07/03/2017 10:00
GiadinhNet - Sau gần 10 năm thi hành, Pháp lệnh Dân số đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập mà theo các chuyên gia đầu ngành rất cần phải điều chỉnh.
|
Luật Dân số ra đời sẽ có những qui định chặt chẽ hơn trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS. Ảnh: P.V. |
Pháp lệnh Dân số (PLDS) là văn bản pháp lý cao nhất của nước ta trong lĩnh vực dân số. Tuy vậy, sau gần 10 năm thi hành, PLDS đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập mà theo các chuyên gia đầu ngành rất cần phải điều chỉnh.
Luật Dân số sẽ khắc phục hạn chế của PLDSNhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Dự án Luật, thay mặt tổ biên soạn, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng: Trước hết, việc xây dựng Luật là nhằm để khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện PLDS.
Phân tích cụ thể, ông Tân nói: Khá nhiều quy định của PLDS còn nặng tính nguyên tắc, chung chung dựa trên cơ sở của một nhóm yếu tố tác động, thiếu cụ thể hóa từng yếu tố tác động, từng tiêu chuẩn và quy trình thực hiện, nên khó áp dụng trong thực tiễn. PLDS cũng thiếu các quy định về quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong xã hội đối với việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy trình, các biện pháp giải quyết đối với mỗi nội dung điều chỉnh cụ thể. Ngoài ra, PLDS không quy định cụ thể các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và điều kiện đối với các đối tượng thụ hưởng, đối với các tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ dân số.
“PLDS cũng chưa có quy định cụ thể về đối tượng, mức và chính sách ưu tiên đối với các vùng miền có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; đối với một số đối tượng là người nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn”, Phó Tổng cục trưởng chia sẻ.
Đặc biệt, ông Tân cũng nhấn mạnh về việc PLDS chưa quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc thực hiện công tác dân số. Đồng thời, các quy định, hướng dẫn và cơ chế quản lý việc bảo đảm thi hành các quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam cư trú ở ngoài lãnh thổ Việt Nam trong việc thực hiện công tác dân số cũng chưa được chỉ ra trong PLDS, PLDS sửa đổi Điều 10.
Một vấn đề khác cũng được Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân chỉ ra về việc PLDS chưa có quy định cụ thể là chính sách, biện pháp trợ giúp cho nhóm đối tượng người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp các dịch vụ dân số nhằm kiểm soát sinh sản, kiểm soát việc lựa chọn giới tính, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số.
Luật sẽ giải quyết được các vấn đề mới phát sinhDân số nước ta bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học chưa từng có trong lịch sử: Giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp; từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn; từ mức chết cao sang mức chết thấp (đặc biệt là mức chết trẻ em); từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số; từ cơ cấu dân số phụ thuộc sang cơ cấu dân số vàng.
Bên cạnh đó, theo TS Dương Quốc Trọng- Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, chất lượng dân số nước ta hiện thấp, chưa thể đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Trong tương lai, chúng ta không thể cạnh tranh mãi với các nước bằng một nguồn nhân công rẻ mạt được. Muốn “đi tắt đón đầu” buộc chúng ta phải nâng cao chất lượng dân số, do đó, đây là nhiệm vụ hàng đầu trong Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra...” – Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Ngay cả vấn đề kiểm soát quy mô dân số hiện nay, chúng ta cũng gặp phải những thách thức không nhỏ. Từ năm 2006 đến nay, chúng ta luôn đạt mức sinh thay thế. Tuy nhiên có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng miền và các tỉnh, thành phố. Hiện nay, Bộ Y tế, cụ thể là Tổng cục DS-KHHGĐ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về 3 lĩnh vực là quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Tuy nhiên trong lĩnh vực quản lý Nhà nước còn 2 lĩnh vực là phân bố dân số, quản lý dân cư. Cùng với quá trình CNH-HĐH, di cư và đô thị hóa – vấn đề tất yếu xảy ra trong quá trình phát triển – diễn ra ngày càng mạnh mẽ, ồ ạt, nhanh chóng với cường độ lớn; Tuy nhiên hiện chưa một bộ, ngành nào cụ thể quản lý về vấn đề này.
Dẫn chứng về vấn đề này, Tổng cục trưởng Dương Quốc Trọng phân tích: Kết quả Tổng điều tra dân số 2009 cho thấy: Mặc dù có 5 tỉnh tỷ suất sinh thô còn khá cao nhưng tốc độ tăng dân số lại thấp, chứng tỏ có sự xuất cư rất lớn ở các địa phương này. Hoặc có những nơi có lực hút nhân lực rất lớn như Bình Dương, sau 10 năm, dân số tăng gấp đôi với tỷ lệ tăng dân số là 7,3%...
TS Dương Quốc Trọng cho rằng, thực trạng quản lý dân cư của Việt Nam hiện đang rất phân tán. Nhiều ngành cùng tham gia (công an, hộ tịch, tư pháp, thậm chí các ngành đoàn thể khác), nhưng không có một ngành nào chuyên trách. Do vậy, theo TS Dương Quốc Trọng, dữ liệu dân cư không thống nhất. Hiện nay, ngành Dân số cả nước vẫn có cơ sở dữ liệu dân cư có từ trước Tổng điều tra dân số 2009. “Sau khi đối chiếu, số liệu chỉ chênh trên dưới 1%. Chúng tôi tự hào vì kho dữ liệu này” – TS Trọng phấn khởi.
Trước đây, cơ sở dữ liệu dân cư khởi đầu do Tổng cục DS - KHHGĐ thực hiện nhưng hiện nay đã được bàn giao cho Bộ Tư pháp. Do vậy, Tổng cục trưởng cho rằng: Vấn đề quản lý dân cư trong thời gian tới là thách thức lớn trong công tác dân số. Vì vậy, trong dự án Luật Dân số cũng cần phải đặt ra vấn đề này. Chính phủ cần quan tâm và phân công thực hiện.
Luật Dân số góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền “PLDS đã được kiểm nghiệm qua gần 10 năm thực hiện, thời gian đủ để xây dựng Luật Dân số thay thế cho PLDS nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, giải quyết những vấn đề mới phát sinh về DS-KHHGĐ. Pháp luật về dân số có liên quan đến quyền con người, do đó, có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển, thi hành, nên cần được quy định và xử lý bằng luật, nhằm hướng tới việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền, tạo lối sống, làm việc theo pháp luật của toàn xã hội”. TS Nguyễn Văn Tân Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ |
Võ Thu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác