07/03/2017 10:00
Sáng 17/12, Tổng cục Thống kê phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 1/4/2014.
Điều tra giữa kỳ đã đưa ra các chỉ tiêu dân số quan trọng nhất cho việc phát triển và đánh giá quá trình thực hiện của các chính sách KT-XH và kế hoạch phát triển cũng như việc hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ khác.
Năm thứ 9 liên tiếp, Việt Nam đạt và giữ mức sinh thay thế
Theo đó, tại thời điểm 00:00 ngày 1/4/2014, dân số Việt Nam là 90.493.352 người, tỷ lệ giới tính nam là 49.3%, nữ là 50,7%.
Tính từ thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, dân số Việt Nam đã tăng thêm 4.646.355 người, trung bình mỗi năm tăng 929.271 người. Với quy mô dân số này, vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng các nước đông dân trên thế giới không thay đổi so với năm 2009: thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, và thứ 13 trên thế giới. Mật độ dân số nước ta là 273 người/km2
Ba tỉnh có số dân đông nhất cả nước là TP HCM với 7,955 triệu người; Hà Nội với 7,067 triệu và Thanh Hóa với 3,491 triệu người.
Trong giai đoạn 2009-2014, tỷ lệ tăng dân số trung bình mỗi năm là 1,06%, thấp hơn trong giai đoạn trước – 1,2%. Đây là thời kỳ có tỷ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 35 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng: Tỷ số giới tính khi sinh năm 2014 giảm là một tín hiệu mừng nếu nó phản ánh một xu thế và phải tiếp tục theo dõi sát sao trong những năm tiếp theo xem chỉ số này có giảm bền vững hay không”.
Điều tra cũng cho kết quả khi tổng tỷ suất sinh (TFR - số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) của Việt Nam hiện nay là 2,09 con.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), so sánh các con số cho thấy, TFR có xu hướng giảm. Cụ thể: Nếu năm 2004, con số này là 2,23 con, thì đến năm 2011, con số này là 1,99 con, đến năm 2013 là 2,1 con. Giải thích cụ thể, bà Xuân Mai cho rằng: Có thể lý giải sự tăng TFR này là do tâm lý ưa thích sinh con trong 3 quý cuối năm 2012 (Nhâm Thìn), và quý 1 năm 2013 (Quý Tỵ) – theo tâm lý người Á Đông, đây là những năm đẹp cho việc sinh con.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động (Tổng cục Thống kê)
Trong 12 tháng trước thời điểm 1/4/2014, ước tính TFR của Việt Nam là 2,09 con – đạt dưới mức sinh thay thế (2,1 con). Như vậy, năm 2014 là năm thứ 9 liên tiếp (kể từ năm 2006), Việt Nam đã đạt và giữ mức sinh thay thế.
Ông Arthur Erken – Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp Quốc tại Việt Nam – đơn vị hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho cuộc Điều tra lần này cho rằng, kết quả này phản ánh sự thành công của chương trình DS-KHHGĐ của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua. Giảm áp lực dân số sẽ góp phần giúp Việt Nam giảm bớt áp lực về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, dịch vụ…
Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh tại nông thôn cao hơn thành thị
Cũng trong lần công bố kết quả Điều tra Dân số và nhà ở giữa kỳ này, đại diện Tổng cục Thống kê cho hay: Tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam trong 12 tháng trước thời điểm 1/4/2014 là 112,2 bé trai/100 bé gái. Với tỷ số chuẩn trung bình là 105 bé trai/100 bé gái, thì tại Việt Nam hiện nay, có 7,2 bé trai được sinh thừa ra trên tổng số 112,2 bé trai được sinh ra.
Cũng theo bà Xuân Mai, thì nếu năm 2009, kết quả Tổng Điều tra Dân số và nhà ở cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 110,5/100, trong đó vùng nông thôn và thành thị, mức chênh lệch không đáng kể (110,6-110,5) thì tới lần Điều tra giữa kỳ này, có sự khác biệt lớn. Trong khi tỷ số này ở vùng nông thôn là 113,1/100 thì vùng thành thị là 110,1/100.
“Nếu loại trừ khoảng sai số của số liệu thì có thể khẳng định, mong muốn cũng như áp lực buộc phải sinh con trai cùng với khả năng tiếp cận các dịch vụ chọn lọc giới tính hiện đại của phụ nữ nông thôn trong những năm gần đây tăng lên là lý do chính dẫn đến sự chênh lệch này” – bà Xuân Mai nói.
Bàn về số liệu 112,2 bé trai/100 bé gái này, trong cuộc trao đổi với báo chí ngày hôm qua, 16/12, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho rằng: Đó là một tín hiệu mừng nếu nó phản ánh một xu thế và phải tiếp tục theo dõi sát sao trong những năm tiếp theo xem chỉ số này có giảm bền vững hay không”.
Từ năm 2009 -2013, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2013, con số này ở mức 113, 8 bé trai/100 bé gái. Có thể nói sau nhiều năm, bằng nhiều nỗ lực, Việt Nam đã kìm hãm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, lần đầu tiên, tỷ số này ở Việt Nam đã giảm.
Tại buổi công bố, các chuyên gia khẳng định: Việt Nam vẫn trong thời kỳ dân số vàng với tỷ số phụ thuộc chung là 44%. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,1% dân số. Chỉ số già hóa là 44,6%, khẳng định Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể. Tuổi thọ trung bình của người Việt hiện là 73,2 năm, trong đó, nam giới là 70,6 năm, nữ giới là 76 năm.
Kết quả chủ yếu của điều tra đã được tổng hợp từ thông tin của các bảng hỏi thu được qua điều rta 5% tổng số hộ gia đình trên cả nước. Đây là cuộc Điều tra giữa kỳ đầu tiên được thực hiện sau 4 cuộc Tổng Điều tra Dân số và nhà ở được Việt Nam thực hiện từ sau năm 1975.
Nói về ý nghĩa của các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở nói chung, các cuộc điều tra giữa kỳ nói riêng, TS. Nguyễn Quốc Anh - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu dân số, thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng: Việt Nam lập kế hoạch phát triển KT-XH trong giai đoạn 5 năm. Kết quả của các cuộc Điều tra Dân số và nhà ở giữa kỳ sẽ là căn cứ quan trọng để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá lại tình hình thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, để có những điều chỉnh phù hợp. Nếu chỉ chờ vào các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở tiến hành 10 năm/lần, thì thời gian việc đánh giá sẽ mất tính kịp thời và giảm tính “thời sự” cho việc đánh giá, điều chỉnh kế hoạch phát triển KT-XH.
Mặc dù vậy, ông Quốc Anh cũng cho rằng, chúng ta cũng chưa thể tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở 5 năm/lần vì chi phí cho các cuộc tổng điều tra cũng rất lớn. Đó là một trong những lý do vì sao hàng năm, Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra chọn mẫu Biến động Dân số - KHHGĐ, và có những cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ (cũng là điều tra chọn mẫu, tuy cơ mẫu lớn hơn) 5 năm/lần.
Võ Thu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác