07/03/2017 08:18
Để hoạch định chiến lược phát triển trong những giai đoạn tới, từ kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, Tổng cục Thống kê đã xây dựng và công bố chính thức báo cáo dự báo dân số Việt Nam dài hạn trong giai đoạn 2009-2049.
Đây là nguồn số liệu chính thức của Nhà nước làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch trung và dài hạn. Vì vậy, chúng ta cần quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu chương trình DS-KHHGĐ làm cơ sở cho phát triển bền vững ở Việt Nam.
Thách thức về qui mô dân số
Số dân nước ta tại thời điểm Tổng điều tra 2009 là 85,8 triệu người và vào năm cuối của thời kỳ dự báo (năm 2049), số dân nước ta là 108,7 triệu người theo phương án trung bình, 119,8 triệu người theo phương án cao, 98,3 triệu người theo phương án thấp và 111,8 triệu người theo phương án không đổi.
Trong vòng 40 năm, từ 2009-2049, số dân nước ta tăng thêm khoảng 26,6%, 39,6%, 14,5% và 30,3% tương ứng theo các phương án: Trung bình, cao, thấp và không đổi. Như vậy số dân tăng lên tương đương theo các phương án là khoảng 23 triệu, 34 triệu, 12 triệu và 26 triệu. Hãy hình dung là đến giữa thế kỷ 21, số dân tăng lên theo 4 phương án sẽ tương đương với số tỉnh tăng lên (tính theo dân số trung bình của một tỉnh) là 23 tỉnh, 34 tỉnh, 12 tỉnh, 26 tỉnh. Như vậy, đến giữa thế kỷ 21dân số nước ta sẽ tăng lên cao nhất là gấp đôi và thấp nhất là tăng thêm 1/4 số tỉnh đã có hiện nay. Biết bao khó khăn cho các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội sẽ được đặt ra.
Theo phương án trung bình, trong 5 năm đầu của thời kỳ dự báo, 2009-2014, dân số nước ta dự báo có tỷ suất tăng hàng năm là 1,09%. Trong tương lai, tỷ suất tăng dân số dự báo giảm và còn 0,11% trong giai đoạn 2044-2049. Theo phương án trung bình, trong giai đoạn 2009-2014, dự báo số dân cả nước tăng thêm bình quân mỗi năm 961 nghìn người. Con số này tiếp tục giảm xuống đến giai đoạn 2024-2029 là 642 nghìn người, sau đó giảm dần, đến giai đoạn 2044-2049 còn 121 nghìn người.
Thực hiện thành công mục tiêu chương trình DS-KHHGĐ sẽ làm cơ sở
cho phát triển bền vững của Đắk Lắk. Ảnh: V.T.
Thách thức về cơ cấu tuổi và đô thị hóa
Số liệu về tỷ số giới tính (số nam/100 nữ) và tuổi trung vị của dân số cả nước theo bốn phương án. Sự khác nhau về mức độ sinh theo các phương án khác nhau góp phần làm thay đổi cơ cấu tuổi của dân số. Cả bốn phương án đều cho thấy dân số nước ta sẽ bị già hoá đáng kể. Theo phương án trung bình, tuổi trung vị tăng nhanh, từ 27,9 năm vào năm đầu của thời kỳ dự báo (2009) lên 40,5 năm vào năm cuối kỳ dự báo (2049), tăng 12,6 năm trong vòng 40 năm. Phương án thấp có mức tăng nhanh hơn; phương án cao và không đổi có mức tăng chậm hơn so với phương án trung bình. Chênh lệch về tuổi trung vị giữa bốn phương án tăng dần vào năm cuối kỳ dự báo.
Cả bốn phương án đều cho thấy tỷ trọng nhóm dân số dưới 15 tuổi giảm. Theo phương án trung bình, mức giảm trong vòng 40 năm của thời kỳ dự báo là gần 7 điểm phần trăm (24,5% năm 2009 xuống 17,6% năm 2049). Mức giảm của phương án cao, thấp và không đổi tương ứng là 3,9; 12,0 và 5,8 điểm phần trăm.
Trong bốn phương án, phương án trung bình là mục tiêu chúng ta phải thực hiện. Số liệu kết quả dự báo cho khu vực thành thị, nông thôn được đưa ra theo phương án trung bình số dân thành thị nước ta tăng từ 25,4 triệu người năm 2009 lên 63,9 triệu người năm 2049.
Như vậy, sau 40 năm số dân thành thị nước ta dự báo tăng thêm gần 38,5 triệu người, bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 962 nghìn người, đạt tỷ trọng dân số thành thị ở mức 58,8% vào năm 2049. Theo kết quả dự báo dân sô, qui mô dân số thành thị/ nông thôn sẽ có sự biến động mạnh, đến những năm 35 tỷ lệ dân số thành thị/nông thôn sẽ bằng nhau và đến cuối thế kỷ 21 tỷ lệ dân số thành thị sẽ lớn hơn tỷ lệ dân số nông thôn (60% và 40%). Điều này cho thấy sẽ nảy sinh biết bao thách thức về phát triển cơ sở hạ tầng, các vấn đề phát triển xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, các vấn đề về mật độ dân số đông ở thành thị, giải quyết công ăn việc làm giữa thành thị/nông thôn...
Tiền đề cho phát triển bền vững
Thực hiện mục tiêu chương trình dân số cũng đảm bảo cho việc tăng trưởng cơ cấu dân số đô thị một cách phù hợp với mục tiêu Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước. Dân số đô thị sẽ đông hơn dân số nông thôn ở mức hợp lý. Dân số thành thị vào cuối thế kỷ 21 ở mức khoảng 63,9 triệu so với 44,8 triệu dân số nông thôn. Điều này sẽ giúp việc tăng tỷ lệ dân số thành thị một cách bền vững, đảm bảo cho sự phát triển, không gây xáo trộn ồ ạt do các luồng di dân tự do. |
Nếu chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ tập trung đầu tư, đạt được mục tiêu của phương án dự báo trung bình thì dân số Việt Nam sẽ đạt được những thành quả cơ bản, tạo cơ sở cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Về qui mô dân số, Việt Nam sẽ có qui mô dân số khoảng trên 100 triệu (108,7 triệu) người vào giữa thế kỷ 21. Đây là một qui mô thích hợp nhất. Đạt được mục tiêu này dân số Việt Nam chỉ tăng thêm khoảng 10 triệu người trong 40 năm tới. Trong khi đó ở những giai đoạn trước dân số Việt Nam tăng gấp đôi trong khoảng 35 năm. Nếu không tiếp tục thực hiện chương trình DS-KHHGĐ thì số dân tăng thêm sẽ là gấp đôi (21,5 triệu người). Nếu tính theo dân số trung bình của một tỉnh thì số dân tăng thêm sẽ tương đương với việc tăng thêm 25 tỉnh/thành phố hoặc tương đương tăng thêm khoảng 2 nước trên thế giới với qui mô dân số trung bình (13 triệu dân/nước). Như vậy biết bao thách thức về công ăn việc làm, an sinh xã hội cần giải quyết cho số dân tăng thêm này.
Việt Nam hiện là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới. Thực hiện được mục tiêu chương trình dân số thì mật độ dân số Việt Nam cũng sẽ tăng thêm khoảng 25% (328 người/Km2). Nếu không thực hiện được thì mật độ dân số sẽ tăng thêm 40% (362 người/Km2). Việt Nam đang là một nước nông nghiệp với dân số nông thôn khoảng 70%. Mật độ dân số đông sẽ khiến quỹ đất nông nghiệp ngày một cạn kiệt (quĩ đất canh tác của Việt Nam chỉ bằng 1/3 mức an ninh lương thực theo cảnh báo của tổ chức lương nông quốc tế).
Về cơ cấu dân số, nếu thực hiện được mục tiêu chương trình dân số sẽ đảm bảo duy trì ổn định mức sinh ở mức thấp hợp lý, không gây áp lực cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, không gây tác động làm mất cân bằng giới tính khi sinh. Thực hiện mục tiêu này tỷ lệ giới tính chung phải ổn định ở mức: 97-98/100.
Chúng ta cần duy trì được mức giảm sinh ổn định, nhưng cũng phải giữ được cơ cấu nhóm người trong độ tuổi lao động ổn định. Điều này nhằm đảm bảo cho việc duy trì giai đoạn cơ cấu "dân số vàng". Già hóa dân số là qui luật tự nhiên của mọi quốc gia khi đã đạt mức sinh thay thế. Việc thực hiện mục tiêu chương trình dân số sẽ làm giảm bớt tốc độ tăng nhanh tỷ lệ người cao tuổi. Tỷ lệ người cao tuổi của Việt Nam từ 65 trở lên tăng từ 6,4% năm 2009 lên 18% vào cuối thế kỷ 21 (nếu theo phương án mức sinh thấp thì sẽ là 20%). Việc giảm bớt tỷ lệ dân số già sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển các dịch vụ an sinh xã hội một cách tốt hơn, tạo điều kiện chăm sóc người cao tuổi tốt hơn.
TS. Nguyễn Quốc Anh
(Giám đốc Trung tâm Thông tin-Tư liệu Dân số,
Tổng cục DS-KHHGĐ)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác