07/03/2017 10:00
“Mang thai ở tuổi vị thành niên đang là một vấn đề lớn trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển” - ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định tại buổi công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới 2013 với tựa đề “Làm mẹ khi chưa trưởng thành: Thách thức mang thai ở tuổi vị thành niên” diễn ra chiều 4/11, tại Hà Nội.
Buổi công bố do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc phối hợp với Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương tổ chức.
Ông Arthur Erken cho biết, tại các nước đang phát triển, mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi sinh con, số trẻ em gái sinh con lên tới 7,3 triệu người mỗi năm. Nếu tính cả các lần mang thai nhưng không sinh thì con số này còn lớn hơn rất nhiều.
Việc làm mẹ khi chưa trưởng thành gây thiệt hại tới sức khỏe, giáo dục và quyền của trẻ em gái. Mang thai ở tuổi vị thành niên cũng làm cho các em không nhận thức được những nguy cơ tiềm tàng và ảnh hưởng bất lợi tới đứa trẻ được sinh ra. Không chỉ các bà mẹ và em bé phải gánh chịu hậu quả mà vấn đề này còn tạo ra những ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của cộng đồng và quốc gia với những thiệt hại về sản xuất kinh tế khi các bà mẹ ở tuổi vị thành niên phải bỏ học và thôi việc để sinh con.
Báo cáo cũng chỉ ra việc mang thai ở tuổi vị thành niên thường nằm ngoài mong muốn của các em. Điều này là hệ quả của việc các em không được hoặc ít được tiếp cận đến giáo dục, việc làm, thông tin và việc chăm sóc sức khỏe có chất lượng, vai trò và hành động chưa đảm bảo của gia đình, cộng đồng và chính quyền.
Tại Việt Nam, theo bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), báo cáo của các Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản 63 tỉnh, thành phó cho thấy tỷ lệ nữ vị thành niên có thai trên tổng số ca có thai của toàn quốc là 3,2% (tăng 0,1% so với năm 2011); tỷ lệ phá thai tuổi vị thành niên trên tổng số phá thai trên toàn quốc là 2,3% (giảm 0,1% so với năm 2011), tỷ lệ có con trong nhóm dân số vị thành niên là 46/1.000 người.
Tỷ lệ này cao hơn ở các nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong các năm gần đây phá thai vị thành niên chiếm khoảng 5% tổng số phá thai tại bệnh viện.
Tại 3 cơ sở y tế công ở Thành phố Hồ Chí Minh (gồm Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản), năm 2011, tỷ lệ nữ vị thành niên có thai đén khám ở đây chiếm 4% các trường hợp mang thai. Trong số 90.649 ca sinh thì có 2.434 sản phụ tuổi vị thành niên. Trong số 60.352 ca phá thai, có 3.471 trường hợp là nữ vị thành niên, chiếm 5,81%.
Một trong những thông điệp quan trọng và kêu gọi hành động mà báo cáo đã nhấn mạnh là: Xã hội thường chỉ biết đổ lỗi cho các em gái khi các em mang thai. Nhưng thực tế, mang thai ở tuổi vị thành niên thường không phải là do các em mong muốn có thai, mà do các em không có sự lựa chọn nào khác và xảy ra trong những hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của các em. Điều này chính là hệ quả của việc các em không được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận đến giáo dục, việc làm, thông tin và chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Vì vậy, hãy đừng bao giờ quên rằng, các em gái không thể tự có thai được. Trẻ em trai và nam giới phri có trách nhiệm tương đương khi các em gái mang thai và chính trẻ em trai, nam giới chính là một trong số các giải pháp ngăn chặn mang thai vị thành niên. |
Võ Thu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác