07/03/2017 10:00
GiadinhNet - Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã khẳng định như vậy tại Hội thảo Đại biểu Quốc hội với chính sách, pháp luật về Dân số chiều 4/6.
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) báo cáo tại Hội thảo. Ảnh: Võ Thu
Hội thảo này do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức nhằm cung cấp, cập nhật các thông tin mới nhất về các vấn đề trong lĩnh vực DS - KHHGĐ Việt Nam hiện nay, cũng như nhu cầu điều chỉnh chính sách, pháp luật về công tác này phù hợp trong thời gian tới. Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tân đã điểm lại các thành tựu trong công tác dân số sau hơn 50 năm thực hiện công tác Dân số, 12 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, những thách thức trong công tác này hiện nay, từ đó đưa ra các khuyến nghị về nhu cầu điều chỉnh chính sách, pháp luật về dân số. Theo đó, dự án Luật Dân số đang soạn thảo sẽ điều chỉnh toàn diện các vấn đề về dân số, chuyển hướng chiến lược dân số - phát triển.
Một vấn đề được các đại biểu rất quan tâm là mức sinh: Từ năm 2006, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam luôn đạt dưới mức sinh thay thế (2,1 con). Tuy nhiên, mức sinh còn có sự khác biệt giữa các vùng miền. Năm 2014, khu vực trung du và miền núi phía Bắc, mức sinh là 2,56 con, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên có mức sinh là 2,3 con. Trong khi đó, mức sinh ở Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long lần lượt là 1,56-1,84 con.
Tại Hội thảo, một số đại biểu đề cập tới vấn đề Việt Nam có nên tiếp tục kiểm soát mức sinh trong tình hình đã đạt mức sinh thay thế từ 10 năm nay và khó tăng mạnh trở lại, hay tiến tới trao quyền cho người dân tự quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh? Ông Nguyễn Văn Tân khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục định hướng trước mắt là duy trì mức sinh thay thế, và nhiệm vụ này không dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Tân nêu dẫn chứng cụ thể: Sau một thời gian mức sinh giảm chậm (2006-2011), từ năm 2011 đến nay, mức sinh có dấu hiệu tăng lên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 3 năm liên tiếp (từ 2011- 2013), tổng tỷ suất sinh lần lượt tăng đều từ 1,99 - 2,05 - 2,1 con. Từ một nguồn số liệu khác là Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS 5), năm 2014 mỗi phụ nữ sinh tới 2,4 con chứ không phải là 2,09 con. Ngoài ra, sau khi bị cắt giảm nguồn ngân sách từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ 2 năm (2013-2014), một bộ phận người dân không còn được hưởng các biện pháp tránh thai miễn phí, tỷ lệ phụ nữ áp dụng biện pháp tránh thai giảm liên tục. Đó là một cơ sở dẫn đến tình trạng mức sinh có tăng lên.
Ngoài ra, Việt Nam luôn coi công tác dân số là một cuộc vận động với mục tiêu, mỗi cặp vợ chồng có 2 con mà chưa có một cơ chế, chế tài, chính sách pháp luật nào khống chế được mức sinh, trừ đảng viên sẽ bị xử lý theo kỷ luật Đảng. Việc vận động người dân sinh ít con (như 2 con hiện nay), chưa xét đến vấn đề quy mô dân số cả nước nói chung mà trước hết là vì lợi ích của từng cá nhân, từng gia đình để nuôi dạy con được tốt hơn. Do đó, thông điệp truyền thông, vận động của ngành Dân số đến từng người dân vẫn là dừng lại ở sinh 2 con.
Cho rằng đây là một giai đoạn nhạy cảm, do đó, sự thay đổi về mặt chính sách, pháp luật về dân số cần hết sức thận trọng, ông Nguyễn Văn Tân khẳng định: Việt Nam sẽ không rơi vào tình trạng suy giảm dân số trầm trọng như kịch bản mà Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã mắc phải.
Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Tuần tới, Quốc hội sẽ biểu quyết chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh cho năm 2015 và 2016 (trong đó có dự án Luật Dân số). Với tinh thần chuẩn bị của Bộ Y tế là cơ quan soạn thảo dự án Luật Dân số, trực tiếp giúp việc là Tổng cục DS-KHHGĐ, chúng tôi muốn dời (thời gian) một chút Luật Dân số vào đầu nhiệm kỳ sau để chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn, có bước đi vững chắc, chuyển biến hơn đối với những chính sách đặt ra trong Luật Dân số”. |
Thu Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác