07/03/2017 10:00
Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn hiện có 1.239 phụ nữ. Trong đó, có 789 chị tham gia sinh hoạt ở 9 chi hội phụ nữ; số hội viên là người dân tộc thiểu số chiếm 75%. Trình độ thấp, quan niệm “đông con hơn nhiều của” từ bao đời nay vẫn còn tồn tại. Vì vậy, nhiều cô gái, chàng trai không được đi học hoặc bỏ học sớm rồi lấy vợ lấy chồng sớm và sinh đông con, cuộc sống luôn luẩn quẩn với đói nghèo và gánh nặng mưu sinh.
Chị H'Lọt Niê tiều tụy vì sinh đông con
và gánh nặng mưu sinh. Chị H’lọt Niê, ở buôn Trí A, xã Krông Na sinh năm 1970, lấy chồng năm 19 tuổi. Đến nay, chị đã có 15 lần sinh. Đứa con lớn nhất sinh năm 1990, còn đứa nhỏ nhất sinh năm 2009. Do cả 2 vợ chồng ít tham gia sinh hoạt đoàn thể, thiếu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi nên kinh tế luôn nghèo khó. Không những vậy, kiến thức về sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, làm mẹ an toàn chị H’Lọt cũng không có. Đó là nguyên nhân chính của việc chị H’Lọt có 15 lần sinh, nhưng đến nay, chỉ có 8 đứa con còn sống.
Hiện tại, gia đình chị H’Lọt Niê có 10 nhân khẩu nhưng thu nhập chính chỉ là 7,5 sào đất bạc màu để trồng lúa và trồng bắp. Ngoài những ngày mùa, hàng ngày chị H’lọt và chồng phải đi làm cỏ thuê, chăn bò thuê, cào phân bò để bán…hay làm bất cứ việc gì để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Thu nhập mỗi ngày cũng chỉ được 100.000-200.000 đồng. Vì thế, cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo đuổi họ từ bấy lâu nay như “hình với bóng”. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều lần được cán bộ phụ nữ vận động áp dụng các biện pháp tránh thai để kế hoạch hóa gia đình, nhưng chị H’lọt vẫn quả quyết không nghe, không hợp tác. Chị còn bảo rằng: “đông con hơn nhiều của, phải đẻ hết trứng mới thôi”.
Còn chị H’Ning Ayun ở buôn Giang Lành, xã Krông Na cũng không kém cạnh chị H’Lọt Niê về chuyện sinh con. Năm nay chị H’Ning 46 tuổi, sinh được 12 đứa con, nhưng cũng chưa sử dụng biện pháp tránh thai. Kinh tế luôn thiếu trước, hụt sau do sinh đông con và không có đất làm nương rẫy. Hàng ngày, chị và chồng phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống. Các con của chị H’Ning một số đã nghỉ học, số còn lại đang đi học nhưng bữa học, bữa nghỉ để theo bố mẹ lên rừng chặt củi, hái măng…
Trước thực trạng đó, hàng năm, Ban chấp hành Hội liên hiệp Phụ nữ xã Krông Na luôn chủ động phối hợp với Ban dân số xã lồng ghép tuyên truyền về dân số/chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho hội viên. Đồng thời, cử cán bộ phụ nữ trực tiếp đến nhà hội viên để phân tích lợi ích của kế hoạch hóa gia đình đối với cuộc sống của mỗi gia đình. Tuy vậy, hiệu quả chưa cao. Chị Sao Nang Vinh – Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Krông Na cho biết: Khi chúng tôi tuyên truyền về các biện pháp tránh thai thì chị em cũng chăm chú lắng nghe, nhưng về đến nhà thì không thực hiện. Nguyên nhân chính là do nhiều người vẫn chưa thoát ra khỏi quan niệm “đông con hơn nhiều của” từ bao đời nay của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra ở xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Vì vậy, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn xảy ra hàng năm (Năm 2012 có 7 trường hợp, còn 9 tháng đầu năm 2013 đã có 8 trường hợp), chất lượng dân số thấp. Hiện nay, vẫn còn 450 phụ nữ ở xã Krông Na chưa đăng ký tham gia sinh hoạt ở các chi hội phụ nữ; trong đó, có 130 phụ nữ có chồng chưa sử dụng các biện pháp tránh thai…nhiều chị vẫn còn thích sinh đông con để có đứa lên nương, lên rẫy, còn chuyện học hành và thậm chí là tương lai sau này của trẻ em chưa được coi trọng. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng đông con, thất học, lấy chồng sớm…rồi những đứa con gái trong nhiều gia đình sẽ thành vợ, thành mẹ và sẽ mãi luẩn quẩn với gánh nặng gia đình.
Vì vậy, để làm thay đổi quan niệm về sinh con của phụ nữ ở xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các đoàn thể ở xã Krông Na trong việc giúp đỡ chị em làm kinh tế, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông chuyển đổi hành vi để phụ nữ sau khi lập gia đình có ý thức “sinh con ít, đẻ con thưa”, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con để chăm sóc và nuôi dạy con cái ăn học đến nơi, đến chốn./.
Thúy Phương
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác