07/03/2017 10:00
Với phong tục đã có từ lâu đời, nạn tảo hôn được xem là chuyện rất bình thường của người dân tộc Jarai ở buôn M’tha, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Từ nhận thức đó, những bé gái cứ vào độ tuổi 14 – 15 đã đi lấy chồng, rồi phải gánh vác trọng trách làm vợ và thiên chức làm mẹ.
17 tuổi lấy chồng là muộn
RơChăm Mân và R’Mah H’Kloh cưới nhau năm 2006. Khi đó, H’Kloh mới 17 tuổi. Do nhận thức hạn chế, lại không được đi học nên lấy chồng là giải pháp tốt nhất đối với H’Kloh. Đến nay, mới 26 tuổi nhưng H’kloh đã là mẹ của 3 đứa con. Đứa con đầu sinh năm 2006, còn đứa con thứ 3 mới sinh được gần 10 ngày. Cả 3 đứa con đều sinh tại nhà.
|
Không có kiến thức về làm mẹ an toàn nên R’Mah H’Kloh luôn sinh con tại nhà |
Lấy chồng sớm, sinh con đông và sinh dày đã làm cho H’Kloh tiều tụy, khuôn mặt già dặn hơn so với độ tuổi của mình. Trong khi đó, các con của chị không được mẹ chăm sóc đầy đủ nên gầy gò, ốm yếu và kém phát triển. Đứa con đầu đã đi học lớp 1 nhưng chưa biết đọc. Những người như H’Kloh và bạn bè cùng trang lứa không biết Luật Hôn nhân và gia đình, kiến thức về làm mẹ an toàn… là gì.
Chị Nguyễn Thị Thúy, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Rốk cho biết: “Dân vùng này vẫn quan niệm con gái 14-15 tuổi chưa lấy chồng thì bị chê là quá lứa mà không biết học cách sinh con. Còn trường hợp như H’Kloh được cho là lấy chồng muộn”.
“Phép vua” thua “lệ làng”
Trong những năm qua, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình luôn được chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở xã Ea Rốk tích cực lồng ghép tuyên truyền. Từ đó, giúp người dân nói chung và đồng bào dân tộc JaRai nói riêng biết được độ tuổi kết hôn được Nhà nước quy định là nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, “phép vua” vẫn thua “lệ làng”, chuyện tảo hôn ở xã Ea Rốk cứ tiếp tục xảy ra theo thời gian.
Nay H’Loan là con thứ 2 trong 1 gia đình có 3 chị em. Do nhà nghèo nên cả chị gái và H’Loan không được đi học, ở nhà đi làm phụ giúp bố mẹ. Chị gái đã đi lấy chồng và sinh con, còn H’Loan cũng mới lấy chồng năm 2012, khi em vừa tròn 14 tuổi. Chồng H’Loan là Rmah Alok học hết lớp 6 rồi đi bộ đội mới về năm 2011.
Chị H’Breng, mẹ của H’Loan cho biết: Được cán bộ dân số tuyên truyền, chị đã biết con mình lấy chồng dưới 18 tuổi là vi phạm pháp luật, nhưng chị vẫn đồng thuận vì lý do “con gái trong vùng này ở tuổi đó đều đi lấy chồng hết rồi”.
14 tuổi là tuổi vị thành niên, cái tuổi mà nhiều bạn trẻ đang được học tập, vui chơi hồn nhiên, xây dựng hoài bão. Còn đối với H’Loan, lại là tuổi “ăn chưa no, lo đã tới”, em phải gánh vác trọng trách của người vợ, thời gian tới sẽ là thiên chức người mẹ. Một tương lai đầy khó khăn và thử thách đối với em.
|
Cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Rốk tư vấn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho vợ chồng Nay H’Loan |
Hết mùa bắp em sẽ lấy chồng
Đó là câu trả lời hồn nhiên, ngắn gọn nhưng rất dứt khoát của em H’Bun khi được cán bộ dân số hỏi “em đã có người yêu chưa”. H’Bun đã có người yêu và 2 đứa hứa hẹn sẽ cưới nhau. Mùa bắp năm nay ở buôn JaRai sẽ kết thúc vào tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch. Nếu không có giải pháp tuyên truyền chuyển đổi hành vi và sự can thiệp của chính quyền thì H’Bun sẽ là đối tượng tảo hôn tiếp theo ở buôn M’Tha.
H’Bun sinh ra trong 1 gia đình có 6 anh em. Bố mất sớm, kinh tế gia đình khó khăn, học hết lớp 4 H’Bun phải nghỉ học để lên nương, lên rẫy phụ giúp mẹ. Làm việc chân tay đã trở thành thói quen đối với em. Còn những kiến thức về sự thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, những nguy cơ của việc có thai và sinh con ở tuổi vị thành niên, cách làm mẹ, nuôi con…em không hề hay biết, kể cả bạn bè của em ở đây cũng vậy.
Không chỉ ở buôn M’Tha, chuyện tảo hôn còn xảy ra rải rác ở các thôn, buôn thuộc xã Ea Rốk. Theo thống kê của Ban Dân số-Kế hoạch hóa gia đình xã Ea Rốk, từ năm 2010 đến 2012, toàn xã có 63 trường hợp tảo hôn. Tảo hôn không chỉ xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn có cả những trường hợp người kinh, một số em đang học lớp 9, lớp 10 phải bỏ học đi lấy chồng.
Ông Bùi Đức Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk cho biết: Xã Ea Rốk có 2102 hộ với 9185 nhân khẩu, sinh sống ở 18 thôn, buôn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 42% dân số (bao gồm 16 dân tộc), trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán, cưới hỏi lạc hậu còn tồn tại, nhận thức của người dân về Luật Hôn nhân và gia đình còn hạn chế; nhiều gia đình thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con em, các bạn trẻ có quan hệ nam nữ không lành mạnh, một số trường hợp cha mẹ phải tổ chức đám cưới vì bọn trẻ đã “lỡ yêu nhau”… Đó là những nguyên nhân chính của tình trạng tảo hôn ở địa phương.
Theo kết quả một số nghiên cứu cho thấy trẻ sinh ra bởi các cặp tảo hôn có tỷ lệ nhẹ cân (dưới 2500g), còi cọc, phát triển chậm và dị tật bẩm sinh cao hơn so với những đứa trẻ khác. Việc mang thai và sinh đẻ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khoẻ để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tử vong sơ sinh, đẻ non, sơ sinh nhẹ cân, dị dạng, dị tật.
Trẻ sinh ra bởi những cặp vợ chồng tảo hôn sẽ chậm phát triển về thể chất và trí tuệ.
Mặt khác, phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh nghèo túng, nhiều cặp đi đến phá vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở xã Ea Rốk, những cán bộ làm công tác dân số không chỉ phát huy vai trò tuyên truyền, vận động đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, mà cần có những họp nhóm tư vấn, nói chuyện chuyên đề về những nguy cơ của mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên… Bên cạnh sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể để giáo dục cho vị thành niên, thanh niên về Luật Hôn nhân và gia đình mà chính quyền địa phương cần thực thi nghiêm minh Luật Hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Bài, ảnh: VÕ THẢO
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác