Đó là những chia sẻ thẳng thắn của em Nguyễn Thu Trang (sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Y tế công cộng) khi đề cập về chuyện giáo dục giới tính cho vị thành niên, thanh niên (VTN, TN) tại “Hội thảo tọa đàm với thanh niên về Dự thảo Luật Dân số” do Tổng cục DS-KHHGĐ vừa phối hợp tổ chức với Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số.
Những buổi sinh hoạt, trao đổi kiến thức sức khỏe sinh sản trong nhà trường sẽ giúp học sinh hiểu biết về lĩnh vực này. Ảnh: T.L
Cha mẹ lo “vẽ đường cho hươu chạy”
Đại diện cho VTN, TN trong buổi tọa đàm, Thu Trang đặt ra câu hỏi: Vì sao VTN, TN lại phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng về mặt kiến thức và kỹ năng liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục? Là do các bạn không quan tâm hay là do các bạn không muốn tiếp cận với thông tin, dịch vụ về vấn đề này?
Nhấn mạnh thêm, Thu Trang cho rằng nguyên nhân chính là từ phía gia đình. Cha mẹ hầu hết đều thấy khó khăn khi cần nói chuyện với con mình về vấn đề liên quan đến tình dục và họ dường như phó mặc trách nhiệm này cho nhà trường hay những người khác. Nhiều cha mẹ mong đợi rằng “lớn rồi con sẽ tự hiểu”, “mình không nói rồi sẽ có người khác nói”. Nhiều người còn quan niệm: “Biết sớm, hư sớm”. Nói với trẻ về sức khỏe tình dục là kích thích sự tò mò, “vẽ đường cho hươu chạy”…
Tuy nhiên, dù cha mẹ muốn hay không thì việc VTN, TN nếm “trái cấm” sớm vẫn diễn ra ngoài mong đợi. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 70.000 ca phá thai ở lứa tuổi VTN, TN chưa có gia đình. Chỉ riêng Bệnh viện Phụ sản Trung ương hàng năm có khoảng 5.000 ca phá thai, trong đó có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi, thậm chí có em 15 tuổi đã có 2 lần phá thai. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ này khoảng 18% nhưng tuổi đời của thai phụ trẻ hơn, trung bình 20 tuổi.
Kết quả một cuộc điều tra về VTN, TN Việt Nam cho thấy: Thanh niên có quan niệm cởi mở hơn về quan hệ tình dục trước hôn nhân. Có tới 44% thanh, thiếu niên được hỏi chấp nhận “làm chuyện ấy” trước hôn nhân, trong đó nhóm tuổi 14 – 17 là 36%, nhóm tuổi 18 – 21 là 51% và nhóm 22 – 25 là 54%.
Và hậu quả là nhiều bạn trẻ do thiếu sự hiểu biết về giới tính, sức khỏe sinh sản đã mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi có thai, các em thường không biết cách xử lý phù hợp, thường đến cơ sở y tế khi tuổi thai đã quá lớn. Nếu tiến hành nạo phá thai có thể gây biến chứng nguy hiểm. Do lo sợ sự kỳ thị của gia đình và xã hội, nhiều em đã tìm đến một số dịch vụ phá thai tư nhân không an toàn, dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân.
Nhà trường hời hợt
Trong khi nhiều cha mẹ trông chờ việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho con mình sẽ do thầy cô, nhà trường, đoàn thể thực hiện thì việc giáo dục về vấn đề này tại nhà trường theo ý kiến của đa số bạn trẻ là “còn quá hời hợt”.
Theo Thu Trang và gần 20 VTN, TN có mặt tại buổi tọa đàm thì Chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản trong nhà trường mới chỉ dừng ở mức lồng ghép chút ít kiến thức về sinh học, xã hội. Việc trang bị thông tin, kiến thức, kỹ năng phát hiện nguy cơ, khả năng ra quyết định có liên quan đến sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai an toàn, tránh thai ngoài ý muốn vẫn chưa được chú trọng.
Kiến thức không được cung cấp đầy đủ khiến cho nhiều VTN, TN có quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Các bạn thanh niên cũng cho rằng, với tình trạng thiếu kiến thức và kỹ năng thì nhiều bạn gái chưa chắc đã phát hiện ra mình có thai sớm để có thể tìm đến dịch vụ phá thai an toàn sớm. Do đó, theo các em, nếu thai từ 12 tuần trở lên sẽ bị cấm phá thai trừ một số trường hợp nhất định (theo phương án 1 trong quy định điều kiện quyền và nghĩa vụ về phá thai an toàn của Dự thảo Luật Dân số) “chắc chắn sẽ đẩy các bạn trẻ đến các dịch vụ phá thai không an toàn hoặc tự phá thai”. Các em cũng cho rằng VTN, TN không đáng phải chịu hậu quả nặng nề như vậy khi trách nhiệm đó không phải chỉ từ một phía, trong khi tuổi dậy thì sớm, tuổi kết hôn muộn dần và xã hội đang có những cái nhìn về quan hệ tình dục trước hôn nhân cởi mở hơn… Do đó, trước phương án 2 về vấn đề này của Dự thảo Luật thì đại diện cho các bạn trẻ tại tọa đàm đã cảm ơn Ban Dự thảo Luật vì đưa ra những chỉnh sửa hết sức hợp lý. Cụ thể là không cấm VTN,TN tiếp cận dịch vụ phá thai dù tuổi thai lớn hơn 12 tuần.
Lắng nghe các ý kiến của VTN, TN tại tọa đàm bàn luận về các nội dung Dự thảo Luật Dân số liên quan trực tiếp đến đối tượng này, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá cao sự quan tâm và những ý kiến thiết thực đóng góp cho công tác dân số nói chung và Dự thảo Luật Dân số nói riêng.
Để giảm thiểu tỷ lệ nạo phá thai, ThS Hoàng Thị Bằng, Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần tăng cường cung cấp các biện pháp dự phòng liên quan đến thông tin, giáo dục về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và tiếp cận các biện pháp tránh thai; Khuyến khích sự trao đổi thông tin về sức khỏe sinh sản giữa VTN,TN với gia đình cũng như với nhà trường. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát việc thực hiện hướng dẫn về phá thai an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
Hoàn thiện Dự thảo Luật Dân số
Trong Dự thảo Luật Dân số (gồm 9 chương, 66 điều), bên cạnh những quy định chung về quy mô dân số; Cơ cấu dân số; Chất lượng dân số; Phân bố dân số; Lồng ghép dân số trong phát triển; Biện pháp thực hiện công tác dân số; Quản lý nhà nước về dân số… cũng đưa ra một mục về phá thai an toàn. Theo đó, VTN, TN được ưu tiên trong Chương trình sức khỏe sinh sản, có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục, phá thai an toàn; Bảo đảm sự phát triển của bản thân và quyền, lợi ích của thành viên khác trong gia đình.
Ông Nguyễn Đình Bách – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho hay, theo số liệu của ngành Y tế, nếu giai đoạn 1993-1997 có 1,2 - 1,3 triệu ca nạo phá thai/năm thì hiện nay, chỉ có khoảng 400.000 ca/năm. Tuy nhiên, số liệu này mới chỉ thống kê ở những người đã lập gia đình. Còn thực trạng phá thai ở VTN, TN chưa có thống kê chính thức, toàn diện.
Hà Anh