|
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa tăng cường kiến thức SKSS vị thành niên do ngành Dân số Phú Yên tổ chức. Ảnh: P.V |
Chuyên gia từng “toát mồ hôi hột” trước câu hỏi
Tại Trường THPT Cao Lộc (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), từ nhiều năm học nay, cứ sau tiết Chào cờ đầu tuần vào sáng thứ Hai, gần 1.000 học sinh cả 3 khối lại háo hức chờ đợi buổi sinh hoạt ngoại khóa, dù ngắn nhưng rất bổ ích. Bởi các em sẽ được bác sĩ sản khoa, các chuyên gia trong lĩnh vực Dân số đến trao đổi các vấn đề về tâm lý lứa tuổi, chăm sóc SKSS vị thành niên.
Nhiều câu hỏi được các em nêu ra, có những câu “mạnh dạn” khiến chính các chuyên gia phải “ngập ngừng” đôi chút để tìm lời giải thích vừa cụ thể, vừa dễ hiểu nhất. Là “nhân vật chính” trong hầu hết các buổi tư vấn SKSS cho các em học sinh THPT trong năm học 2013-2014, bác sĩ sản khoa Nông Thanh Tùng – nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn tiết lộ đã đôi phen “toát mồ hôi hột” vì những suy nghĩ, quan tâm thiết thực “không ngờ” của các bạn học sinh. “Điều này chứng tỏ các em có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề SKSS, sức khỏe tình dục. Đáng tiếc là bấy lâu nay, các em vẫn tự mình tìm hiểu mà chưa có thói quen tìm đến bác sĩ chuyên khoa để tỏ bày...”, BS Tùng nói.
Hiểu được nhu cầu lớn, thiết thực đó, nên từ nhiều năm nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh triển khai Chương trình tư vấn SKSS cho các trường THPT bằng cách đưa nội dung SKSS vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Năm học 2013 - 2014, đã có 6 trường được triển khai Chương trình này. Dự kiến, vào tháng 10/2014, số trường THPT được triển khai là 3 trường.
Bà Trần Kim Hồng, Trưởng phòng Truyền thông - Giáo dục (Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Qua các buổi tư vấn, tiếp xúc trực tiếp, lắng nghe suy nghĩ, tâm sự của các em học sinh cho thấy, sách báo, mạng Internet, hỏi bạn bè… là những nguồn thông tin để giới trẻ bây giờ tìm hiểu về SKSS, tình dục. Tuy nhiên, thời đại thông tin xô bồ, các em cũng dễ bị rơi vào “ma trận” mê hồn khó phân biệt đúng – sai. Do đó, rất cần những buổi tư vấn như vậy để giúp các em hiểu biết thêm về vấn đề thiết thực này.
Ngoài các buổi tư vấn, trao đổi của các cán bộ chuyên ngành, các em học sinh trường THPT tại Lạng Sơn còn có một địa chỉ tin cậy nữa – đó là phòng tư vấn tâm lý học đường của nhà trường. Nếu ngại gặp trực tiếp, các em có thể gửi những ý kiến, thắc mắc của mình qua hòm thư “Điều em muốn nói”. Cũng theo bà Kim Hồng, từ năm 2009, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ một số trường THPT xây dựng các tủ sách về DS/SKSS/KHHGĐ nhằm giúp tìm hiểu thông tin chính thống về các vấn đề trên.
Phương pháp mới trong giáo dục giới tính
Bắt đầu từ năm học 2013-2014, Phú Yên đã áp dụng phương pháp “Học sinh tích cực”. Đây là phương pháp mà các em sẽ chủ động việc tiếp thu kiến thức về giáo dục giới tính và chăm sóc SKSS. Theo nhiều giáo viên, phương pháp học này sẽ tạo không khí cởi mở, năng động, giúp nâng cao hiệu quả trong việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS.
Đây là chương trình phối hợp giữa Sở GD-ĐT Phú Yên, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED - tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực DS-KHHGĐ). Bà Nguyễn Kim Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm CGFED chia sẻ: “Phương pháp này sẽ giúp các em thoát khỏi sự rụt rè, e ngại khi đề cập đến kiến thức về giới, sức khỏe tình dục, SKSS- vốn là chuyện tế nhị, khó nói. Học sinh được khuyến khích làm việc nhóm với đề tài được đưa ra và tự tìm câu trả lời cho những vấn đề thắc mắc. Các em sẽ được xem các video clip, tham gia các trò chơi vận động lồng ghép kiến thức giáo dục giới tính. Thầy cô đóng vai trò người hỗ trợ và giải đáp những vấn đề các em chưa biết...”.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Trần Trọng Cai, chuyên viên Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết: “Từ tháng 9/2013, tất cả 36 trường THPT thuộc 9 huyện, thành phố, trong đó có 4 trường dân tộc nội trú (DTNT) đều triển khai giảng dạy chương trình giáo dục giới tính. Trên cơ sở những bài giảng được các chuyên gia dân số giảng dạy, các giáo viên cốt cán sẽ tập huấn lại cho các giáo viên khác, sau đó truyền thụ đến tất cả các em học sinh THPT. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cho năm học tiếp theo, nhưng tinh thần là vẫn áp dụng mô hình này, bởi đây là mô hình thực sự đem lại hiệu quả rất cao”.
Thầy Sô Minh Thanh, giáo viên Trường Phổ thông DTNT huyện Sơn Hòa nói: “Ban đầu, các em còn bỡ ngỡ nhưng khi được hướng dẫn cách tiếp cận kiến thức, các em đã trở nên tích cực, hăng hái tham gia vào bài giảng. Khi các em mạnh dạn hỏi thầy cô, chúng tôi phát hiện các em có rất ít hiểu biết về kiến thức giới tính và SKSS. Tôi tin phương pháp giáo dục này sẽ giúp các em tiếp cận đầy đủ hơn chương trình giáo dục giới tính”.
Khác với cách giảng thụ động, giáo viên nói học sinh tiếp nhận bị động, phương pháp “Học sinh tích cực” đòi hỏi giáo viên cũng năng động và nhiệt tình hơn. Ông Trần Trọng Cai cho biết: Không chỉ các thầy cô giáo môn Sinh học, Giáo dục công dân, Văn học… những môn thường được lồng ghép nội dung giáo dục giới tính, mà rất nhiều thầy cô giáo khác cũng có nhu cầu tập huấn kiến thức về lĩnh vực này.
“Ngoài việc giúp học sinh thành lập các nhóm học tập, chúng tôi còn phải tự trang bị kiến thức về chăm sóc SKSS thật vững vàng để trả lời những câu hỏi phát sinh, định hướng, giúp các em thông hiểu những kiến thức chưa biết”, thầy Bùi Trọng Vũ, giáo viên Trường THPT Phan Chu Trinh (thị xã Sông Cầu- Phú Yên) chia sẻ. |
Võ Thu