07/03/2017 10:00
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Dân số-Kế hoạch hóa gia đình nên 7 năm qua(từ năm 2006 đến nay), thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin không có người sinh con thứ 3.
Thôn 7 hiện có 120 hộ với 530 nhân khẩu. Trước đây, do nhận thức của người dân còn thấp, nhiều quan niệm, suy nghĩ lạc hậu còn tồn tại như: thích sinh nhiều con để vui nhà vui cửa, phải có trai có gái…dẫn đến tình trạng đẻ dày và đẻ nhiều; trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ đến trường không đúng độ tuổi, một số phải bỏ học sớm vì nhà nghèo.
Trước thực tế đó, trong những năm qua, đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 47 (ngày 23 tháng 2 năm 2005) của Ban chấp hành trương Ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình(DS-KHHGĐ), Chi bộ, ban tự quản thôn 7 luôn xác định, công tác DS-KHHGĐ là một nội dung quan trọng trong các chương trình hoạt động của thôn và đề ra chủ trương ổn định mức sinh, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở huyện Cư Kuin tích cực tuyên truyền
về chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ.
Để thực hiện có hiệu quả, cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu đi đầu thực hiện tốt, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng đời sống văn hóa mới và chấp hành nghiêm các nội quy hương ước của thôn. Chi bộ, ban tự quản luôn quan tâm chỉ đạo cho các đoàn thể trong thôn đẩy mạnh truyền thông lồng ghép về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Từ đó, các đoàn thể như: Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân…đều chủ động tuyên truyền pháp lệnh dân số, Luật hôn nhân và gia đình, vận động đoàn viên, thanh niên kết hôn đúng độ tuổi, vận động hội viên thực hiện kế hoạch hóa gia đình để có thời gian phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.
Bên cạnh đó, Cộng tác viên dân số ở thôn 7 thường xuyên phối hợp với các chi hội trong thôn để tuyên truyền, vận động người cao tuổi, người chồng từ bỏ các quan niệm cổ hủ như “sinh con trai để nối dõi tông đường” hay “sinh con đông cho vui cửa, vui nhà”...phân tích lợi ích của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình đối với sự phát triển; cùng cán bộ chuyên trách dân số xã, nhân viên y tế thôn tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh nhiểm khuẩn đường sinh sản; làm mẹ an toàn, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi…Đồng thời, trực tiếp đến hộ gia đình với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “đi ban ngày không gặp, tranh thủ đi ban đêm” để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và cung cấp kịp thời bao cao su, thuốc tránh thai; đưa đối tượng đến trạm y tế xã hoặc bệnh viện để khám và điều trị phụ khoa, đặt vòng tránh thai, triệt sản…cho đối tượng có nhu cầu.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn về sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, nên từ năm 2006 đến nay, mỗi cặp vợ chồng sau khi cưới nhau đều quyết định chỉ sinh 2 đứa con để nuôi dạy cho tốt. Góp phần làm nên thành tích 7 năm liền không có người sinh con thứ 3. Hiện nay, thôn 7 có 100 chị từ 15 tuổi đến 49 tuổi, trong đó có 80 chị có chồng; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt hơn 80%.
Chị Nguyễn Thị Thắm – Cộng tác viên dân số thôn 7 cho biết: Hiện nay, trong các buổi sinh hoạt nhóm, nội dung sinh đẻ có kế hoạch ít được đề cập hơn. Chúng tôi chú trọng tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc, làm kinh tế giỏi để mọi người có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Gia đình anh Phạm Văn Tưởng và chị Lê Thị Thanh Phương là một điển hình về mô hình gia đình ít con và làm kinh tế giỏi ở thôn 7. Ý thực được sinh đông con là một trong những nguyên nhân của đói nghèo, sau khi sinh đứa con thứ 2, anh chị đã áp dụng biện pháp tránh thai, thực hiện kế hoạch hóa gia đình 18 năm nay.
Nhờ sinh ít con, anh Tưởng và chị Phương có thời gian chăm sóc 2 héc ta cà phê, thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Kinh tế ngày một khá giả. Vợ chồng anh tưởng tích cực tham gia các phong trào của thôn và có điều kiện chăm sóc các con ăn học đến nơi, đến chốn. Được sự quan tâm thương yêu của bố mẹ nên cả 2 đứa con đều học rất khá. Đứa con đầu đang học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, còn đứa con thứ 2 đang ôn thi vào đại học.
Còn anh Nguyễn Văn Tấn và chị Lê Thị Oanh cưới nhau năm 2004. Được cán bộ dân số phân tích tác hại nếu sinh đông con, lợi ích của sinh con ít, sinh thưa nên anh Tấn và chị Oanh quyết định chỉ sinh 2 đứa con để nuôi dạy cho tốt. Sau khi kế hoạch hóa gia đình, anh chị thường xuyên tham gia sinh hoạt hội nông dân, hội phụ nữ thôn để tiếp thu những kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi và kiến thức về đời sống vợ chồng. Nhờ vậy, kinh tế ngày một phát triển, hạnh phúc gia đình luôn được đảm bảo.
Chị Nguyễn Thị Thắm, thôn trưởng thôn 7 cho biết: Nhờ thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,3%, số hộ khá giàu tăng lên qua các năm; 100% hộ có phương tiện nghe nhìn; 98% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; phụ nữ và trẻ em được chăm sóc y tế đầy đủ, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, không còn trẻ em bị suy dinh dưỡng. Người dân ở thôn 7 luôn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới.
Với những thành quả trên, nhiều năm qua, thôn 7 luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Ea Tiêu tuyên dương trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở địa phương./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác