|
Một buổi truyền thông lồng ghép kiến thức DS-KHHGĐ vào các tiết mục văn nghệ dân gian do ngành Dân số Tây Ninh triển khai. Ảnh: PV |
Sự phối hợp ăn ý giữa ngành Dân số với các ban, ngành
Ngày 2/7, Đoàn công tác đã làm việc cùng Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh Tây Ninh. Trong năm 2013, hầu như các chỉ tiêu DS-KHHGĐ tại địa phương giáp ranh Campuchia này đều đạt, thậm chí vượt. Tình hình hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2014 cũng khả quan không kém. Tất cả các đề án liên quan đến nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc người cao tuổi… đều được địa phương này triển khai đồng loạt và đang được đề xuất mở rộng thêm địa bàn thực hiện.
Kinh phí eo hẹp, lại đối mặt với không ít thách thức, bởi Tây Ninh là địa phương khó khăn “có tiếng” ở khu vực Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, Tây Ninh với xấp xỉ 1,1 triệu dân đang có những “đặc thù khá lạ” trong lĩnh vực DS-KHHGĐ: Thuộc 1/10 tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước (TFA = 1,8 con), thuộc 1/10 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước (111,88/100) và cao nhất khu vực Đông Nam Bộ lẫn Tây Nam Bộ, tình trạng già hóa dân số đang cận kề (7,8% theo điều tra dân số năm 2009). Dù vậy, “Hoạt động DS-KHHGĐ tại Tây Ninh thời gian qua luôn đạt kết quả tốt”- theo đánh giá của Đoàn công tác. Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng DS-KHHGĐ Phan Thị Ngọc Liên cho biết, có được những kết quả trên là nhờ “bộ máy tổ chức hoạt động ổn định, có sự phối hợp ăn ý giữa ngành Dân số với các ban, ngành, đoàn thể”.
Trong buổi làm việc với huyện Dương Minh Châu, Đoàn công tác “mục sở thị” mô hình họp giao ban được Trung tâm DS-KHHGĐ áp dụng khá độc đáo: Tổ chức họp giao ban hàng tháng (lãnh đạo trung tâm, các lãnh đạo trạm y tế, các cán bộ chuyên trách) lần lượt tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. “Hình thức họp giao ban “xoay vòng” thế này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, triển khai thực hiện, giám sát mà còn giúp mối quan hệ công việc giữa anh chị em cán bộ cơ sở trở nên gần gũi, nhẹ nhàng hơn, dễ thông cảm chia sẻ hơn rất nhiều...” - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Dương Minh Châu, ông Trần Hữu Thiện chia sẻ.
Sẵn sàng ủng hộ mô hình mới
Chi cục trưởng Phan Thị Ngọc Liên còn cho biết thêm, mô hình giao ban tương tự huyện Dương Minh Châu đang được 9 huyện, thị trên địa bàn cùng thực hiện. Cuộc họp giao ban hàng tháng giữa lãnh đạo Chi cục và lãnh đạo các Trung tâm DS-KHHGĐ (có sự tham dự của Trưởng ban chỉ đạo DS-KHHGĐ huyện, thị) cũng diễn ra xoay vòng tại các trung tâm. Hiện mỗi Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị tại Tây Ninh được giao 9 biên chế. Đây là địa phương duy nhất có được “kỷ lục” nhân sự này. 100% cán bộ chuyên trách đã được tuyển thành viên chức. 100% cộng tác viên dân số được áp dụng mức 0,1% mức lương tối thiểu (hiện là 115.000 đồng/tháng)… Với bộ máy tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở Tây Ninh, các thành viên đoàn công tác Tổng cục đều có chung cảm nhận hoạt động dân số tại địa phương này diễn ra khá thuận lợi.
Trong bối cảnh mô hình tổ chức bộ máy cán bộ dân số tại không ít địa phương đang khá “vướng” thì Tây Ninh đã rất linh hoạt trong việc đáp ứng đủ nhân lực cho hoạt động của ngành Dân số. Bà Phan Thị Ngọc Liên cho hay, ban đầu hoạt động DS-KHHGĐ tại Tây Ninh cũng vướng víu, va vấp như một số địa phương khác, song trong vai trò Phó Giám đốc Sở Y tế, bà đã tham mưu để đơn vị này ban hành quy chế phối hợp giữa các đơn vị y tế trên địa bàn huyện, thị hồi năm 2010, nhờ đó “nắn” được hoạt động y tế - dân số đi vào nề nếp, khuôn khổ.
Bên cạnh đó, vai trò thành viên Ban Văn hóa - xã hội thuộc Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng giúp bà Liên có điều kiện tham mưu hiệu quả hơn cho các cấp ủy-chính quyền để ban hành các chính sách tác động mạnh mẽ đến công tác DS-KHHGĐ. Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, bà Liên cho hay: “Đã đến lúc phải hướng tới sự phát triển bền vững của hoạt động DS-KHHGĐ bằng các mô hình mới phù hợp hơn, đưa hoạt động của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số về đúng chức năng hơn, giúp lực lượng cộng tác viên dân số hoạt động hữu hiệu hơn. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện trong thời gian tới”.
Trong buổi làm việc tại Tây Ninh, Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc đề nghị ngành Dân số địa phương này cần quan tâm hơn nữa công tác truyền thông với những nội dung mới như “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”, quan tâm đến các hoạt động nâng cao chất lượng dân số… Phó Tổng cục trưởng cũng đề nghị lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ cần chỉ đạo sát sao đội ngũ cán bộ chuyên trách, anh chị em không được lơ là nhiệm vụ chính yếu của mình, thường xuyên xuống cơ sở để giúp đỡ, hỗ trợ các cộng tác viên dân số.
Vấn đề đẩy mạnh tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai cũng được Đoàn công tác đề cập khi chỉ đạo hướng hoạt động tập trung trong thời gian tới. Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc cũng đề nghị Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, chỉ đạo trong thời gian tới khi có sự thay đổi về mô hình tổ chức bộ máy.
Mô hình lý tưởng Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện; cán bộ DS-KHHGĐ xã là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, làm việc tại xã. Nội dung trên đã được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kết luận tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng với Tổng cục DS-KHHGĐ và các đơn vị liên quan về công tác DS-KHHGĐ (ngày 4/6). |
Thanh Giang