07/03/2017 10:00
Tư vấn cho các đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về việc thực hiện Pháp lệnh dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt định kỳ, cung cấp sản phẩm truyền thông…là những hoạt động chủ yếu của mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.\r\n“Lỡ” yêu rồi đành chịu
Năm nay mới 17 tuổi và đang học lớp 10 nhưng H’Nga Ênuôl bỗng xin gia đình nghỉ học để lấy chồng vì đã lỡ yêu và có thai với Y Phong Hmok. Nhà hai đứa cùng ở buôn Dur 1 (xã Dur Kmăn). Tuy biết con chưa đủ tuổi kết hôn nhưng theo như lời bà H’Oan Ênuôl, mẹ của H’Nga thì chúng “lỡ” rồi, biết làm sao được. Trước đây, bà H’Oan cũng lấy chồng sớm khi mới 16 tuổi, chưa đầy 30 tuổi đã có 4 con, cuộc sống cơ cực, con cái nheo nhóc nên bà rất thấm thía nỗi khổ khi kết hôn sớm. “Thấy chúng hẹn hò yêu đương khi tuổi còn quá nhỏ tôi đã ra sức can ngăn, phân tích thiệt hơn nhưng nó có nghe đâu. Đến khi lỡ có thai rồi, tôi đành chấp nhận cho chúng về ở với nhau. Hai đứa cũng đã ra xã làm đăng ký kết hôn nhưng Tư pháp xã không giải quyết vì chưa đủ tuổi”, bà H’Oan thở dài. Có thai khi tuổi còn nhỏ, tâm sinh lý chưa phát triển toàn diện lại thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản nên H’Nga đã bị sẩy thai. Cuộc sống của “hai vợ chồng” trẻ đều học hành dở dang, không có việc làm ổn định, phải ở nhà mẹ vợ, mọi sinh hoạt, chi tiêu chỉ trông chờ vào số tiền làm thuê của Y Phong nên luôn thiếu trước hụt sau.
|
Cán bộ dân số và Ban tự quản buôn Cuê (xã Băng Adrênh) tuyên truyền pháp luật về dân số cho đối tượng tảo hôn trong buôn. |
Không chỉ ở xã Dur Kmăn mà tình trạng tảo hôn cũng diễn ra khá phổ biến ở xã Băng Adrênh. Đang học lớp 7, H’Thu Êban ở buôn Cuê đành nghỉ học vì xấu hổ với bạn bè. Nguyên nhân là do em đã yêu và lỡ có bầu với Y Soo Rchăm ở cùng buôn. Vốn chỉ là một cô bé nên mặc dù đã mang thai gần đến ngày sinh nhưng em không hề biết cách chăm sóc bản thân, thai nhi, cũng như phải đi tiêm phòng uốn ván, khám thai định kỳ nên thường xuyên đau ốm và sốt do bị nhiễm trùng. “Hơn 1 năm nay, anh Y Soo hay đến chở em đi chơi, rồi chúng em thích nhau, yêu nhau lúc nào không biết. Khi biết em có thai, anh ấy đã xin cưới. Chúng em ra UBND xã đăng ký kết hôn nhưng không được nên đành về ở với nhau, sinh con xong, chờ đến khi em đủ tuổi rồi làm đám cưới”, H’Thu hồn nhiên nói. Anh Phạm Tuấn Công, cán bộ tư pháp xã Băng Adrênh cho biết, mỗi khi người dân đến đăng ký kết hôn, khai sinh, cán bộ tư pháp đều giải thích cặn kẽ những quy định trong Luật Hôn nhân – Gia đình, đồng thời, chính quyền địa phương và cán bộ, cộng tác viên dân số xã cũng thường xuyên tuyên truyền về việc không được tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nhưng tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra, nhất là ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Truyền thông là giải pháp căn cơ
Trước thực trạng trên, năm 2011, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã triển khai mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở xã Ea Na, Ea Bông và Dray Sáp. Đến năm 2012, mô hình tiếp tục được nhân rộng thêm ở 2 xã Dur Kmăn và Băng Adrênh. Chị H’Nuan Byă, cộng tác viên dân số buôn Cuê (xã Băng Adrênh) cho biết: Từ năm 2009 đến năm 2011, toàn xã có 6 trường hợp tảo hôn, tập trung chủ yếu ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, từ khi mô hình được triển khai có sự vào cuộc của chính quyền, các ngành chức năng và ban tự quản các thôn, buôn thì từ năm 2012 đến nay, toàn xã chỉ có 2 trường hợp tảo hôn, tình trạng kết hôn cận huyết thống không còn.
Để triển khai hiệu quả mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, thời gian qua, Trung tâm Dân số – KHHGĐ huyện Krông Ana đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông qua việc xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền nội dung của mô hình; cấp phát 59 áp phích, 12.000 tờ rơi tuyên truyền pháp luật; tổ chức truyền thông lưu động, nói chuyện chuyên đề với sự tham gia của già làng, trưởng buôn, chính quyền, đoàn thể địa phương; xây dựng các điểm truyền thông tại trạm y tế xã, trường phổ thông dân tộc nội trú huyện; thành lập các nhóm sinh hoạt cộng đồng, thanh niên, vị thành niên… nên đã tạo được hiệu ứng tốt. Cùng với đó, mô hình còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tăng cường hỗ trợ hoạt động tư pháp cho chính quyền các xã trong quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, đăng ký kết hôn, khai sinh... Nhờ vậy, sau gần 3 năm triển khai mô hình, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại địa bàn 5 xã nói trên đã giảm dần, từ 22 trường hợp năm 2009, xuống còn 15 trường hợp năm 2011 và đến nay chỉ còn 2 trường hợp.
Tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là tập tục có từ lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số và không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng hy vọng với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành trong công tác tuyên truyền, vận động cùng với sự phát triển của mọi mặt của đời sống xã hội thì người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Krông Ana sẽ xóa bỏ được những tập tục lạc hậu trên.
Nguyễn Xuân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác