07/03/2017 10:00
có rất nhiều chị em ở địa phương tự nguyện xin đi “làm thế nào không phải đẻ nữa” để yên tâm nuôi dạy con, làm kinh tế.
|
Các bác sỹ tư vấn cho người dân lợi ích của việc KHHGĐ. Ảnh: Võ Thu |
Chị Hoàng Thị Châm, cán bộ chuyên trách xã Cư K’Bang, huyện Ea Súp cho hay, đã có rất nhiều chị em ở địa phương tự nguyện xin đi “làm thế nào không phải đẻ nữa” để yên tâm nuôi dạy con, làm kinh tế.
Tại khoa Sản, BVĐK Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi gặp một em bé khoảng chừng 8 tuổi, người gầy đét, nhỏ thó, đang một tay bế em, tay kia lỉnh kỉnh xách túi cho mẹ. Đó là bé Hoàng Thị Xuyên, con gái chị Phùng Mùi Pham (dân tộc Dao, thôn 16, xã Cư K’ Bang). Hỏi mới biết, Xuyên bế em cho mẹ đi đình sản. Không hiểu đình sản là gì, Xuyên chỉ biết: Mẹ sẽ không phải sinh thêm em bé nữa, tức là sẽ không có cảnh mệt lả như khi mẹ sinh em bé mà Xuyên đang bế trên tay.
Sợ đẻ lắm rồi, đi kế hoạch thôi!
Chị Pham năm nay 34 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm 20 năm làm vợ, làm mẹ.Vợ chồng chị Pham có 5 đứa con. Con lớn nhất của chị 16 tuổi đã nghỉ học mấy năm. Đứa nhỏ nhất vẫn còn chưa biết đi. Nhà nghèo, con đông, mùa màng được chăng hay chớ, nương rẫy một mình thân chị gánh vác. Quần quật cả năm không đủ ăn, chị hồn nhiên kể: Các con chị tự lớn, chị không còn kịp nhớ ra tuổi của chúng. 34 tuổi, trông chị Pham nhỏ bé, gương mặt hốc hác, da nhăn nheo, ai không biết sẽ nghĩ chị phải ngoài 50 tuổi.
“Ngày sinh thằng út, chồng, con đi vắng hết. Ma (mẹ chồng, mẹ vợ) đều ở xa. Một mình tôi chuyển dạ, tự đỡ đẻ rồi tự cắt dây rốn cho con. Nó gầy yếu, gia đình không nuôi nổi, tôi đã tính chuyện cho con đi làm con nuôi nhà anh em, nhưng con cả không cho nên giữ lại”, chị Pham rùng mình nhớ lại khoảng thời gian cách đây gần một năm. Thế nên khi chúng tôi hỏi đùa: “Đau, khổ thế, chị có thích có thêm con không?”, chị Pham lắc đầu nguầy nguậy: “Không đâu, sợ đẻ lắm, đi “kế hoạch” thôi!”.
Trong số hơn 30 hồ sơ đình sản, triệt sản tại huyện Ea Súp và Cư M’Gar của tỉnh Đắk Lắk đợt này, số người có con đông như chị Pham không hiếm. Không một ai có dưới 3 con. Đông nhất phải kể đến chị H’Nhuôn Niê, dân tộc Êđê, 39 tuổi ở buôn Brah, xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar với kỷ lục 7 người con, 5 trai 2 gái.
Chị H’Rắc RKăm, CTV dân số buôn E M’Rorh, xã E M’Rorh, huyện Cư M’Gar, cho chúng tôi biết: “Người dân Êđê, Gia Rai hay Mơ Nông tại chỗ (người bản địa) theo truyền thống mẫu hệ. Do đó, nếu người dưới xuôi cố sinh bằng được con trai thì ở đây, nhà nào cũng phải có con gái để nối họ mẹ”. Đấy là nguyên nhân vì sao trong số chị em tham gia đình sản lần này, dù đã rất mệt mỏi vì phải chửa đẻ, không ít người vẫn phải có bằng được một đứa con gái cho yên tâm!
Giúp người dân thay đổi nhận thức
Chia sẻ kinh nghiệm vận động chị em đi triệt sản, chị Nguyễn Thị Kiều Trang, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ thị trấn Ea Pok, huyện Cư M’Gar, nói: “Bà con trước đây rất sợ động dao kéo vào người, họ cho rằng cơ thể sẽ bị yếu đi, không thể làm việc được. Ngoài ra, họ nghĩ rằng đi đình sản rất mất thời gian, đường sá xa xôi, lại phải nghỉ lại bệnh viện vài ngày. Là trụ cột gia đình, họ không thể bỏ bê gia đình, con cái được. Để tạo sự tin tưởng của bà con, chúng tôi đã động viên những cộng tác viên tự nguyện đình sản, làm gương. Những người đã đi đình sản đều khỏe mạnh, tươi vui chính là “bằng chứng sống” khiến bà con tin theo”.
Theo chị H’Lê Niê, Trưởng phòng Dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk: Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai toàn tỉnh đạt 70%. Tuy nhiên, nếu tính riêng đồng bào vùng sâu vùng xa thì tỷ lệ này không cao. Bà con rất thích các biện pháp tránh thai lâu dài hoặc vĩnh viễn như vòng tránh thai, cấy tránh thai hoặc triệt sản. Lý do chủ yếu vẫn là họ không thể nhớ lịch uống (thậm chí tiêm) thuốc tránh thai, dùng bao cao su thì vẫn sai cách nên việc “lỡ kế hoạch” là điều khó tránh khỏi.
Tại huyện Ea Súp, chị Đinh Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho hay: “Năm nay, kinh phí Trung ương giao muộn nên triển khai Chiến dịch cũng khó khăn. Mục tiêu của huyện là vận động 23 ca triệt sản, chúng tôi đã thực hiện được 17 ca, nay thêm 17 ca do các bác sĩ của Marie Stopes International Việt Nam (MSIVN) tiến hành nữa. Như vậy, năm 2012, chỉ tiêu triệt sản sẽ đạt gần 150%”. Điều quan trọng, như chị Trần Thị Tâm – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cư M’Gar, chia sẻ: “Nhận thức của người dân về các biện pháp tránh thai nói chung và của triệt sản nói riêng là không hề “ghê gớm” như họ nghĩ. Bằng chứng là có nhiều xã, nhiều thôn, bà con rủ nhau đi “kế hoạch”. Một khi bà con đã tin, họ sẽ “rỉ tai” nhiều hơn cho mọi người”.
Cơ hội “chuyển giao công nghệ”
Đắk Lắk là một trong 33 tỉnh, thành trong cả nước được MSIVN triển khai chương trình mổ triệt sản nữ và đặt vòng tránh thai. Chương trình được áp dụng tại tỉnh cao nguyên đất đỏ này từ năm 2010. Theo ông Trần Tất Thắng – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS cộng đồng, kỹ thuật của MSI tuân thủ các tiêu chuẩn chung về kĩ thuật của Bộ Y tế có kết hợp với những thực hành tốt của quốc tế được đúc kết từ kinh nghiệm cung cấp dịch vụ của Marie Stopes trên toàn cầu. Với thách thức về sự thiếu hụt ngân sách cho các dịch vụ tránh thai của Việt Nam trong vòng 5 năm tới, mô hình triệt sản của MSI hứa hẹn đóng góp vào việc giảm gánh nặng về chi phí cho quốc gia cho lĩnh vực này.
Chia sẻ với những cán bộ làm dân số, chăm sóc SKSS của Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng tại “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mổ triệt sản” vừa qua tại Đắk Lắk, BS Nguyễn Đức Anh - Giám đốc phụ trách chất lượng lâm sàng của MSIVN cho biết: MSIVN áp dụng các biện pháp giảm thiểu chi phí nhiều nhất mà vẫn đạt hiệu quả phục hồi nhanh nhất. “Chúng tôi sử dụng lượng thuốc giảm đau tối thiểu cho khách hàng, vừa đủ để họ cảm thấy thực hiện tốt dịch vụ. Nếu sử dụng các thuốc tiền mê như seduxen hoặc dolargan để gây mê, khách hàng sẽ có tình trạng lơ mơ. Trong phương pháp mổ triệt sản nữ mới, chúng tôi chỉ gây tê tại chỗ. Do đó, khách hàng hoàn toàn tỉnh táo. Sau khi triệt sản, họ phục hồi rất nhanh và có thể ra về sau 1-2 giờ. Thủ thuật nhanh chóng, chỉ từ 8-15 phút/ca”, ông Anh nói.
Cùng tham gia trong chuyến đi thực tế triệt sản nữ tại huyện Ea Súp, ông Lương Đình Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Nam hồ hởi chia sẻ: “Ngoài việc sử dụng kỹ thuật mới, MSIVN còn áp dụng phương pháp “giảm đau bằng lời”. Do khách hàng hoàn toàn tỉnh táo trong thời gian mổ, nên để “đánh lạc hướng tập trung”, một nhân viên liên tục trò chuyện, trao đổi để họ “quên đau tạm thời”.
“Do khách hàng chủ yếu là người đồng bào dân tộc, không biết tiếng Kinh, MSIVN còn bố trí một “thông dịch viên” trao đổi lại với khách hàng. Điều này rất cần thiết trong kinh nghiệm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đối với một tỉnh có nhiều địa bàn miền núi, dân tộc như Quảng Nam chúng tôi”. Ông Lương Đình Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Nam |
Võ Thu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác