Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khi Luật Dân số ra đời sẽ hạn chế được việc lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Ảnh: Dương Ngọc
Đề xuất hai phương án
Dự thảo Luật Dân số có đề xuất quy định cấm phá thai trên 12 tuần tuổi. Xin ông cho biết cụ thể về quy định này.
- Tôi xin nói rõ, đây mới là Dự thảo đang đưa ra để lấy ý kiến nhân dân. Trong đó có hai phương án để xin ý kiến mọi người. Phương án thứ nhất là vẫn giữ những quy định như hiện nay, như trong Luật Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe nhân dân 1989: Phụ nữ được phá thai theo nguyện vọng. Phương án thứ hai là hạn chế việc phá thai từ 12 tuần trở lên (trừ các trường hợp mang thai gây nguy hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của thai phụ, thai nhi; do loạn luân; bị hiếp dâm; nguy cơ sinh ra trẻ có dị tật hoặc có nguy cơ phát triển không bình thường).
Các quy định này áp dụng với đối tượng là phụ nữ đã có gia đình, đối với vị thành niên, thanh niên không có quy định nào khác.
Trước đề xuất trên, có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Thứ nhất, có người cho rằng quy định này sẽ có tác dụng tích cực trong việc phòng tránh lựa chọn giới tính thai nhi, giúp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Luồng dư luận thứ hai cho rằng, sẽ khó kiểm soát vấn đề trên. Ý kiến của ông trước điều này?
- Theo phương án 2, sẽ quy định có điều kiện trong việc phá thai khi thai trên 12 tuần tuổi. Mục đích là hạn chế việc phá thai do lựa chọn giới tính khi sinh là chủ yếu. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng quy định này ít tính khả thi và việc thực thi là khó khăn. Trên thực tế, việc phá thai hiện nay đang theo quy định của Luật Bảo vệ chăm sóc SKND năm 1989 (tất cả phụ nữ được phá thai theo nguyện vọng). Tuy nhiên, việc quản lý phá thai còn lỏng lẻo, không có hồ sơ, tên, tuổi nên số liệu khó thu thập được. Song nếu chỉ vì khó khăn mà chúng ta không xem xét, không đưa ra quy định, trên cơ sở đó chấn chỉnh hệ thống quản lý nhà nước thì chúng ta mãi không làm được.
Cần có hệ thống giám sát tại các cơ sở y tế
Theo phản ánh trên các phương tiện thông tin, Việt Nam đang là một trong những nước có tỉ lệ phá thai khá cao. Khi đưa ra đề xuất trên, chúng ta có tính đến việc kiểm soát và thực thi quy định này trong thực tế hay không, thưa ông? Đặc biệt là với các cơ sở y tế tư nhân?
- Có nhiều ý kiến cho rằng, tỉ lệ phá thai ở Việt Nam đang trong hàng cao nhất thế giới. Trên thực tế, điều đó không đúng. Nếu những năm 1990 , tỉ suất NPT lên tới 45 – 49/100 (cứ 100 trẻ sinh ra thì có khoảng 1/2 số ca phá thai) thì hiện nay, theo các số liệu tại Việt Nam và của thế giới, tỉ lệ này ở Việt Nam đã giảm rất nhiều. Theo số liệu của Mỹ công bố thì Việt Nam đứng thứ 43/107 nước có thu thập được số liệu về vấn đề này; thấp hơn cả những nước đã phát triển như: Bungari, Rumani, Nga, thậm chí so với cả Mỹ.
Việc quản lý về mặt nhà nước đối với các cơ sở phá thai theo đúng quy định về pháp luật là việc khó. Thói quen, quán tính trong việc quản lý dịch vụ này từ trước đến nay cũng chưa được chặt chẽ nên việc đưa ra quy định thực thi hết sức khó khăn. Ở nước ta, những việc có thể “cân đong, đo đếm” được như xe quá tải trọng, có thể nhìn thấy bằng cảm quan, có thể cân được bằng cân điện tử, vậy mà tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, thì huống chi việc khó nhìn thấy, khó phát hiện khi chỉ có mối quan hệ hẹp giữa người cung cấp dịch vụ với khách hàng trong phòng kín. Nhưng không thể vì những khó khăn đó mà không tính đến những giải pháp, biện pháp để quản lý.
Xin ông cho biết, chúng ta cần có những biện pháp nào để quản lý được việc này?
- Trước hết là phải có quy định về pháp luật, thứ hai là phải tăng cường, nâng cao nhận thức của các cán bộ cung cấp dịch vụ này để họ tuân thủ triệt để quy định pháp luật. Thứ ba là phải có hệ thống kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật một cách có hiệu quả hơn. Ở một số nước, họ có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề này. Ví dụ như Thái Lan, có đặt hệ thống giám sát đối với từng phòng khám tư nhân cũng như tại các bệnh viện công để giám sát cả người cung cấp và người nhận dịch vụ phá thai.
Ở những cơ sở phá thai “chui”, tỉ lệ tai biến khá cao. Vậy chúng ta có đề xuất phương án như thế nào để kiểm soát được các cơ sở này, thưa ông?
- Trong Đề án dự kiến trình Chính phủ, chúng tôi đề xuất có hệ thống giám sát bằng công nghệ đặt ở các cơ sở được cấp phép cung cấp các dịch vụ phá thai. Một điểm nữa là theo Luật Thanh tra 2010, công tác thanh tra được cải thiện rất nhiều khi thông qua việc kết hợp với thanh tra chuyên ngành; với khả năng hoạt động độc lập của thanh tra viên khác so với trước. Trước đây, nếu đến thanh tra cơ sở nào đều phải có kế hoạch từ trước cho cơ sở được thanh tra. Nay với Luật mới, chúng ta có quyền thanh tra đột xuất, không cần báo trước.
Khắc phục tâm lý ưa thích con trai
Để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Bộ Y tế cũng đã đưa ra đề xuất hỗ trợ các gia đình sinh con một bề là gái. Vậy khi đề xuất vấn đề này, chúng ta có tính đến việc có công bằng cho những gia đình sinh toàn con trai không?
- Đây cũng là một trong số các phương án đưa ra để xin ý kiến người dân góp ý. Nếu đa số ủng hộ, chúng ta sẽ xây dựng theo phương án đó, còn nếu đa số không ủng hộ thì chúng ta xem xét lại.
Nói về yếu tố công bằng, đây là một khái niệm rất rộng. Chẳng hạn có người hỏi, tại sao cùng là người lao động mà nam thì nghỉ hưu vào năm 60 tuổi, còn phụ nữ nghỉ hưu lúc 55 tuổi? Vậy có công bằng không? Khái niệm công bằng cần được đặt trong bối cảnh cụ thể, hoàn cảnh cụ thể. Chúng ta thực hiện việc này để đảm bảo mục tiêu mang lại lợi ích cho người dân, cho đất nước và cần hiểu rằng công bằng không có nghĩa là san bằng.
Khi đề xuất quy định này, chúng ta tính đến lợi ích lâu dài gì? Liệu quy định này được thực thi, các gia đình sẽ lại nảy sinh ý muốn sinh con gái. Như thế sẽ lại tạo ra một sự mất cân bằng giới tính khi sinh nữa?
- Chúng tôi mong muốn rằng, việc này sẽ tạo điều kiện nâng cao vị thế của phụ nữ trong cuộc sống; góp phần khắc phục được sự tâm lý ưa thích sinh con trai của người dân.
Còn việc cho rằng sẽ tạo ra sự mất cân bằng giới tính khi sinh theo chiều hướng ngược lại, nếu có điều ấy xảy ra, chắc còn rất lâu. Hiện nay, tất cả những nước mất cân bằng giới tính khi sinh, chưa có nước nào thành công trong việc đưa chuyện ưa thích có con trai quay ngược lại thành ưa thích có con gái, ngoại trừ Hàn Quốc. Hàn Quốc sau gần 20 năm triển khai các hoạt động truyền thông cùng với với việc tạo lập thành công các giá trị mới, đặc biệt là giá trị về gia đình, về bình đẳng giới, nâng cao vị thế phụ nữ thì tỉ lệ mong muốn có con gái đã nhỉnh hơn mong muốn có con trai. Bên cạnh nguyện vọng đó, việc sinh đẻ của người Hàn Quốc hiện nay đã để cho tự nhiên chi phối, khác với những năm 1990 trở về trước, họ mong muốn sinh con trai và lựa chọn giới tính khi sinh như nhiều nước đang bị mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, trong đó có Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có quyền thanh tra đột xuất, không cần báo trước
“Chúng tôi đã đề xuất cần có hệ thống giám sát bằng công nghệ đặt ở các cơ sở được cấp phép cung cấp các dịch vụ phá thai. Một điểm nữa là theo Luật Thanh tra 2010, công tác thanh tra được cải thiện rất nhiều khi thông qua việc kết hợp với thanh tra chuyên ngành; với khả năng hoạt động độc lập của thanh tra viên khác so với trước. Trước đây, nếu đến thanh tra cơ sở nào đều phải có kế hoạch từ trước cho cơ sở được thanh tra. Nay với Luật mới, chúng ta có quyền thanh tra đột xuất, không cần báo trước”.
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ
Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội