07/03/2017 10:00
Loạt bài phản ánh trên Báo GĐ&XH về mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của bạn đọc là những cán bộ làm công tác dân số cơ sở. Các ý kiến đều tán thành chủ trương trên bởi tính đúng đắn, cần thiết trong giai đoạn hiện nay
|
Chiến dịch truyền thông dân số ở Đắk Lắk. Ảnh: VT |
Để không còn tâm lý “con nuôi”
Những cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương đã phản ánh một thực trạng bất cập cũng như những khó khăn đang còn tồn tại ở địa phương. Khó khăn lớn nhất là khi Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục thì tại các cuộc họp của huyện, Giám đốc Trung tâm không được tham gia nên không được tham mưu trực tiếp, không có ý kiến được với chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, có một tâm lý chung của lãnh đạo huyện là Trung tâm thuộc Chi cục thì đối với huyện chỉ là “con nuôi”, “đơn vị cấp 3” nên không được quan tâm về chỉ đạo, kinh phí.
Theo độc giả Văn Thanh Quý, cán bộ chuyên trách (CBCT) dân số trước kia là Phó trưởng ban Dân số xã, nay là viên chức dân số tại Trạm Y tế, chịu sự quản lý của cả Trung tâm DS-KHHGĐ (về chuyên môn, nghiệp vụ), Trung tâm Y tế huyện (về con người, công việc) đã tạo nên một sự bất cập lớn trong việc quản lý, thực hiện. Với nhiều “vai” đó, công tác tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương của CBCT gặp khó khăn, vướng mắc; bản thân CBCT không chủ động việc quản lý thời gian, nắm bắt công việc tại cộng đồng dân cư.
Ông Trần Quý Hợp (Chi cục DS-KHHGĐ Bắc Ninh) chỉ rõ những khó khăn: “Một bên quản lý chuyên môn, bên thì ra quyết định về chế độ chính sách cho CBCT, quả là chồng chéo, bất cập”.
Độc giả Ngô Phương chia sẻ: Ngày trước khi còn trực thuộc Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, CBCT do xã quản lý, cuộc họp nào cũng có mặt của CBCT nên đều nắm được kế hoạch của các ban, ngành, đoàn thể mà phối hợp tuyên truyền. Với đặc thù hiện nay, trực thuộc Trạm Y tế xã thì hầu hết các cuộc họp tại UBND xã CBCT không có mặt nên công tác tuyên truyền gặp muôn vàn nỗi khó khăn. “Để thực hiện tốt được công tác dân số từ Trung ương đến địa phương, nên để cho các Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện và CBCT dân số của xã, phường, thị trấn về UBND xã quản lý, giống như mô hình mà Hà Nội và một số địa phương khác đang áp dụng”, độc giả Ngô Phương nói.
Hiệu quả đã rõ ràng
Nói đến hiệu quả của các tỉnh đã áp dụng mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện, tất cả các ý kiến đều tán thành và khẳng định “hiệu quả đã rõ ràng” và “không phải bàn cãi”.
Dẫn chứng cho hiệu quả đã rõ ràng, độc giả Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh: Mô hình đưa trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện đã được khảo sát bằng phiếu hỏi với số phiếu thu được có ý nghĩa mẫu rất lớn (gần 9.000 phiếu). “Trên thực tế, hiện nay đã có 9 tỉnh đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện. Hiệu quả công việc rõ ràng, không bị chồng chéo. Như vậy, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cần có văn bản hướng dẫn thống nhất toàn ngành, càng sớm càng tốt, không nên để mỗi tỉnh làm một kiểu như hiện nay”.
“Theo tôi, đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện là một chủ trương đúng đắn, không phải bàn cãi nhiều. Tuy nhiên, đừng để mỗi tỉnh làm một kiểu mà phải có sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc”, ý kiến của chị Trần Thị Hoa, cán bộ dân số ở cơ sở cũng là ý kiến của chung của hàng trăm độc giả gửi đến Báo GĐ&XH trong tuần qua. |
Cùng chung quan điểm, độc giả Nguyễn Văn Chánh khẳng định mô hình này là phù hợp trên cả lý thuyết và thực tiễn: “Qua mấy năm thực hiện thực tiễn đã kiểm nghiệm mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ không trực thuộc UBND huyện và cán bộ chuyên trách là viên chức của trạm y tế đã quá nhiều bất cập rồi. Không nên để kéo dài sự bất cập thế này”.
Độc giả Lê Vũ Hồng Vân kiến nghị: “Tôi là một cán bộ chuyên trách dân số tại Bình Thuận. Tôi thấy mô hình này rất phù hợp với thực tế, nó giúp đội ngũ cán bộ dân số như chúng tôi phát huy được năng lực của mình. Kính mong cơ quan chức năng quan tâm”.
Khẳng định thêm tính thiết thực và hiệu quả của mô hình, độc giả Minh Hải nhấn mạnh: “Đây là vấn đề tổ chức bộ máy, Trung ương nên tích cực chỉ đạo để có một mô hình thống nhất trên toàn quốc. Mô hình tổ chức như hiện nay đúng là y tế hóa công tác dân số. Công tác dân số không gắn với chính quyền địa phương thì vận động được ai?”. Còn độc giả Thái Sơn bày tỏ: “Theo cá nhân tôi thì đây không phải là mô hình thí điểm nữa, mà hiệu quả của mô hình này đã quá rõ ràng. Cần có chỉ đạo cụ thể cho tất cả các địa phương trên cả nước và thực hiện càng sớm càng tốt”.
Độc giả Lê Nhung, Nguyễn Văn Hoành và những người làm công tác dân số ở Châu Thành (Hậu Giang) đã nói lên ý kiến đại diện cho tiếng nói chung của các CBCT, những người làm dân số ở cơ sở: Đưa Trung tâm DS-KHHGĐ sang cho UBND huyện quản lý và cán bộ chuyên trách xã thuộc sự quản lý của UBND xã là tốt nhất. Trung ương cần sớm có hướng dẫn cho các tỉnh còn lại thống nhất mô hình để sớm hoàn thiện công tác tổ chức để ngành DS- KHHGĐ yên tâm tiếp tục hoạt động hoàn thành tốt Chiến lược Dân số đến năm 2020.
Hà Thư
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác