07/03/2017 10:00
Hàng năm, công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em luôn được Trạm Y tế xã Dang Kang, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk chú trọng triển khai với nhiều hoạt động như: tuyên truyền, tư vấn, thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và phụ nữ có con dưới 5 tuổi…Tuy nhiên, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn khá phổ biến, trở thành bài toán nan giải ở địa phương.
Chị H’Nghiệp Niê và những đứa con gầy ốm.
Chị H’Nghiệp Niê ở buôn Cư Kô EMông lấy chồng năm 1995. Đến nay, chị đã có 7 người con. Người con đầu năm nay 17 tuổi, còn con út mới 2 tháng tuổi. Thu nhập của gia đình là 2 sào đất trồng mì, bắp, cuộc sống rất khó khăn. Bữa ăn hàng ngày của gia đình là cơm trắng ăn với rau dại quanh nhà; có những hôm cơm cũng không đủ ăn. Những người con trong gia đình chị H’Nghiệp lớn dần lên trong sự thiếu thốn về cái ăn, lẫn cái mặc. Trong đó, 3 đứa con út đều còi cọc và kém phát triển. Vì thế, để cải thiện cuộc sống gia đình, anh Y’Toàn Ksơ – chồng của chị H’Nghiệp thường xuyên phải đi làm thuê, làm mướn, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám gia đình họ. Một bữa ăn có đầy đủ cơm với thịt, cá… là một thứ gì đó quá xa xỉ đối với những đứa trẻ trong gia đình này.
Còn chị H’Blat Byă ở buôn Cư Enu A, mặc dù mới sinh 2 người con con (người con đầu 7 tuổi, thứ hai gần 2 tuổi). Trong đó, ngời con thứ hai là cháu H’Thi Byă chỉ nặng 7 kg. Tình trạng suy dinh dưỡng của con chị H’Blat nguyên nhân chính là do kinh tế khó khăn. Nương rẫy không có, cuộc sống gia đình 4 nhân khẩu chỉ phụ thuộc vào những đồng tiền đi làm thuê, làm mướn của người chồng. Mặc dù đã được cán bộ y tế tư vấn về làm mẹ an toàn, tuy nhiên, từ khi mang thai đến sinh đẻ, chị H’Blat cũng không có điều kiện để thăm khám, kiểm tra sức khỏe; không được ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Theo số liệu tổng hợp của Trạm Y tế xã Dang Kang, năm 2012, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở thể cân nặng là 27% (cao hơn mặt bằng chung của tỉnh Đắk Lắk 2,4%), suy dinh dưỡng thể chiều cao là 32,7%; còn 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ suy dinh dưỡng cận nặng là 25,5%; thể chiều cao là 26,3%. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do kinh tế-xã hội của xã chậm phát triển. Toàn xã có 1.310 hộ, với 6.650 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 58% dân số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30,4%; không những vậy, tình trạng sinh đông con cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (năm 2012 tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên ở xã Dang Kang là 19,16%; còn 6 tháng đầu năm 2013 là 26,4%).
Đặc biệt là ý thức của người dân về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em còn hạn chế: nhiều ông bố, bà mẹ thiếu trách nhiệm chăm sóc con cái, thiếu hiểu biết trong việc chế biến các món ăn bảo đảm sự đa dạng, nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ; nhiều bà mẹ còn phải lao động nặng và không được ăn uống đầy đủ trong thời gian mang thai, còn có những trường hợp sinh con tại nhà. Chị H’Geng Byă – Cộng tác viên y tế xã Dang Kang cho biết thêm: “Nhiều gia đình ở trong buôn vì quá khó khăn nên không có tiền mua sữa, mua thịt…bổ sung cho trẻ. Khi có tiền thì một số ông bố đi mua cá khô về gọi bạn bè uống rượu là xong, chẳng quan tâm gì đến con cái”.
Cán bộ y tế xã Dang Kang tư vấn chế độ dinh dưỡng đối với trẻ em dưới 2 tuổi. Trong thời gian qua, chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được Trạm Y tế xã chú trọng. Hàng năm, Trạm đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho nhân dân tại Trạm và tại gia đình ở các thôn, buôn; tổ chức thực hành bữa ăn dinh dưỡng hợp lý cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng; cân cho trẻ dưới 5 tuổi, cho trẻ uống Vitamin A mỗi năm 2 lần vào ngày 1 - 2 tháng 6 và tháng 12; cân cho các cháu dưới 1 tuổi và ngày 16 hàng tháng…Tuy vậy, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao.
Thiết nghĩ, để giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, một mặt, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Dang Kang cần tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nhằm giảm nhanh hộ nghèo, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân; chú trọng phát triển mạng lưới y tế và đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi, xóa bỏ các tập tục lạc hậu và hạn chế tình trạng sinh đông con. Đồng thời, vận động các nhà tài trợ cung cấp sữa cho trẻ em nghèo.
Bên cạnh đó, Trạm y tế xã Dang Kang cần tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ của Trạm và Cộng tác viên y tế thôn, buôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, phát tờ rơi về dinh dưỡng để hỗ trợ bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ; chú trọng tổ chức các buổi thực hành dinh dưỡng tận dụng tối đa các thực phẩm có sẵn ở địa phương…/.
Nguyễn Hoàn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác