07/03/2017 10:00
GiadinhNet - Đoàn công tác của Tổng cục DS-KHHGĐ do Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc dẫn đầu vừa có buổi làm việc tại hai địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ và Cà Mau. Bên cạnh niềm phấn khởi trước sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ cộng với những kết quả đạt được thời gian qua, đọng lại là sự ưu tư lo lắng trước nguy cơ lực lượng cán bộ chuyên trách dân số cơ sở không có cơ hội phát huy hết khả năng, vai trò của mình.
|
Truyền thông DS-KHHGĐ tại huyện Cái Nước, Cà Mau. Ảnh: T. Dũng. |
Nguy cơ “y tế hóa” công tác dân số
Tại huyện Cái Nước (Cà Mau) cán bộ chuyên trách dân số 11 xã, thị trấn hầu như không còn thời gian dành cho hoạt động dân số. Lý do được các cán bộ chuyên trách ở đây cho biết: Công việc được giao ở trạm y tế quá nhiều.
Giải thích với Đoàn công tác, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện nói: “Các trạm y tế “bị” lấy biên chế phục vụ công tác dân số, trong khi đó biên chế tại trạm vốn đã không đủ cho chuyên môn, vì vậy cần thông cảm…”. Tuy nhiên, khi Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc giải thích rõ cán bộ chuyên trách là biên chế thực hiện nhiệm vụ DS-KHHGĐ tại tuyến cơ sở; Đồng thời phía Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng dẫn ra văn bản cấp thêm biên chế tại các trạm thì người phụ trách Trung tâm Y tế huyện mới chịu… rõ.
Lối hiểu chưa đúng của cả lãnh đạo Trung tâm Y tế lẫn các trạm y tế đã khiến cán bộ chuyên trách- vốn là những người kề vai sát cánh cùng các cộng tác viên tuyến cơ sở đã bị “y tế hóa”, không còn cơ hội phát huy năng lực. Điều đáng lo ngại hơn, không chỉ tại huyện Cái Nước mà hầu như các địa phương khác trên địa bàn Cà Mau đều diễn ra thực trạng trên.
Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền Cà Mau luôn luôn quan tâm đến công tác DS-KHHGĐ. Một biểu hiện rõ nét là chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi giúp lực lượng cộng tác viên dân số cải thiện thu nhập đến 400.000đồng/tháng. Đáng tiếc với thuận lợi không phải địa phương nào cũng làm được như thế thì đội ngũ cán bộ chuyên trách lại bị xoáy vào vô số công việc của y tế, không đủ thời gian làm công tác DS-KHHGĐ.
Theo Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc, điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến lực lượng cộng tác viên dân số và nguy cơ “vỡ mặt trận DS-KHHGĐ” nếu không kịp thời, cương quyết chấn chỉnh bộ máy tổ chức. Tại buổi làm việc, Trưởng Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện Cái Nước đã cam kết với Đoàn công tác sẽ sớm yêu cầu lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế cùng ngồi lại để mau chóng đưa ra giải pháp khắc phục.
Cán bộ chuyên trách không có cơ hội phát huy vai trò
Liên quan đến tổ chức bộ máy hoạt động DS-KHHGĐ, vấn đề đang không chỉ “nóng” tại Cà Mau mà còn tại nhiều địa phương khác của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền Cà Mau với sự tham mưu của Sở Y tế đã cho phép thí điểm mô hình tổ chức mới tại hai huyện Phú Tân và Ngọc Hiển. Theo mô hình này, Trung tâm Y tế, Trung tâm DS-KHHGĐ, bệnh viện huyện sẽ sáp nhập thành Trung tâm Y tế.
Thông tin trên được đại diện lãnh đạo Sở Y tế Cà Mau báo cáo cùng Đoàn công tác cùng với các quyết định của UBND tỉnh. Mặc dù chính quyền tỉnh hoàn toàn đủ chức năng, thẩm quyền ban hành quyết định trên, song điều đáng nói ở đây chính là vai trò tham mưu của ngành Y tế-Dân số tỉnh. Bởi từ phía Trung ương, Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ đang nỗ lực hình thành những mô hình hiệu quả liên quan đến tổ chức bộ máy tuyến huyện thì mô hình Cà Mau đang thí điểm lại không tương đồng.
Đoàn công tác cho rằng ngành Y tế-Dân số Cà Mau chưa thực sự sâu sát khi thực hiện nhiệm vụ tham mưu với chính quyền tỉnh. Biện giải cho vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Y tế Cà Mau cho rằng: “Địa phương quá nóng ruột với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy Y tế-Dân số”. Sự “nóng ruột” này cũng đã phản ánh đúng một thực tế không chỉ tại Cà Mau mà ở nhiều địa phương thuộc khu vực.
Ngay khi nghe Đoàn công tác đề cập đến mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện, cán bộ chuyên trách trực thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ nhưng biệt phái làm việc tại UBND xã, mà rất nhiều tỉnh đã triển khai, hầu như lãnh đạo ngành dân số, các thành viên Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ đều phấn khởi và hi vọng điều này nhanh chóng đi vào thực tế ở Cà Mau.
Tại Cần Thơ, Phó Tổng cục trưởng đã đề nghị ngành DS-KHHGĐ đặc biệt lưu ý đến ba vấn đề nóng của hoạt động dân số hiện nay. Đầu tiên là thay đổi tư duy, cách làm, khẩu hiệu (Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ hai con)… liên quan đến mức sinh để có thể duy trì mức sinh thấp hợp lý. Tiếp đó là các hoạt động liên quan đến công tác nâng cao chất lượng dân số. Thứ 3 là tránh chủ quan đối với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. |
Thanh Giang
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác