Chị Nguyễn Thị Thanh Hương - cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ thị trấn Đức Thọ đang kiêm nhiệm đến bốn công việc. Ảnh: Văn Vỵ
100% đều kiêm nhiệm
Hầu hết 262 cán bộ DS-KHHGĐ xã, phường thị trấn tại tỉnh Hà Tĩnh đều kiêm nhiệm thêm nhiều việc. Ông Hồ Sỹ Đồng - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hương Khê cho biết: “Tại Hương Khê có 22 cán bộ dân số thì 100% đều kiêm nhiệm. Trong đó có 19 người kiêm nhiệm các công việc khác như: Văn thư, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Lao động thương binh xã hội, Tài vụ… Ba cán bộ đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Yên, Phú Gia, Phú Phong kiêm công tác DS-KHHGĐ.Thậm chí, có người kiêm thêm ba việc, đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh Hương (cán bộ DS-KHHGĐ thị trấn Đức Thọ). Ngoài nhiệm vụ chính là công tác dân số thị trấn, chị còn kiêm thêm công tác Văn thư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Phụ nữ.
Chị Nguyễn Thị Bích Hồng (cán bộ DS-KHHGĐ xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) chia sẻ: “Làm công tác dân số mà hoạt động thêm bên Hội Phụ nữ hay Hội Chữ thập đỏ thì sẽ phát huy được lợi thế. Khi triển khai công việc, chúng tôi thường phối kết hợp với các ban, ngành đoàn thể khác để tạo nên sức mạnh tổng hợp…”.
Tôi hỏi Nguyễn Thị Thanh Hương, cán bộ DS-KHHGĐ thị trấn Đức Thọ: “Làm sao một lúc em hoàn thành được bốn nhiệm vụ?”- Thanh Hương cho biết: “Em sắp xếp cụ thể kế hoạch không chỉ trong tháng, tuần mà trong từng ngày. Ví dụ tháng 7 vừa rồi, em ưu tiên giải quyết những vấn đề thuộc chế độ, chính sách cho 555 trường hợp được hưởng chế độ xã hội. Về công tác dân số, còn có cả đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ. Em triển khai kế hoạch, giám sát hoạt động của các cộng tác viên, có gì phát sinh thì cùng anh chị em xúm vào giải quyết dứt điểm. Làm ban ngày không xong thì tối về em làm tiếp.Ví dụ như việc cập nhật số liệu dân số trên địa bàn, em vào máy để theo dõi và làm báo cáo vào ban đêm ở nhà. Em thạo tin học nên cũng thuận lợi”.
Chị Phan Thị Luyến - cán bộ dân số xã Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh tâm sự: “Địa bàn tôi phụ trách khá trọng điểm vì có Khu kinh tế Vũng Áng. Ngoài 1.400 hộ với 5.300 nhân khẩu thuộc địa phương, ở đây còn có 8.000 công nhân Khu công nghiệp Formosa và công nhân dầu khí, trong đó có 4.000 người là công nhân ngoại quốc tạm trú. Thực tế này đã nảy sinh nhiều vấn đề buộc đội ngũ làm công tác dân số phải bám sát địa bàn, phối kết hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhằm quản lý chặt chẽ, có những giải pháp kịp thời để giải quyết tình trạng biến động dân số; Đảm bảo an toàn về mọi mặt cho dân cư và nhất là triển khai kế hoạch về công tác DS-KHHGĐ đến từng đối tượng”.
Với đội ngũ cán bộ dân số xã Hương Liên, huyện Hương Khê- nơi có 114 hộ đồng bào Chứt sinh sống, còn có thêm nhiệm vụ vô cùng quan trọng là nỗ lực truyên truyền, ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Đây là công việc khó khăn, đòi hỏi tính nhẫn nại, kiên trì “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà…”.
Tâm tư người trong cuộc
Thông tư 05 của Bộ Y tế ban hành năm 2008 quy định rõ: “Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã là viên chức của trạm y tế...”. Tuy nhiên, do tình hình thực tế tại địa phương nên đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã trên địa bàn Hà Tĩnh chưa được vào biên chế. “Phương án bố trí phụ trách công tác DS-KHHGĐ tại các xã phường, thị trấn” của UBND tỉnh Hà Tĩnh có hướng dẫn: “Yêu cầu UBND cấp huyện giao UBND các xã, phường, thị trấn, tiếp tục rà soát để sắp xếp những người không chuyên trách có khả năng, năng lực, kiêm nhiệm công tác DS-KHHGĐ. Những năm tiếp theo khi có định biên (do có người nghỉ chế độ hoặc nghỉ công tác) thì rà soát trong số cán bộ dân số xã đạt yêu cầu để bố trí người không chuyên trách kiêm nhiệm công tác DS-KHHGĐ phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở”.
Theo đó, cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã gọi là cán bộ bán chuyên trách, được hưởng mức phụ cấp 1.150.000đồng/tháng (trước đó là 1.050.000 đồng/tháng) và thêm 345.000 đồng/tháng/người do UBND tỉnh hỗ trợ. Những cán bộ kiêm nhiệm được hưởng 20% lương chức danh kiêm nhiệm. Như vậy, tổng số tiền 1 tháng của cán bộ DS-KHHGĐ xã, phường thị trấn là trên/dưới 1.500.000 đồng/tháng. Với mức hưởng này, anh chị em không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu.
“Mặt khác, đội ngũ làm công tác này luôn luôn thay đổi. Trong 7 năm, chúng tôi đã chứng kiến nhiều lần biến động. Năm 2015, thêm một biến động nữa khi Trung tâm DS-KHHGĐ huyện lại nhập vào Trung tâm Y tế dự phòng. Mặc dù Tổng cục DS-KHHGĐ đã có Công văn đề nghị Sở Y tế Hà Tĩnh phối kết hợp với Sở Nội vụ xây dựng phương án trình UBND tỉnh thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh, nhưng UBND tỉnh vẫn quyết định sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế dự phòng huyện”. Ông Nguyễn Kiên Quyết - nguyên Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kỳ Anh chia sẻ tâm tư.
Trong vòng 6 năm, tại xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà có đến 3 lần thay đổi cán bộ chuyên trách. Còn tại xã Đức Dũng huyện Đức Thọ trong 2 năm (2014 - 2015) cũng có 3 lần thay cán bộ dân số… Do những khó khăn bất cập như vậy nên năm 2012, tại Hà Tĩnh có đến 189 cán bộ chuyên trách dân số xã nghỉ việc. Hiện nay vẫn có người người tiếp tục xin nghỉ.
“Biết ngỏ cùng ai”?!
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (cán bộ chuyên trách dân số xã Đức Long, huyện Đức Thọ) bày tỏ: “Khi mới sinh con đầu, em còn nhờ được ông bà trông giúp để đi làm. Vừa rồi em sinh thêm cháu thứ hai. Đi làm, công việc nhiều mà thu nhập một tháng chỉ có triệu rưỡi. Tiền thuê người trông con đã gấp đôi số ấy. Dù tiếc đứt ruột công việc, nhưng em cũng phải cắn răng xin nghỉ. Giá như chúng em được biên chế, được hưởng lương, có chế độ bảo hiểm như các công chức cấp xã khác thì vất vả mấy em cũng không nghỉ. Sao ở các tỉnh khác cùng ở miền Trung như Quảng Bình, Nghệ An, cán bộ dân số như chúng em được biên chế, mà Hà Tĩnh mình lại không hả anh?”, chị Hằng băn khoăn. Đây cũng là nỗi băn khoăn của gần 300 cán bộ dân số chuyên trách tại Hà Tĩnh mà “không biết ngỏ cùng ai”?!
Lê Văn Vỵ/Báo Gia đình & Xã hội