07/03/2017 10:00
Theo Tổng Cục thống kê, thực hiện Chương trình điều tra thống kê quốc gia, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lồng ghép điều tra nhà ở vào cuộc điều tra dân số giữa kỳ và trên cơ sở phối hợp với Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đơn vị sẽ tiến hành việc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 1-4-2014.
Theo kế hoạch triển khai, cuộc điều tra nhằm 3 mục đích chính bao gồm:
Thứ nhất, thu thập số liệu về dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước làm cơ sở để đánh giá các chương trình quốc gia về dân số và nhà ở, qua đó đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2015; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2016 - 2020; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Thứ hai, cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số (TĐTDS) 2009; làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2010 - 2014; bổ sung kho dữ liệu dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa hai kỳ TĐTDS trên phạm vi cả nước và từng địa phương phục vụ yêu cầu so sánh quốc tế.
Thứ ba, cung cấp dàn mẫu cho các cuộc điều tra thống kê đối với hộ dân cư.
|
Nhà ở cũng được điều tra thống kê trong đợt này. (Ảnh minh họa: N.X) |
Trên cơ sở đó, đối tượng điều tra bao gồm: nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư; các trường hợp chết của hộ dân cư; nhà ở của hộ dân cư trên các địa bàn điều tra được chọn.
Đơn vị điều tra là hộ dân cư. Điều tra viên phải đến tận hộ phỏng vấn trực tiếp chủ hộ điều tra (hoặc người cung cấp thông tin) và thành viên của hộ là phụ nữ từ 15-49 tuổi để ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra.
Đây là cuộc điều tra chọn mẫu quy mô lớn với tổng số 20% địa bàn cả nước (tương đương 37.395 địa bàn) được chọn để điều tra 30 hộ/địa bàn. Như vậy, toàn quốc sẽ có khoảng 1.121.850 hộ được điều tra. Dàn chọn mẫu là dàn tổng thể từ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Mẫu được chọn theo từng huyện. Tổng số cả nước có 699 dàn mẫu cấp huyện (trừ 4 huyện đảo nhỏ không được chọn vào mẫu điều tra).
Thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 1-4-2014. Thời gian điều tra tại địa bàn khoảng 20 ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 1-4-2014 và kết thúc chậm nhất vào ngày 20-4-2014.
Để việc điều tra thuận lợi và hiệu quả, kế hoạch triển khai các phần việc còn lại cũng đã được hoàn tất. Theo đó, từ tháng 1 đến hết 2-2014, sẽ thực hiện vẽ sơ đồ, lập bảng kê; tuyển dụng điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên các cấp; hoàn thiện tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra, phiếu điều tra. Tháng 3-2014, Cục Thống kê tập huấn nghiệp vụ điều tra cho điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên; in và phân bổ phiếu điều tra; tuyên truyền về cuộc điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ ngày 1 đến 20-4-2014, thu thập thông tin tại địa bàn; Tháng 5 đến tháng 7-2014, nghiệm thu phiếu các cấp; Tháng 8 đến tháng 11-2014, xử lý số liệu; Tháng 10-2014, công bố kết quả tổng hợp nhanh; Tháng 12-2014, công bố kết quả chính thức.
Được biết, theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia (ban hành kèm theo Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ) cứ 10 năm một lần, Việt Nam tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước để thu thập đầy đủ số hộ dân cư, số dân và nhà ở. Để có được số liệu về dân số hàng năm giữa hai kỳ Tổng điều tra, Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hàng năm với cỡ mẫu nhỏ, đủ để ước tính dân số cả nước và cấp tỉnh. Riêng các năm tận cùng là 4, Tổng cục Thống kê tổ chức Điều tra dân số giữa kỳ với qui mô lớn hơn để có được số liệu chi tiết đến cấp huyện. |
N.X (nguồn dangcongsanvietnam)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác