Theo ghi nhận, ca sinh 4 đầu tiên nổi tiếng nhất Việt Nam là vào ngày 17/4/1977, tại Bệnh viện Phụ sản trung ương (khi đó gọi là Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương). Sản phụ là bà Bùi Thị Hương ở Hà Nội.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp hình lưu niệm cùng 4 cô gái Bắc, Nam, Thống, Nhất và vợ chồng bà Hương tại phủ Thủ tướng. Ảnh: do gia đình cung cấp.
Khi chứng kiến 4 bé gái lần lượt chào đời, tất cả các bác sĩ và những người có mặt tại bệnh viện đều bày tỏ sự kinh ngạc bởi đây là chuyện hiếm gặp lúc bấy giờ. Bà Hương chia sẻ, năm đó, đất nước cũng mới thống nhất, kinh tế khó khăn, việc nuôi một người con cũng đã rất vất vả, huống hồ bà lại sinh cùng lúc 4 đứa. Tính thêm con gái cả sinh năm 1970 thì bà đã có 5 con.
Bốn chị em Bắc - Nam - Thống - Nhất hồi nhỏ.
Sự việc gây 'chấn động' đến mức các bé được chính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận đỡ đầu và đặt tên là Bắc - Nam - Thống - Nhất.
Sản phụ Bùi Thị Hương kể: "Đúng mùng 2 Tết, bác Phạm Văn Đồng cùng 7 chiếc ôtô đến nhà tôi ở tập thể Trung Tự. Bác cho sữa, đường, quần áo. Mỗi tháng cho mỗi cháu 5 hào (thời đó một yến gạo tương đương 4 hào), sau tăng lên mấy trăm nghìn đồng cho đến khi các con tôi 18 tuổi. Bản thân tôi được bác cho hưởng 2 lương và nghỉ làm trong thời gian các cháu chưa tròn 6 tuổi. Thỉnh thoảng, bác vẫn cho người đón mẹ con tôi vào văn phòng làm việc của bác để chơi".
Sau khi sinh, các bé được Nhà nước đặc biệt quan tâm và hỗ trợ chăm sóc cho đến năm 18 tuổi.
Ca sinh tư Bắc - Nam - Thống - Nhất gây chấn động ngày ấy.
Được hỗ trợ như vậy nhưng quá trình mang thai và nuôi con của bà Hương vẫn vô cùng vất vả. Chặng đường nuôi 4 cô gái song sinh cũng rất vất vả vì Bắc, Nam, Thống, Nhất cứ “ốm cùng ốm, đau cùng đau”. Một ngày người mẹ phải vắt 8 chai sữa to cho con bú. Để đủ sữa, bản thân bà phải ăn uống gấp đôi người thường.
Ngoài sữa, bà còn nấu cháo trộn sữa bò cho các con ăn thêm. Thời bao cấp, đồng lương giáo viên của chồng cộng với lương nhân viên bán thực phẩm của bà không đủ nuôi tới bảy miệng ăn trong căn nhà nhỏ. Nên dù nhà đã đông con, bà Hương vẫn phải làm thêm nghề trông trẻ: “Tôi không thể quên được những tháng ngày vất vả nuôi con đó”.
Bốn chị em Bắc - Nam - Thống - Nhất năm 2005.
Như nhiều cặp sinh đôi, sinh ba khác, bốn chị em Bắc, Nam, Thống, Nhất có rất nhiều điều trùng lặp nhau trong đời sống. Chẳng hạn khi ốm thì cả bốn cô kéo nhau cùng… ốm. Lúc các cô chưa có gia đình, chuyện nhận dạng cho chính xác Bắc, Nam, Thống, Nhất cũng đủ làm các chàng trai hoa mắt. Khi bốn chị em ngồi quay lưng lại để “thử tài của bạn” thì các chàng đành… bó tay.
Hiện các cô con gái của bà đều đã có gia đình riêng, chỉ riêng cô út - Nguyễn Thị Như Nhất vẫn chưa lập gia đình và đang ở với mẹ.
Bà Hương cùng con gái út Như Nhất.
“Ngoài cô út thì các cô khác đã có gia đình ổn định. Hiện tôi đã có 10 cháu ngoại, cháu lớn nhất đã trở thành một giáo viên”, bà Hương vui vẻ nói về các con cháu mình.
Ở lứa tuổi 71, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, bản thân lại đang bị bệnh về tim mạch nhưng bà Hương vẫn cảm thấy mình là người phụ nữ may mắn vì bà đã nuôi nấng được các con khôn lớn, trưởng thành.
Sau ca sinh 4 gây “chấn động” trên, ngày 19/11/1992, Bệnh viện Phụ sản trung ương tiếp đỡ đẻ cho sản phụ tên Nguyễn Thị Mái mang thai 4 ở xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
Chị Mái sinh con khi mang thai được hơn 7 tháng. 4 cô con gái của chị sinh ra đều khỏe mạnh. Đứa đầu nặng 1,2 kg; đứa thứ hai nặng 1,6 kg; đứa thứ ba nặng 1,1 kg và cô con gái út nặng 1,5 kg. Trước khi sinh, vợ chồng chị đều không thể ngờ mình có cùng lúc tới 4 đứa con. Các bé được đặt tên là Hòa - Bình - Hạnh – Phúc và được coi là sự tiếp nối ca sinh 4 nổi tiếng Bắc - Nam - Thống - Nhất trước đó.
Bốn chị em Hòa - Bình - Hạnh - Phúc ngày còn nhỏ.
Chị Mái kể: “Hồi tôi sinh bốn cháu, để ra Hà Nội sinh chỉ có một phương tiện duy nhất là đi tàu hỏa, 1 giờ chiều mới có tàu; 4 giờ 30 ra đến nơi; 6 giờ 30 lên phòng mổ; đến 7 giờ 10 thì xong xuôi”. Khi các con đến tháng thứ sáu, gia cảnh quá khó khăn, chị Mái đi bán cơm nắm, bánh dầy bánh giò khắp phố phường Hà Nội để có tiền mua sữa cho con.
Bốn chị em Bắc - Nam - Thống - Nhất và Hòa - Bình - Hạnh - Phúc hội ngội với nhau trong chương trình "Chuyện lạ Việt Nam" năm 2005. Ảnh: Tuổi Trẻ
Anh Dũng, chồng chị, nhớ về thuở hàn vi: “Nhiều khi nhà túng đến nỗi không biết lấy gì để cho mấy đứa ăn, cái gì cũng thiếu. Tã lót, đồ dùng cũng chỉ chuẩn bị cho một đứa, có ai ngờ…”. Đêm đêm anh thức đến 2 giờ sáng để làm mộc, hai bên nội ngoại đều cố gắng giúp đỡ anh chị chăm sóc các cháu.
Bốn chị em Hòa - Bình - Hạnh - Phúc rất khéo tay.
Giờ đây, cả bốn cô con gái Hòa – Bình – Hạnh - Phúc cũng đã lớn khôn, xinh xắn và khéo tay, nội trợ đảm đang. Kinh tế gia đình anh chị Dũng - Mái cũng đã khá giả hơn trước rất nhiều.
Ngoài hai trường hợp mang thai tư nổi tiếng trên, Việt Nam từng ghi nhận một ca sinh năm vào tối 17/3/2013 ở Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sản phụ Lê Huỳnh Anh Thư (28 tuổi, quận 5, TP HCM) đã sinh 5 em bé gồm ba trai hai gái, lần lượt có cân nặng 2 kg, 1,8 kg, 1,5 kg và hai bé 1,3 kg khi thai nhi đã được 33,5 tuần trong niềm vui mừng của người thân và các bác sĩ tại bệnh viện. Đây là ca sinh 5 duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Bố mẹ các bé gọi lần lượt theo thứ tự ra đời là Cả, Hai, Ba, Tư và Út.
5 em bé đáng yêu trong ca sinh 5 đầu tiên tại Việt Nam lúc mới chào đời.
Đây cũng là hạnh phúc không ngờ tới của vợ chồng chị Lê Huỳnh Anh Thư và anh Nguyễn Thanh Hiếu (trú tại con hẻm 320 Trần Bình Trọng, quận 5, TP HCM). Từ khi sinh 5 bé, kinh tế gia đình khó khăn hơn nhiều nhưng cũng từ đó, tiếng cười đùa, bi bô ê a không ngớt trong gia đình chị Thư anh Hiếu. Đến nay tất cả các bé đã được hơn 2 tuổi, năm đứa trẻ hiếu động, hay làm trò và rất tinh nghịch là niềm hạnh phúc không thể nào hơn của anh chị.
Được biết, trước đó, chị Thư và anh Hiếu cưới nhau 2 năm vẫn chưa có con, vì thế, anh chị đến phòng khám để chữa trị. Sau khi kiểm tra thì mới phát hiện chị Thư bị một hội chứng gọi là buồng trứng đa nang. Anh chị được khuyên nên thụ tinh nhân tạo, tuy nhiên vì kinh tế khó khăn nên vợ chồng chị không thể thực hiện được, bên cạnh đó chị Thư dùng phương pháp kích trứng giao hợp tự nhiên và được cảnh báo sẽ có rủi ro đa thai. Quả thật 2 tuần sau, chị Thư mang đa thai như dự báo.
Ảnh: Phan Cường (VTCNews).
Bác sĩ Cao Hữu Thịnh, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) kể lại: “Tôi cho mời chị Thư và người nhà vào và tư vấn giảm thai để tránh rủi ro". Nhưng sau những ngày tháng đấu tranh tư tưởng, người mẹ đã quyết định chấp nhận khó khăn để giữ lại tất cả những đứa con đang mang trong bụng.
Nhớ lại những ngày mang thai, chị Thư không khỏi rùng mình, những tháng đầu cũng nghén, cũng khó ngủ như những bà bầu khác. Nhưng đến tháng thứ 5, bụng chị bắt đầu to "quá khổ" lúc nào cũng căng cứng như cái trống, chỉ cần một đứa đạp là... anh em chúng cũng đạp theo, nhiều lúc đau thở không nổi chị chỉ biết cố gắng cắn răng chịu mà nước mắt cứ tự nhiên tuôn ra.
5 bé chơi trò đoàn tàu lửa. Ảnh: Phan Cường (VTCNews)
Chị Thư được đưa vào Bệnh viện Từ Dũ (Q.1, TPHCM) trước 16 ngày để chuẩn bị cho ca vượt cạn đầu tiên trong đời với những nguy hiểm đã được dự báo từ trước. Thế nhưng, bằng tấm lòng của một người mẹ từng ngày trông ngóng con của mình, bằng sự hỗ trợ đầy quyết tâm của các y bác sĩ nơi đây, 5 thiên thần chào đời trong niềm hân hoan của cả gia đình, của tập thể y bác sĩ, và cả những người biết đến ca sinh năm đầu tiên của Việt Nam.
Chị Thư chia sẻ, chồng chị là anh Nguyễn Thanh Hiếu (39 tuổi), làm tài xế taxi Mai Linh, lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Mức lương đó chỉ vừa đủ lo cho gia đình, không dư dả gì.
Tuy mệt mỏi, khó khăn nhưng gia đình chị Thư lúc nào cũng đầy tình yêu thương, tiếng cười, và sự hạnh phúc.
Từ khi 5 bé chào đời, chị Thư nghỉ việc để chăm sóc con. Nhà 9 miệng ăn chỉ trông vào công việc lái taxi của chồng. Anh Hiếu tăng ca thường xuyên và về nhà rất muộn. Việc chăm 5 đứa trẻ rất vất vả, khó khăn: “Mặc dù bà ngoại, bà nội, và ba được "huy động" để cùng tôi chăm sóc, thế nhưng đó là những chuỗi ngày thực sự khủng khiếp. Các thành viên trong nhà luân phiên nhau 2 tiếng một lần thức dậy cho 5 đứa bú, thay tã,.. nhưng hết đứa này thì đứa kia thay nhau khóc, mỗi đêm tôi chỉ nằm mơ màng chứ không thể gọi là ngủ. Sợ nhất là mỗi khi có một đứa bệnh là cả bốn đứa còn lại bệnh theo. Có giai đoạn tôi gần như rơi vào khủng hoảng, thế nhưng dần rồi cũng quen, nhìn chúng lớn lên từng ngày vợ chồng tôi thấy rất hạnh phúc, tuy cực chút nhưng vui".
Hiện tại, nỗi lo lớn nhất của chị Thư là chị sắp hết hợp đồng được tài trợ sữa cho 5 bé, tuy công ty của anh Hiếu cũng hỗ trợ anh trong việc nuôi năm đứa trẻ, nhưng theo tính toán của chị Thư thì mỗi tháng chi phí lo cho 5 đứa trẻ cũng hết gần 20 triệu đồng, chưa kể những lúc chúng bị bệnh, chúng đi học. Niềm vui, hạnh phúc có con là thế nhưng gánh nặng kinh tế cũng đeo bám anh chị, khiến cặp vợ chồng phải ngày đêm trăn trở, lo lắng.
Minh Minh (th)/Báo Gia đình và Xã hội