07/03/2017 10:00
GiadinhNet - Sự kiện ngày 1/11/2013 – công dân thứ 90 triệu ra đời – sẽ đánh một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam. Chung cảm xúc về ngày đặc biệt sắp tới, bên lề nghị trường kỳ họp 6 Quốc hội XIII, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ với PV Báo GĐ&XH về tâm tư, quan điểm của mình đối với sự kiện này.
|
Sự kiện công dân thứ 90 triệu ra đời sẽ đánh một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực DS-KHHGĐ ở Việt Nam. Ảnh: PV |
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội:“Sự kiện 90 triệu dân là một chỉ báo rất thành công của công tác DS- KHHGĐ tại Việt Nam. Bây giờ thì mọi người nghe con số này rất đơn giản, khi mức sinh đẻ đang thấp, nghe công tác dân số cũng đơn giản nên có vẻ chủ quan, nhưng cách đây 5 đến 10 năm, hay 20 năm thì vấn đề dân số cực kỳ nóng bỏng trên các diễn đàn của Quốc hội và Chính phủ. Cũng giống như những người trẻ bây giờ đang được hưởng hòa bình thì nói về chiến tranh nghe đơn giản lắm.
Làm công tác dân số cũng như vậy. Sự kiện công dân thứ 90 triệu vào ngày 1/11 tới vì thế sẽ là thành công, cơ hội và cả thách thức trong thời gian tới. Chúng ta phải làm gì tiếp theo khi công tác dân số đã đạt được thành tựu như vậy? Và chúng ta phải nhìn lại chặng đường đã qua, những người tiền bối đã vất vả như thế nào, người dân đã vất vả thế nào, Nhà nước vất vả ra sao, để đạt được những kỳ tích ấy.
Nghe một con số như vậy nhưng không bao giờ đơn giản. Đó là 20 năm phấn đấu rất gian nan, phức tạp. Như Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ từng nói, Philippines là một dẫn chứng rất điển hình. Dân số của họ từng thấp hơn ta rất nhiều nhưng bây giờ đã hơn ta hơn chục triệu người. Chúng ta cần thấy điều đó để rút ra bài học cho tương lai, không thể lơ là công tác này. Nhà nước cần quan tâm đến những vấn đề mà ngành dân số đang nêu ra hiện nay. Nếu chúng ta không tiếp tục giải quyết bài toán này thì sẽ giống như Philippines”.
Đại biểu Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội:“Như báo cáo của Chính phủ, nếu không có Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, mỗi năm có tới 2,2 – 2,3 triệu phụ nữ mang thai và sinh đẻ sẽ tạo một áp lực cực lớn lên quy mô dân số. Và rõ ràng ai cũng hiểu, nếu không có công tác DS- KHHGĐ thì dân số Việt Nam đã vượt 90 triệu từ lâu. Nên 90 triệu là một dấu mốc đặc biệt, đánh dấu những thành tựu quan trọng của cả đất nước nói chung và ngành dân số nói riêng.
Các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng cơ hội giai đoạn dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn này sẽ qua nhanh nên cần quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt là về chất lượng dân số”.
Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) – Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thái Bình:“Tôi thấy đây là một niềm hạnh phúc vô bờ cho cháu bé, cho gia đình và cho cả đất nước chúng ta, trong đó có cá nhân tôi. Tôi cho rằng sự kiện 1/11 tới có ý nghĩa quan trọng bởi nó đánh dấu mốc lịch sử về dân số Việt Nam. 90 triệu dân vừa là thành tựu cũng vừa là thách thức.
Là thành tựu bởi chúng ta đạt được mục tiêu về quy mô dân số, bởi chúng ta luôn duy trì sự kết nối các thế hệ người Việt Nam để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Là thách thức bởi điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn trong khi đó để thế hệ trẻ tương lai phát triển toàn diện thì cần có những nguồn lực, môi trường tốt về tài chính, giáo dục lành mạnh, môi trường xã hội ổn định... Trong bối cảnh đất nước ta hiện tại thì những điều kiện này chưa được yêu cầu thực tế đòi hỏi. Đó chính là thách thức lớn để ngành dân số nỗ lực hơn nữa, để Nhà nước quan tâm hơn nữa.
Để phát huy nguồn lực 90 triệu đang ở giai đoạn vàng này, Nhà nước cần tạo điều kiện để lực lượng trẻ có cơ hội được làm việc, phát huy sáng tạo, có thu nhập cao và ổn định góp phần xây dựng đất nước. Tôi tin tưởng vào thế hệ trẻ sẽ phát huy truyền thống cần cù, tiềm năng sáng tạo, đưa Việt Nam vững bước đi lên”.
Đại biểu Trương Minh Hoàng - Phó Trưởng đoàn tỉnh Cà Mau, Ủy viên Uỷ ban KHCN&MT:“Dân tộc Việt Nam có thêm một con người nào đều vui, đều đáng quý cả. Chào đón công dân thứ 90 triệu thì cảm xúc ấy càng ý nghĩa hơn. Nhưng hiện tại, tôi đang quan tâm nhiều đến chất lượng sống, chất lượng dân số. Công tác kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những kết quả lớn trong thời gian qua, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, phải cố gắng ở tương lai.
Chúng ta cũng như thế giới, khi dân số đạt một ngưỡng nào đó thì công bố cho toàn cầu biết. Ở thời điểm này, tôi vừa mừng vừa lo. Trong lịch sử, tôi cho rằng, có một số giai đoạn chúng ta đã bỏ lỡ hoặc không tận dụng tốt cơ hội. Vì vậy, ở thời kỳ dân số vàng này, càng cần phát huy tiềm năng trong mỗi công dân, gắn kết con người, cùng nhau chia sẻ cơ hội phát triển. Và đương nhiên, Nhà nước đang và sẽ tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực này. Một trong những vấn đề nan giải bây giờ, theo tôi là cân bằng giới tính, cần được chú trọng hơn”.
Cất cánh và phát triển Với cơ cấu “dân số vàng” – số người trong độ tuổi lao động lớn nhất từ trước đến nay - Việt Nam đang đứng trước một kỳ vọng lớn: Có thể “cất cánh” với sự phát triển thần kỳ như một số nước trong khu vực đã đạt được khi bước vào giai đoạn này. Theo TS Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Việt Nam đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” hay còn gọi là thời kỳ “cửa sổ dư lợi dân số”. Nó chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong lịch sử của mỗi một quốc gia, là cơ hội có một không hai. Cũng từ chính cơ hội này, các con rồng châu Á đã vươn dậy, xây dựng đất nước với sự phát triển thần kỳ. Với cơ cấu dân số như hiện nay, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Có thể thấy, chúng ta đang có trong tay một lực lượng lao động "vàng", giống như cầm trong tay một khối vàng cực lớn. Đi cùng niềm hân hoan ấy là những dự đoán và mong mỏi cho một sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội - điều mà các "con rồng" châu Á trải qua giai đoạn này đạt được. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ làm gì với lượng vàng lớn như thế trong tay? Cơ cấu dân số "vàng" với nguồn nhân lực dồi dào sẽ trở thành sức mạnh, biến nước ta thành "rồng" nhưng cũng có thể khiến chúng ta chất trên mình gánh nặng. Đặc biệt, trong bối cảnh cơ cấu dân số nước ta đang có sự biến đổi mạnh mẽ: Tỷ số giới tính khi sinh cao, tốc độ già hóa dân số nhanh, số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ cao… Theo GS Gavin W.Jones - Viện Nghiên cứu châu Á, Trường ĐH Quốc gia Singapore: Việc tận dụng cơ hội "vàng" này đã đóng góp tới 2/3 phép màu kinh tế của các "con rồng" châu Á. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nó cũng có thể sẽ trở thành thảm họa nếu một số lượng lớn thanh niên không được đào tạo đầy đủ, gia nhập một thị trường lao động không đủ sức sử dụng họ. Làm gì để giữ "vàng"? Các chuyên gia cho rằng, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực rất quan trọng. Để những công dân "vàng" đem lại sự phát triển thần kỳ cho đất nước, rất cần những chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Theo PGS.TS Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương: "Nếu chất lượng dân số "vàng" được đảm bảo về quy mô, cơ cấu và chất lượng sẽ tạo ra những cơ hội rất lớn cho Việt Nam về an sinh xã hội, đặc biệt là giúp tăng quỹ an sinh xã hội ở tốc độ chưa từng thấy, làm cho việc làm phát triển về mọi mặt: Số lượng, chất lượng, hình thức, quy mô việc làm". Còn ông Arthur Eken – Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho rằng: Đây là cơ hội cho Việt Nam đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong việc đầu tư kinh tế - xã hội giúp cho quá trình phát triển bền vững của đất nước. Theo ông, đầu tư cho thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội có chất lượng, bao gồm cả sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; đào tạo nghề và cơ hội việc làm có thể mang lại những lợi ích giúp phát triển bền vững. GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các Vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh: “Phải biết tận dụng bằng được giai đoạn này vì “mỏ vàng chưa khai thác thì còn, cơ cấu dân số vàng không tận dụng thì sẽ mất”. Để tận dụng cơ cấu dân số vàng nhằm phát triển đất nước bền vững, trong kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số vừa qua, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế khi xây dựng dự án Luật Dân số cũng như chính sách dân số phải có tầm nhìn xa, xây dựng hệ thống chính sách dân số hướng tới gia đình có 2 con đồng thời duy trì và kéo dài giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” đến năm 2061 - kỷ niệm 100 năm ngày Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định đầu tiên về chính sách dân số. Hà Thư |
Việt Nguyễn (thực hiện)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác