07/03/2017 10:00
Do trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán cưới hỏi, sinh đẻ lạc hậu nên công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng, tảo hôn, sinh đông con khiến cái nghèo luôn đeo bám nhiều hộ gia đình, ảnh hưởng đến công tác xóa đói, giảm nghèo và đặt ra bài toán khó trong công tác dân số ở địa phương.
Xã Cư Kbang hiện có 2.002 hộ với 9.260 nhân khẩu sinh sống ở 16 thôn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 97% dân số, 100% dân số từ phía Bắc di cư vào. Trình độ dân trí thấp, tư tưởng “sinh nhiều con để sau này được nhờ” còn tồn tại đã làm cho dân số xã tăng nhanh. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, lạc hậu, trẻ em sinh ra bị suy dinh dưỡng.
Ông Ma văn Chấn – Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thôn 13 là thôn cư ngụ của hơn 300 hộ đồng bào dân tộc H’Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào, tình trạng tảo hôn, đẻ dày và đẻ nhiều diễn ra khá phổ biến. Trở thành điểm nóng trong công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ở địa phương.
Trẻ em ở thôn 13, xã Cư Kbang không có điều kiện đến trường. Chị Lý Thị Pàng 48 tuổi, ở thôn 13, xã Cư Kbang lấy chồng từ năm 16 tuổi, đến nay đã có chồng và 11 đứa con. Đứa lớn nhất năm nay 20 tuổi, còn đứa con thứ 11 mới tròn 1 tuổi. Kinh tế chỉ dựa vào nguồn thu từ vài sào ngô trồng trên đất mượn và tiền công lao động của người chồng đi làm thuê, làm mướn. Căn nhà mà gia đình chị Pàng đang ở là nhà tranh tạm bợ không có vật dụng gì đáng giá. Điều lo ngại nhất đối với những đứa trẻ trong gia đình này là các cháu không được đi học, ăn uống bữa đói còn nhiều hơn bữa no.
Chị Pàng và những đứa con suy dinh dưỡng. Còn anh Đào văn Sài và chị Lý Thị Phương là một cặp vợ chồng còn trẻ tuổi, nhưng cũng đã vỡ kế hoạch sinh con. Chị Phương năm nay mới 24 tuổi đã là mẹ của 4 đứa con. Khi được hỏi liệu có còn sinh thêm hay không thì chị không giám trả lời, vì vợ chồng chị vẫn còn suy nghĩ “sinh đông con để sau này được nhờ”. Đẻ nhiều, đẻ dày đã làm cho chị Phương trông già dặn hơn so với tuổi của mình.
Hiện tại, chỗ ở của gia đình chị Phương là ngôi nhà tranh tuềnh toàng, kinh tế chỉ dựa vào 2,3 sào đất trồng đậu trồng bắp, cuộc sống nhiều khó khăn. Thiếu về cái ăn, cái mặc nên chuyện học hành của 4 đứa con đang còn bỏ ngỏ. Tương lai của những đứa trẻ này vì thế vẫn mờ mịt.
Kết hôn sớm, đẻ nhiều, đẻ dày được xem là “đặc trưng” của đồng bào H’Mông ở thôn 13. Tâm lý chung của những cặp vợ chồng ở đây là muốn có con phụng dưỡng khi già yếu, nhưng thực tại vì đẻ nhiều, đẻ dày mà gia đình nào cũng túng thiếu, con cái không được chăm sóc, học hành đầy đủ.
Chị Hoàng Thị Châm – Cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong thời gian qua, cán bộ dân số tích cực tuyên truyền, cung cấp dịch vụ tránh thai cho nhiều chị em nhưng họ vẫn có thai. Nguyên dân là do trình độ dân trí thấp, tập quán sinh hoạt, nhiều chị em đặt vòng tránh thai vẫn thường xuyên mang vác vật nặng, hoặc uống thuốc tránh thai thì ngày nhớ ngày quên… nên không có tác dụng.
Đẻ dày, đẻ nhiều...và nghèo đói. Đẻ nhiều, đẻ dày đã làm cho cuộc sống của người dân ở thôn 13 nói riêng, xã Cư Kbang nói chung gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, toàn xã còn 63% hộ nghèo, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng 32,7%. Để giúp người dân đẻ ít, đẻ thưa, vươn lên thoát nghèo, ngoài sự hỗ trợ, đầu tư về kinh tế, các ngành, các cấp địa phương cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật hôn nhân và gia đình, chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình…/.
Quốc Hoàn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác