07/03/2017 10:00
Trong đời, một cặp vợ chồng người Khùa nhất thiết phải tổ chức cưới 3 lần. Đó là phong tục của tổ tiên mà người Khùa không thể bỏ được, thế nên có nhiều cặp vợ chồng vì lý do này khác mà sống với nhau trọn đời, thậm chí đã chết vẫn chưa cưới xong.
Đứng trên đường 12A nhìn xuống, thượng nguồn sông Gianh như một con rắn trườn mình hun hút dưới khe sâu. Dọc theo dòng sông là những bản làng với những mái nhà sàn lúp xúp tựa lưng vào núi, quay mặt ra sông. Đó là địa bàn thuộc hai xã Dân Hoá và Trọng Hoá (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình), quê hương của người Khùa - một trong những tộc người ít nhất Việt Nam.
Đời người phải cưới 3 lần
Chúng tôi đến bản La Trọng, xã Trọng Hoá, một bản của người Khùa. Ông Hồ Linh, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Trọng Hoá, người được coi là một “bộ sách sống” của người Khùa đang lục đục rang cốm, nướng sắn…và cột rượu cần đãi khách. Nhiều người trong bản xúm lại bên bếp lửa, uống rượu nói chuyện râm ran.
Bản làng người Khùa.
Câu chuyện đang hào hứng, tôi hỏi ông Linh về phong tục cưới xin của người Khùa. Ông Hồ Linh cười tít mắt: “Nhà báo hỏi chuyện cưới xin của người Khùa làm gì, lôi thôi lắm. Tôi năm nay 75 tuổi rồi nhưng mới cưới xong năm ngoái đó thôi”. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Linh lại bảo: “Nhà báo ngạc nhiên lắm à. Đó là phong tục của người Khùa thôi, từ bao đời nay vẫn vậy mà”.
Đêm nơi miền biên viễn dường như lạnh hơn. Ông Linh ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, chỉnh lại cái tẩu thuốc rồi kể, trong cuộc đời của mỗi cặp vợ chồng người Khùa, nhất thiết phải tổ chức cưới 3 lần thì mới được coi là thành vợ, thành chồng. Con trai, con gái người Khùa lớn lên, tìm hiểu nhau, ưng cái bụng của nhau rồi thì người con trai chủ động đi đến nhà con gái để “cướp vợ” vào lúc 3 - 4 giờ sáng. Cướp được vợ rồi, ngày hôm sau người con trai làm một cái lễ gồm 4 con gà, một mâm cơm, một hũ rượu cần tới nhà bố mẹ vợ “tạ tội”, coi như lễ cưới đầu.
Về ở với nhau rồi khi nào có điều kiện thì tổ chức lễ cưới thứ 2. Cưới lần thứ 2, lễ vật nhất thiết phải có 1 con lợn, 1 con bò để mổ thịt mời cả bản cùng chung vui. Và lễ cưới thứ 3 mới là lễ cưới quan trọng nhất trong đời. Lễ vật lúc đó phải gấp đôi lễ vật của lễ cưới lần 2, tức là phải 2 con lợn, 2 con bò, hàng chục hũ rượu cần. Người Khùa mới chính thức thành vợ, thành chồng sau lễ cưới này.
Chết rồi vẫn phải cưới
Cuộc sống của bà con người Khùa nơi đây còn nghèo lắm. Hằng năm, Nhà nước vẫn phải phát gạo cứu đói cho người dân. Khó khăn là vậy nhưng cuộc đời của một nam giới nhất nhất phải tổ chức cưới 3 lần dù nhà đó giàu hay nghèo. Ai có đủ lễ vật để mời bà con dân bản thì tổ chức sớm. Nhà nào chưa có điều kiện, đợi cho đến khi đủ trâu, bò, lợn sẽ tổ chức tiếp. Không may ai qua đời mà chưa cưới được lần thứ 3 thì con cháu có trách nhiệm làm thay.
Nhà Hồ Thon nằm giữa bản Hà Vi. Nhà Thon còn nghèo lắm. Bữa cơm hằng ngày chưa được no, con cái chưa có đủ quần áo để mặc. Vậy mà Thon vẫn còn phải lo một chuyện lớn là cưới lần thứ 3 cho bố. Ông Hồ Khun, bố của Thon, đã chết cách đây mấy năm rồi. Sau bao năm làm lụng vất vả, ông Khun mới chỉ lo cưới cho mình đến lần 2. Tuổi già cái chân đã mỏi, cái lưng đã còng, ông không đi nương được nữa. Sau trận ốm nặng, ông đã qua đời. Chiểu theo cái lệ của bản, Hồ Thon phải đứng ra tổ chức cưới lần thứ 3 cho bố.
Vợ chồng người Khùa phải tổ chức đám cưới 3 lần.
Bố mất được 3 năm rồi, giờ Hồ Thon đã nuôi được con bò, con trâu to. Đây là tài sản lớn nhất của nhà Thon. Nếu bán đi Thon có thể mua được nhiều gạo, quần áo ấm cho các con. Để làm tròn trách nhiệm với bố, Thon quyết định mổ trâu, mổ bò mời bà con dân bản đến ăn cưới lần thứ 3 của bố. Cả bản hôm đó được ăn uống, linh đình. Chỉ có Thon là buồn so. Thon bảo, đời bố vất vả nhiều. Bố chẳng sống được đến ngày hôm nay mà hưởng lễ cưới lần thứ 3.
Đến UBND xã Trọng Hóa gặp ông Hồ Thoong hỏi về chuyện làm đám cưới cho người chết, ông Thoong xác nhận điều đó là đúng. Ông Thoong còn bảo, đời người nhất nhất phải cưới 3 lần. Người nào chết đi mà con cái không tổ chức cưới thì linh hồn họ chưa được siêu thoát. “Mỗi lần cưới xin là rất tốn kém nhưng chưa ai bỏ được cái tục này cả. Từ xa xưa các cụ mình đã làm vậy rồi mà. Con cháu bây giờ cứ thế mà làm theo thôi”, ông Thoong cho biết.
"Đánh ghen" độc đáo
Không biết có phải vì phải cưới nhau cực khổ như vậy nên người Khùa không bao giờ tính đến chuyện bỏ nhau, dù có nhiều lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Theo ông Hồ Linh, người Khùa là một tộc người thông minh, hồn nhiên và hiếu khách. Đàn ông người Khùa giỏi làm rẫy, đan lát, đàn bà thì giỏi câu cá, trỉa ngô…
Trong đời sống hằng ngày, người Khùa thường gặp gỡ nhau ở trên rẫy, dưới suối nên nhiều khi cũng có một số người đàn ông, đàn bà người Khùa cảm tình nhau mà có quan hệ ngoài chồng ngoài vợ. Thấy vợ mình thời gian gần đây có những thay đổi bất thường, Hồ Ton ở bản La Trọng (xã Dân Hóa) đã theo dõi và biết được vợ mình có quan hệ tình cảm với Hồ Kha ở bản Hà Vi. Biết chính xác nơi Hồ Kha và vợ mình thường xuyên hẹn hò nhưng Hồ Ton không đến “bắt tại trận”. Ngay cả việc nói nặng lời với vợ một câu cũng không.
Hồ Ton lặng lẽ trở về nhà mua một con gà luộc sẵn và một chai rượu, sau đó mời Hồ Kha đến nhà chơi, uống rượu. Hồ Kha đến, sau một tuần rượu, Hồ Ton mới bắt đầu nói: “Tao biết chuyện của mày với vợ tao rồi. Từ nay mày đừng làm rứa nữa mà tao buồn cái bụng”. Ba mặt một lời, Hồ Kha không chối cãi mà xin lỗi Hồ Ton và hứa sẽ không làm việc đó nữa.
Người Khùa đã hứa là làm, và từ đó Hồ Kha sẽ không bao giờ “léng phéng” với vợ Hồ Ton nữa. Cuộc sống của vợ chồng Hồ Ton thì vẫn trở lại yên ấm bình thường. Còn Hồ Ton và Hồ Kha qua một thời gian đã hiểu nhau hơn và làm lễ buộc chỉ cổ tay cho nhau. Mà người Khùa đã buộc chỉ cổ tay với nhau thì đã xem nhau như anh em.
Tôi đem câu chuyện “đánh ghen” của Hồ Ton hỏi ông Hồ Tuân, Chủ tịch UBND xã Dân Hoá, ông Tuân xác nhận: “Đó là cách “giải quyết” của người Khùa. Tôi làm Chủ tịch xã 2 nhiệm kỳ rồi, chuyện như vậy tôi đã gặp nhưng chưa bao giờ phải giải quyết ly hôn cho cặp vợ chồng nào cả”.
LINH NHI
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác