07/03/2017 10:00
“Nếu không có sự can thiệp tích cực thì tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của nước ta có thể tiếp tục tăng lên 125/100 vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2030"
“Nếu không có sự can thiệp tích cực thì tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của nước ta có thể tiếp tục tăng lên 125/100 vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2030. Tình trạng này sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các gia đình, an ninh xã hội và là tai họa cho sự phát triển bền vững của đất nước”. TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, nhấn mạnh.
|
Hiện nay nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trầm trọng. Ảnh: Hà Anh |
Đến nay mới chỉ có 1 quốc gia duy nhất là Hàn Quốc giảm được tình trạng MCBGTKS trở về mức bình thường (103 – 106). Hàn Quốc MCBGTKS vào những năm 1980 thì đến năm 2005 họ mới đưa TSGTKS về mức 107/100. Như vậy, họ mất 25 năm để giảm tình trạng này và đến bây giờ cũng mới chỉ có họ là quốc gia duy nhất làm được vấn đề này. Còn Trung Quốc là nước MCBGTKS trầm trọng dù đã có những biện pháp vô cùng quyết liệt nhưng đến năm 2010, TSGTKS của họ vẫn ở mức rất cao 122,8/100. |
Tăng nhanh, diễn biến phức tạpHiện TSGTKS của Việt Nam đang gia tăng nhanh và phức tạp hơn rất nhiều so các nước khác. Ông có thể cho biết về hiện tượng này?- Đúng là mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tại Việt Nam có đặc điểm khác với các quốc gia khác: Thứ nhất là xuất hiện muộn hơn nhưng tốc độ nhanh hơn. Nếu các nước trong khu vực tình trạng này xảy ra từ những năm 1980 thì Việt Nam chính thức TSGTKS làm nóng dư luận xã hội là vào năm 2006. Kể từ đó đến nay, tỉ số này luôn trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái và xu hướng này còn tiếp tục tăng. Có đến 5/6 vùng kinh tế xã hội và 51/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đang ở trong tình trạng MCBGTKS. Theo Điều tra biến động dân số hằng năm thì tính đến ngày 1/4/2012, TSGTKS của Việt Nam là 112,3/100.
Thứ hai là TSGTKS nước ta khiến diễn biến phức tạp hơn là ở các nước khác. Nếu ở các nước khác, TSGTKS hoàn toàn bình thường ở lần sinh thứ nhất và cao hơn ở lần sinh thứ hai thì ở Việt Nam, tỉ số này cao ngay ở lần sinh đầu tiên và cao nhất ở lần sinh thứ ba trở lên (115,5 trẻ trai/100 trẻ gái). Đối với những gia đình mới chỉ sinh được 2 con gái thì ở lần sinh thứ 3, TSGTKS lên tới 130. Trong khi TSGTKS của phụ nữ ở nhóm 20% dân số nghèo nhất đều nằm ở mức bình thường (105-106) và nhỉnh hơn chút ít ở lần sinh thứ 3 (108) thì ở các nhóm dân số trung bình, giàu và giàu nhất tỉ số này đã ở mức cao ngay từ lần sinh thứ nhất (từ 111 - 112). Đặc biệt ở lần sinh thứ 3 trở lên thì ở cả ba nhóm dân số này, TSGTKS rất cao: 116, 121 và 133 lần lượt từ mức thu nhập trung bình, giàu và giàu nhất.
Tại sao TSGTKS của ta lại gia tăng nhanh và phức tạp hơn rất nhiều so các nước khác?- Việt Nam cũng như một số quốc gia có sự MCBGTKS khác đều có chung một điểm về sự ưa thích con trai và tìm mọi biện pháp để đạt được mục đích đó. Tuy nhiên, lòng mong muốn mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ ở đây là phải có công nghệ để thực hiện lòng mong muốn đó.
MCBGTKS của ta xuất hiện muộn hơn nhưng lại trong bối cảnh khoa học kỹ thuật có sự tiến bộ vượt bậc. Những thành tựu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y khoa đã bị lạm dụng cho việc xác định giới tính thai nhi và các bà mẹ dễ dàng thực hiện sự lựa chọn này cùng sự tiếp tay của những người cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, cùng với diễn biến phức tạp của TSGTKS tôi đã nói ở trên có thể thấy, hộ rất nghèo và hộ nghèo không có tiền để áp dụng công nghệ lựa chọn thì TSGTKS của họ bình thường. Chỉ có những gia đình có kinh tế khá giả trở lên có điều kiện để thực hiện công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi và những phụ nữ có trình độ học vấn cao sẽ biết cách để tiếp cận các dịch vụ này.
Cần bình tĩnh, không thể nóng vộiÔng có cảnh báo gì cho hệ lụy của MCBGTKS ở Việt Nam khi mà nhiều người cho rằng chúng ta đang quá lo xa cho việc chưa xảy ra trong thời điểm này?- Nói đến hệ lụy của vấn đề MCBGTKS thì tại thời điểm này, chúng ta chưa thấy sự ảnh hưởng của nó. Nhưng chỉ 10 – 15 năm nữa, chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả. Vấn đề chỉ thực sự đáng lo ngại khi các cháu đến tuổi trưởng thành, kết hôn.
Nhiều người nói rằng, nếu bây giờ sinh ra ít gái nhiều trai thì tương lai bình đẳng giới sẽ tốt hơn, con gái sẽ được coi trọng hơn. Nhưng vấn đề lại hoàn toàn ngược lại, bất bình đẳng giới sẽ ngày càng gia tăng, tỉ lệ tội phạm liên quan đến tình dục sẽ ngày càng cao hơn và trong một chừng mực nào đó, người con gái dễ trở thành món hàng bị buôn bán. Tỉ lệ kết hôn của phụ nữ sẽ sớm hơn, sự tranh giành giữa những người đàn ông để có được người phụ nữ và tỉ lệ phụ nữ tái hôn sẽ cao hơn.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ MCBGTKS như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đã phải “nhập khẩu” cô dâu. Và phần lớn trong số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đã trở thành cô dâu ở các nước và vùng lãnh thổ nói trên. Đây cũng là điều cảnh báo cho Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy rõ rằng, đến khi Việt Nam phải đối mặt với sự thiếu hụt phụ nữ thì chúng ta khó có thể “nhập khẩu” được cô dâu từ nước láng giềng và sẽ đối mặt với vấn đề này khó khăn hơn các nước rất nhiều.
Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, theo ông Việt Nam cần có giải pháp nào? Đâu là giải pháp cốt yếu nhất để đưa TSGTKS trở lại mức bình thường?- Đây là một vấn đề liên quan đến văn hóa, phong tục, tập quán của người dân đã có từ hàng nghìn năm nên chúng ta ứng xử với việc MCBGTKS phải ứng xử như một vấn đề văn hóa. Chúng ta không thể nóng vội mà phải làm từng bước, huy động cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các giải pháp. Các giải pháp này được xây dựng từ những thực tiễn đặc thù của Việt Nam và được đúc kết từ bài học kinh nghiệm các nước.
Để giảm được TSGTKS thì phải có chính sách ưu tiên đối với nữ, ưu tiên đối với những gia đình sinh con một bề là gái chứ không chỉ dừng lại ở bình đẳng giới. Cần tăng cường, rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật, tuyệt đối nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính. Tuy nhiên trong tất cả các giải pháp, quan trọng nhất vẫn là truyền thông thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết về mặt chính trị phải được đặt lên hàng đầu. Một mình ngành Y tế, Dân số không thể đạt được sự thành công trong việc giảm thiểu MCBGTKS nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Chính vì thế, ngay từ đầu năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ Y tế hết sức quyết liệt. Bộ Y tế đã đi làm việc với HĐND, UBND của 10 tỉnh, thành phố có TSGTKS cao nhất. Ngày 3/11/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội thảo Quốc gia về MCBGTKS có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu quốc tế và lãnh đạo UBND, Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương để đề xuất với Ban Bí thư ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về giảm thiểu tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam.
+ Trân trọng cảm ơn ông! “Trong những năm qua, đứng trước tình trạng này, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tiến hành mô hình can thiệp, giảm thiểu tình trạng MCBGTKS ở 43 tỉnh, thành phố có TSGTKS cao. Chúng tôi cũng huy động được các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc. Một số tỉnh, thành phố, cấp ủy chính quyền địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc là những tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị của Tỉnh (Thành) ủy về MCBGTKS, đã huy động được các cấp, các ngành, các đoàn thể tham gia. TSGTKS đã làm giảm được tốc độ gia tăng từ 1,15 điểm phần trăm xuống còn 0,6 điểm phần trăm trong 3 năm vừa qua. Tuy nhiên, với tốc độ ấy thì chúng ta cũng rất khó có thể đạt được những mục tiêu liên quan đến Chiến lược DS&SKSS giai đoạn 2011 – 2020 là vào năm 2015 không được vượt quá 113/100 và năm 2020 không vượt quá 115. Mặc dù việc can thiệp để làm giảm TSGTKS trở về mức cân bằng theo quy luật sinh học tự nhiên là việc làm rất khó khăn nhưng từ bài học thành công của Hàn Quốc và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được”. TS Dương Quốc Trọng (Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ) |
Hà Thư (thực hiện)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác