07/03/2017 10:00
GiadinhNet - Trong thời gian tới, ngành dân số các địa phương cần tập trung vào 5 vấn đề lớn: Nâng cao chất lượng dân số; Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em; Tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng; Chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số; Kiểm soát bằng được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vấn đề nào bức xúc nhất thì mỗi địa phương cần chủ động tập trung mọi nguồn lực để giải quyết trước.
|
Chương trình văn nghệ “Những người con của biển” trong khuôn khổ Hội thảo các chuyên đề về DS-KHHGĐ năm 2013 khu vực phía Nam. Ảnh: Đỗ Bá. |
Đó là chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ tại Hội thảo các chuyên đề về DS-KHHGĐ năm 2013 khu vực phía Nam.
Hội thảo được tổ chức trong hai ngày (25-26/7) tại TP Rạch Giá, Kiên Giang, được chia thành 3 nhóm chuyên đề: Cung ứng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; Công tác tư vấn, tiếp thị xã hội, cung ứng dịch vụ KHHGĐ và Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52).
Tín hiệu khả quan
Trên phạm vi cả nước, trong 6 tháng đầu năm 2013 ngành DS-KHHGĐ đã nỗ lực hoàn thành những nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyên môn được Đảng-Nhà nước giao phó. Tổng số trẻ sinh ra trong 6 tháng đầu năm giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2012. Đây được xem là tín hiệu tốt lành.
Riêng chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai có một vài chỉ số như đặt vòng, triệt sản giảm, nhưng tính tổng số lượng đối tượng áp dụng các biện pháp tránh thai thì 6 tháng đầu năm vẫn hoàn thành chỉ tiêu.Tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh đã dần hạ nhiệt với tỷ lệ 110,9 bé trai/100 bé gái, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (113.3 bé trai/100 bé gái). Hoạt động nâng cao chất lượng dân số thông qua biện pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh đạt kết quả tốt. Tổng số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng số trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2012. Các hoạt động khác như truyền thông giáo dục, cập nhật thông tin kho dữ liệu điện tử… cũng đạt kết quả khả quan.
Mặc dù nhìn nhận kết quả chung của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm đạt yêu cầu, nhưng Tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ Dương Quốc Trọng đã yêu cầu các địa phương nâng cao tính chủ động hơn nữa để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới. Yêu cầu này xuất phát từ thực tế: Mỗi tỉnh, thành đều có những đặc thù riêng về dân số, địa lý, điều kiện KT-XH, nguồn lực thực hiện hoạt động DS-KHHGĐ... vì vậy rất khó để có một đáp án chung, phù hợp với tất cả các địa phương. Tổng cục trưởng Dương Quốc Trọng chỉ đạo: Trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung vào 5 vấn đề lớn: Nâng cao chất lượng dân số; Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em; Tận dụng cơ cấu dân số vàng; Chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số; Kiểm soát bằng được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Về phía Tổng cục, trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đối với một số địa phương chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch, đồng thời củng cố bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực DS-KHHGĐ cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình các đề án, văn bản quy phạm pháp luật…
Tiếp thị xã hội các PTTT- Nhiệm vụ chính trị của ngành
Tại Hội thảo chuyên đề về tư vấn, tiếp thị xã hội (TTXH) và cung ứng dịch vụ các phương tiện tránh thai (PTTT), đại biểu các tỉnh, thành đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm cải thiện hiệu quả của công tác này.
Có ý kiến cho rằng nên khuyến khích dùng những thương hiệu đã quen thuộc để người dân dễ nhớ, tránh tình trạng thay đổi nhãn mác quá nhiều. Đối với vấn đề thanh toán trong TTXH, hầu hết các địa phương đề xuất được thanh toán 2 lần trong năm để có thời gian thu hồi công nợ. Đáng chú ý là đề xuất TTXH phương tiện tránh thai lâm sàng (dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, thuốc cấy) được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần có văn bản xây dựng giá thu dịch vụ và các thuốc thiết yếu hỗ trợ cũng như quy định đơn vị được phép tham gia thực hiện. Một số ý kiến khác như: Cần phối hợp với kênh thương mại, hỗ trợ thêm kinh phí truyền thông, tăng hoa hồng cho người bán lẻ sản phẩm… cũng đã được đề xuất.
Trên thực tế, công tác TTXH các PTTT đã được triển khai trong 20 năm qua bởi các đơn vị, tổ chức khác nhau. Riêng Tổng cục DS-KHHGĐ tiến hành nhiệm vụ này bằng nguồn nhân lực của toàn ngành chỉ mới 2 năm trở lại đây. Dù tiến trình còn gặp nhiều khó khăn bởi thay đổi thói quen của người dân từ sử dụng miễn phí sang chi trả một phần cũng cần phải có thời gian.Tuy nhiên, xu hướng người dân phải chi trả hoàn toàn khi sử dụng PTTT trong thời gian tới là tất yếu bởi Nhà nước chỉ có thể duy trì sự hỗ trợ đối với người nghèo...Vì vậy sự trợ giá của Nhà nước đối với các PTTT nhãn hiệu Night Happy đang được TTXH bởi ngành DS-KHHGĐ là nhằm giúp người dân quen dần với xu hướng tự chi trả. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số cơ sở là nhân tố quan trọng nhất giúp nhiệm vụ to lớn này được hoàn thành từ nay đến năm 2020.
Chủ trì Hội thảo chuyên đề về công tác tư vấn, tiếp thị xã hội và cung ứng dịch vụ PTTT- Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc đã yêu cầu đại biểu các địa phương xem đây là nhiệm vụ chính trị, là một trong những công việc chính trong hoạt động DS-KHHGĐ. Các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông, lồng ghép dưới mọi hình thức để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của các PTTT hiện đại. Đối với những người đang trực tiếp thực hiện TTXH, cần tiếp cận kỹ năng kinh tế thị trường nhưng không phải với mục đích kiếm lời mà vì mục đích lớn hơn, nhân bản hơn là chuyển đổi hành vi cho người dân.
Nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức Thực tế cho thấy hiện nay nhiều địa phương vấp phải không ít bất cập trong mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số. Đến nay đã có 9 địa phương chủ động đổi sang mô hình quản lý Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện. Đồng thời chuyển cán bộ dân số xã về Trung tâm DS-KHHGĐ huyện quản lý, biệt phái làm việc tại UBND xã. Sự ổn định tổ chức bộ máy mà mô hình này mang lại đã khiến Quảng Ninh và Bắc Giang đang trình UBND tỉnh thực hiện. Tại Hội thảo, đại biểu các tỉnh, thành đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Theo Tổng cục trưởng Dương Quốc Trọng: Địa phương nào thấy mô hình hiện tại là ổn thì cứ giữ nguyên. Còn địa phương nào thấy chưa ổn, cần thay đổi cho phù hợp thì đề xuất trình UBND tỉnh, thành phê duyệt vì điều này hoàn toàn thuộc thẩm quyền địa phương. Đối với những địa phương mong muốn chuyển đổi mô hình bộ máy tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ, Tổng cục sẽ hỗ trợ văn bản hướng dẫn thực hiện. |
Thanh Giang
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác