quan trọng là hướng dẫn người dân ăn như thế nào, ăn vào thời điểm nào, tỷ lệ giữa rau, thịt, cá, hoa quả như thế nào cho phù hợp, bữa nào là bữa chính... Nên tăng cường đa dạng bữa ăn, không nên ăn nhiều thịt, ở mức vừa phải, mà ăn cá có nhiều axít béo không no rất tốt cho sức khỏe... ", tiến sĩ Tiến nói.
Ngoài ra, cũng theo kết quả điều tra vẫn còn 1/3 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, đây là hậu quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng xảy ra trong 1000 ngày đầu của cuộc đời trẻ (từ khi thụ thai đến lúc 2 tuổi).
Ông Rajen Kumar Sharma, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết, đã có sự thuyên giảm đáng ghi nhận của tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ trong những năm qua ở Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao. Mức suy dinh dưỡng thấp còi ở các vùng miền khó khăn có thể cao gấp đôi so với vùng đồng bằng.
"Suy dinh dưỡng thấp còi là một chỉ số có giá trị nhất phản ánh tiềm năng lớn lên và phát triển của một đứa trẻ trong tương lai. Các ảnh hưởng mà suy dinh dưỡng thấp còi gây lên cho trẻ em hậu quả về thể chất và tinh thần của trẻ. Vì vậy đứa trẻ này sẽ không thể so sánh với các trẻ em khác được nuôi dưỡng đầy đủ trong giai đoạn đầu đời", ông Rajen nói.
Cũng theo cuộc tổng điều tra này thì chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành là 1,61m, cao thêm 4 cm sau 35 năm. Tính ra cứ 10 năm người dân nước ta chỉ cao thêm được một cm, trong khi nước láng giềng Thái Lan và Trung Quốc tăng hơn 2 cm. Cũng vì thế, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trong giai đoạn tới đặt mục tiêu trong 10 năm tới, chiều cao trung bình thanh niên sẽ tăng thêm 4 cm. Mục tiêu này cao gấp 4 lần kết quả của giai đoạn trước.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác