07/03/2017 10:00
GiadinhNet - Đây là tác động ước tính đạt được từ dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản được công bố tại lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Tổng cục DS-KHHGĐ và tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International tại Việt Nam (MSIVN) vừa diễn ra chiều ngày 18/3. Theo đó, dự án về chăm sóc sức khỏe sinh sản này sẽ hoạt động trong 5 năm (2015-2020) với sự đóng góp của MSIVN là 5 triệu đô la Mỹ, tương đương 105 tỷ đồng Việt Nam.
Lễ ký kết thoả thuận hợp tác trong Dự án “Tăng cường tiếp cận bền vững dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng tại Việt Nam” có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Viết Tiến; đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), Tổng cục DS- KHHGĐ và cán bộ lãnh đạo của tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ
và bà Nguyễn Thị Bích Hằng - Trưởng đại diện của tổ chức MSIVN tại lễ ký kết
Chương trình hợp tác diễn ra trong 5 năm (2015 - 2020), trong đó MSIVN đóng góp 5 triệu đô la Mỹ, tương đương 105 tỷ đồng Việt Nam và Tổng cục DS - KHHGĐ cam kết đối ứng tối thiểu 50% hoặc hơn cho việc thực hiện chương trình
Mục tiêu tổng thể của chương trình là “góp phần cải thiện sức khỏe sinh sản của người dân Việt Nam thông qua việc tăng cường sự sẵn có và tiếp cận bền vững với các dịch vụ và sản phẩm kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng trong khu vực Dự án”. Kết quả dự kiến của chương trình hợp tác 5 năm này bao gồm: tối thiểu 3 triệu phụ nữ Việt Nam được tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các sản phẩm tránh thai phù hợp và chất lượng; năng lực cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là các biện pháp tránh thai dài hạn và vĩnh viễn của y tế công lập và ngoài công lập trong khu vực Dự án được tăng cường, thông qua việc đào tạo nâng cao năng lực và cấp chứng chỉ cho khoảng 3.000 người cung cấp dịch vụ, chú trọng vào nữ hộ sinh làm việc tại y tế tuyến xã; xây dựng một chiến lược tổng thể phù hợp và khả thi về xã hội hóa các dịch vụ và sản phẩm KHHGĐ, làm nền tảng cho việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện thành công chiến lược Dân số và Kế hoạch hóa gia đình 5 năm tới của Việt Nam.
Ước tính tác động từ cung ứng dịch vụ và sản phẩm KHHGĐ của chương trình hợp tác này bao gồm: hơn 6,5 triệu năm tránh thai được tạo ra cho các cặp đôi. Về nhân khẩu học: ngăn ngừa hơn 3 triệu ca mang thai ngoài ý muốn; hơn 1,7 triệu ca sinh con ngoài ý muốn; ngăn ngừa hơn 800.000 ca chấm dứt thai nghén ngoài ý muốn. Tác động về sức khỏe bao gồm: ngăn ngừa 937 ca tử vong mẹ và hơn 4.500 ca tử vong trẻ em. Về kinh tế, chương trình hợp tác nói trên nếu thành công sẽ góp phần tiết kiệm hơn 155 triệu đô la Mỹ chi phí trực tiếp cho y tế.
Trước năm 2011, 80% tổng cầu phương tiện tránh thai (PTTT) tại Việt Nam được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Từ năm 2011, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ quốc tế chuyển trọng tâm hỗ trợ sang lĩnh vực khác hoặc quốc gia khác, đến nay chưa có nhà tài trợ quốc tế nào cam kết nguồn vốn ODA để hỗ trợ phương tiện tránh thai để cấp “miễn phí” như trước đây.
Trong khi đó, tỉ lệ dân cư có nhu cầu về phương tiện tránh thai chưa được đáp ứng còn khá cao, với tỉ lệ 11,2% trong nhóm phụ nữ đã kết hôn, 22,7% trong nhóm phụ nữ chưa kết hôn, và khoảng 34,3% trong nhóm vị thành niên/thanh niên. Ước tính nhu cầu ngân sách giai đoạn 2011-2020, Việt Nam cần khoảng 3.132 tỷ đồng (150 triệu USD) để mua PTTT phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Tuy nhiên, trong 3 năm 2012-2014, tổng ngân sách phân bổ cho việc mua sắm PTTT chỉ là 254 tỷ đồng, chưa đáp ứng được 1/10 nhu cầu.
Việc thiếu hụt các PTTT trong Chương trình DS-KHHGĐ có thể dẫn tới tăng số phụ nữ mang thai hay số sinh con ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai hay tăng dân số, nhất là vùng có mức sinh cao và chưa ổn định. Tình trạng này sẽ tạo ra gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội đồng thời tạo áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội của Việt Nam.
Với xu thế phát triển nhanh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay, Ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục “bao cấp” cho tất cả các đối tượng, nhất là người có khả năng chi trả, người có sử dụng dịch vụ có chất lượng cao. Trên thực tế, một bộ phận người dân tại khu vực đô thị và nông thôn phát triển đã và đang tự chi trả cho dịch vụ y tế có chất lượng cao, trong đó bao gồm hàng hóa và phí dịch vụ y tế trong lĩnh vực KHHGĐ/SKSS.
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sự hỗ trợ của tổ chức Marie Stopes International ông nhấn mạnh: “Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác ngày hôm nay không chỉ đánh dấu sự phát triển trong quan hệ hợp tác giữa Tổng cục DS-KHHGĐ và MSIVN, giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế, mà còn là bước tiến đầu tiên của chương trình DS-KHHGĐ tại Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT), dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Tuy đây là một bước tiến nhỏ nhưng đóng vai trò lớn khích lệ sự nỗ lực, cố gắng của ngành dân số trong việc thực hiện hóa chủ trương, chính sách xã hội hóa y tế/dân số”.
Hà Anh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác