07/03/2017 10:00
Những năm gần đây, việc thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ ở xã Dliê Yang, huyện Ea H’Leo gặp không ít khó khăn: Trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về kế hoạch hóa gia đình của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhiều cặp vợ chồng còn hoài nghi và ngại sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng.
Chị H’Lê KSơr và những đứa con gầy ốm.
Anh RCam Y’Druih và chị H’Lê KSơr ở buôn Đrai Điết cưới nhau năm 1989, đến nay họ đã có với nhau 10 đứa con. Đứa con đầu năm nay 24 tuổi, còn đứa con út mới 2 tuổi. Trong đó, 2 đứa con đầu đều đã đi lấy chồng và sinh con.
Hiện tại, thu nhập chính của gia đình anh Y’Druih chỉ là 1 héc ta cà phê già cỗi và 2 sào đất trồng bắp, trồng đậu...Chị H’Lê sinh đông và sinh dày nên hay đau ốm. Vì thế, anh Y’Druih phải gồng mình làm thuê, làm mướn để lo toan cuộc sống gia đình. Bữa ăn hàng ngày của gia đình anh chủ yếu là cơm với rau dại quanh nhà, nấm do mấy đứa con đi nhặt trong rừng; còn thịt, cá là những thứ rất xa xỉ và hiếm khi mới có. Không những vậy, nhiều hôm, cơm không đủ ăn. Còn chuyện học tập, từ lâu nay đã trở thành thách thức quá lớn đối với vợ chồng anh Y’Druih. Trong 10 đứa con thì có đến 7 đứa không được đi học hoặc đã bỏ học sớm để đi làm thuê, làm mướn phụ giúp bố mẹ, có đứa đã lấy chồng .
Sinh đông là vậy nhưng khi cán bộ dân số đến tư vấn, vận động sử dụng biện pháp tránh thai thì cả anh Y’Druih và chị H’Lê đều không áp dụng. Theo họ, con là trời cho nên sinh được bao nhiêu thì sinh, sinh đông để có người làm việc. Đây chính là nguồn gốc gia tăng dân số ở xã Dliê Yang. Xã Dliê Yang hiện có 2.136 hộ với 10.286 nhân khẩu sinh sống ở 17 thôn, buôn(có 9 buôn). Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% dân số, gồm 10 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong những năm gần đây, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xã có chiều hướng gia tăng. Năm 2010 tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 15,88% đã tăng lên 21,66% năm 2012(cao hơn mặt bằng chung ở tỉnh Đắk Lắk gần 9%); 6 tháng đầu năm 2013 có 13 trẻ được sinh ra là con thứ 3 trở lên(chiếm 16,67%). Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên đã xảy ra ở tất cả các thôn, buôn trong xã; tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 1,47%(cao hơn mặt bằng chung của tỉnh 0,29%). Chất lượng dân số thấp với 16% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; 6,7% học sinh tiểu học có học lực yếu.
Chị H'Vơng ADrơng (ngoài cùng bên phải) - Cán bộ chuyên trách dân số xã Dliê Yang
Đang tư vấn các biện pháp tránh thai cho phụ nữ.
Trong thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể đã phối hợp lồng ghép tuyên truyền về chính sách Dân số-KHHGĐ; Cán bộ chuyên trách và Cộng tác viên dân số tích cực đi tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai…nhưng hiệu quả còn thấp. Chị H’Vơng Adrơng – Cán bộ chuyên trách dân số xã Dliê Yang cho biết: Nguyên nhân chính là do đời sống kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, ý thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế. Vì vậy phong trào thực hiện Kế hoạch hóa gia đình chưa được đồng bào hưởng ứng tích cực; tập tục sinh đẻ lạc hậu, còn xuất hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ người nghèo của Nhà nước.
Bên cạnh đó, một số Cộng tác viên dân số còn yếu về kỹ năng truyền thông và thiếu kiến thức nghiệp vụ nên chưa phân tích được ưu điểm, nhược điểm của các biện pháp tránh thai để người dân yên tâm áp dụng. Chị Lê Thị Kim Long – Thôn 1, xã Dliê Yang cho biết: “Chị em ở đây thường đồn rằng: nếu uống thuốc tránh thai sợ bị Ung thư tử cung, đặt vòng tránh thai thì sợ bị viêm nhiễm…nên đa số chị em không áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại mà tự kế hoạch”. Theo số liệu tổng hợp của Ban dân số xã Dliê Yang, toàn xã hiện có 425 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng chưa sử dụng biện pháp tránh thai (chiếm 24,97%). Đó là một thách thức lớn đối với công tác tuyên truyền, vận động về kế hoạch hóa gia đình ở địa phương.
Thực tế cho thấy, mặc dù là địa phương chỉ cách trung tâm huyện Ea H’leo 4 km, nhưng công tác Dân số-KHHGĐ ở xã Dliê Yang đang gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, cần một quá trình và giải pháp đồng bộ từ chính quyền, ban ngành, đoàn thể ở địa phương. Một mặt, cần tập trung công tác tuyên truyền để giúp đối tượng hiểu được ưu điểm, nhược điểm của các biện pháp tránh thai hiện đại; phân tích những nguy cơ vỡ kế hoạch nếu sử dụng biện pháp tránh thai tự nhiên. Đồng thời, từng bước ổn định bộ máy Cộng tác viên dân số thôn, buôn kết hợp với tập huấn nâng cao chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền về Sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Mặt khác, việc thực hiện chính sách giảm nghèo phải luôn song hành cùng chính sách chính sách dân số, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí, có như vậy mới đem lại kết quả bền vững trong công tác Dân số-KHHGĐ ở địa phương./.
Bài, ảnh: Vân Dương
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác