07/03/2017 10:00
Việt Nam đã giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch bởi xu hướng lây lan đang thay đổi. Trong bối cảnh đó, việc các tổ chức quốc tế cắt giảm mạnh kinh phí triển khai cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã khiến Việt Nam khó đạt mục tiêu thiên niên kỷ số 6 về HIV/AIDS.
|
Cán bộ y tế Quảng Bình tiếp nhận quà tặng cháu bé bị nhiễm HIV. Ảnh: CTV. |
Xu hướng lây lan dịch thay đổi
Năm 2012 là năm thứ 22 kể từ khi phát hiện người nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam. Cho đến nay, nước ta có 213.413 người nhiễm HIV còn sống được báo cáo, trong đó có 63.373 người ở giai đoạn AIDS, lũy tích tử vong do HIV/AIDS là 65.133 người. Trung bình 9 tháng năm 2013, mỗi ngày cả nước phát hiện thêm 34 người nhiễm HIV. Cũng trong 9 tháng năm 2013, số trường hợp nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS phát hiện so với cùng kỳ năm 2012 tiếp tục giảm. Số người nhiễm HIV giảm 22% (2.571 trường hợp), số bệnh nhân AIDS giảm 37% (2.597 trường hợp). Số người tử vong do AIDS giảm 35% (865 trường hợp).
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS có nhiều thay đổi cả về quy mô, cơ cấu độ tuổi, giới tính, vùng miền cũng như đường lây truyền. Về quy mô, dịch HIV tiếp tục lan rộng trên các địa bàn. Năm 2013, tăng thêm 3 huyện và 47 số xã, phường mới phát hiện có người nhiễm HIV. Đáng lưu ý là trong những tỉnh có người nhiễm HIV phát hiện tăng cao trên, chủ yếu tập trung các huyện miền núi và một số thành phố, thị xã của các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ. Ông Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát, theo dõi, đánh giá và xét nghiệm cho biết: Ngoài TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, số ca nhiễm HIV/AIDS đang còn sống tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, vùng núi Tây Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh Tây Nam bộ.
Xét về giới, tỉ lệ người nhiễm HIV phát hiện là nữ giới đang có xu hướng gia tăng qua các năm, từ 24,2% năm 2007 lên 33,1% trong 9 tháng năm 2013. Số liệu điều tra cũng cho thấy, tỉ lệ người nhiễm HIV phát hiện lây truyền qua đường tình dục đang ngày càng gia tăng, bắt đầu cao hơn lây truyền qua đường máu năm 2012 và 2013. Tỉ lệ người nhiễm HIV được phát hiện có độ tuổi trên 30 tuổi đang chiếm ưu thế và có xu hướng ngày càng gia tăng, từ 35,2% năm 2007 lên 45,4% năm 2013.
Còn nhiều thách thức
Mục tiêu thiên niên kỷ số 6 về HIV/AIDS gồm có 2 nội dung lớn: Chặn đứng và bắt đầu đẩy lùi tình trạng lan rộng của bệnh dịch HIV/AIDS vào năm 2015 so với năm 2001; đảm bảo tiếp cận phổ cập điều trị HIV/AIDS cho tất cả những người có nhu cầu điều trị đến năm 2010.
Đến năm 2012, số ca nhiễm HIV đã giảm 31,5% so với năm 2001. Các chuyên gia nhận định, để giảm được 50% số ca nhiễm HIV mới đến năm 2015 hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ đề ra sẽ rất khó khăn với Việt Nam.
Theo ông Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tuy dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã bị kiềm chế ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 4 năm gần đây nhưng vẫn chưa bền vững. Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan trên đất nước ta với xu hướng thay đổi. Trong khi đó, một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao.
Phân tích nguyên nhân ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, ông Đức cho rằng: Hiện tại, tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao đã làm ảnh hưởng đáng kể tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV, rào cản cho việc xét nghiệm phát hiện HIV sớm và chuyển gửi đến dịch vụ chăm sóc điều trị. Thêm vào đó, kinh phí triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang có xu hướng cắt giảm mạnh. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ tại tất cả các tuyến, đặc biệt là ở khu vực miền núi thiếu hụt nghiêm trọng. Đây là những rào cản lớn khiến Việt Nam khó hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ số 6.
Ông Bùi Hoàng Đức cảnh báo: Xu hướng dịch HIV lây truyền qua đường tình dục đang gia tăng, nhóm đối tượng đa dạng hơn và lây truyền từ nhóm nguy cơ cao sang cộng đồng, do đó, các biện pháp can thiệp khó khăn hơn. Một số nghiên cứu về tác động của việc sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp cho thấy, các hành vi này dễ dẫn đến quan hệ tình dục bầy đàn. Điều này sẽ tác động rất lớn đến việc lây truyền HIV trong cộng đồng.
Bích Nguyên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác