Tổng cục DS-KHHGĐ đang nỗ lực triển khai mô hình “Chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho công nhân” trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: PV
Cung cấp dịch vụ tận tay cho công nhân
Sau 2 năm thí điểm, mô hình này tuy chưa thể chấm dứt hoàn toàn những vấn đề xã hội phát sinh trong đời sống giới công nhân tại các khu công nghiệp, nhưng đã góp phần cải thiện rõ rệt kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tình dục an toàn, đồng thời trang bị đầy đủ các phương tiện tránh thai hiện đại giúp các nữ công nhân tự bảo vệ mình, tránh những thương tổn tâm sinh lý trong cuộc mưu sinh xa gia đình.
Cuối tháng 9/2015, Hội thảo tổng kết quá trình thực hiện thí điểm mô hình “Chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho nữ công nhân tại các khu chế xuất - khu công nghiệp” đã được Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức tại TPHCM nhằm ghi nhận, đánh giá kết quả đạt được, đồng thời chia sẻ các khó khăn phát sinh tại từng địa phương. Hội thảo còn đặt mục tiêu huy động các nguồn lực nhằm mở rộng phạm vi thực hiện mô hình thiết thực này trên toàn quốc.
Kết quả sau 2 năm thí điểm tại 25 doanh nghiệp thuộc 5 khu công nghiệp ở 3 địa phương đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Không chỉ đối tượng “đích” là các công nhân được hưởng lợi mà nhiều chủ doanh nghiệp cũng đã thay đổi nhận thức và cộng tác chặt chẽ với ngành Dân số trong việc tăng cường truyền thông, cung cấp các dịch vụ KHHGĐ cho người lao động. Mạng lưới tuyên truyền viên chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã được thiết lập tại các khu công nghiệp gồm cán bộ y tế, dân số, trưởng phân xưởng, trưởng dây chuyền sản xuất. Hiện đã có tổng cộng 138 tuyên truyền viên tại các doanh nghiệp thực hiện thí điểm mô hình nhân văn này!
Ghi nhận từ Tổng cục DS - KHHGĐ cũng cho thấy, việc xây dựng các phòng tư vấn SKSS/KHHGĐ đã được hoàn thiện với đầy đủ tài liệu phục vụ công tác tư vấn, cung cấp dịch vụ tận tay.Tính đến nay, khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) đã đưa vào hoạt động 5 phòng tư vấn SKSS/KHHGĐ; ở Nghệ An: 6 phòng; Nam Định: 4 phòng. Trung bình mỗi khu công nghiệp đều có ít nhất 2 phòng tư vấn. Đây là “cơ sở hạ tầng” cần thiết giúp hoạt động chăm lo SKSS/KHHGĐ cho công nhân có “điểm tựa” để triển khai sâu rộng hơn.
Tại Hội thảo chia sẻ về mô hình này, ông Phạm Thành Lập - đại diện Công ty Simone (100% vốn Hàn Quốc, thuộc khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An), đơn vị có gần 6.000 nữ công nhân) cho biết: “Sau 2 năm tham gia thí điểm, mô hình này thật sự rất có ích với công nhân và công ty”. Ông Lập cũng thông tin rằng, đơn vị của ông có cơ sở sản xuất đặt tại khu công nghiệp Tân Hương (tỉnh Tiền Giang) với số lượng công nhân nữ xấp xỉ 6.000 người. Dù không thuộc khuôn khổ tham gia thực hiện mô hình nhưng Ban lãnh đạo công ty đã quyết định áp dụng mô hình chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho công nhân ở đây, vì “nếu sức khỏe công nhân đảm bảo thì hiệu quả lao động sẽ tăng cao”.
“Một thực tế chúng ta cần nhìn nhận, chuyện “góp gạo thổi cơm chung” của nam - nữ công nhân là khá phổ biến, chúng ta cũng không thể cấm được họ. Chính vì lý do này mà tình trạng nạo phá thai ngoài ý muốn là không thể tránh khỏi, việc đó ảnh hưởng rất nặng nề đến sức khỏe của lao động nữ. Do đó theo tôi, mô hình chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho công nhân cần được phát triển, nhân rộng trong tất cả các khu công nghiệp”, đại diện Công ty Simone đóng góp ý kiến.
Nỗ lực của ngành Dân số
Giới lao động tại các khu công nghiệp (đặc biệt là nữ công nhân) đa phần là lao động nhập cư. Cuộc mưu sinh xa gia đình, xa người thân cộng với sự thiếu thốn về kiến thức chăm sóc SKSS, thiếu các kỹ năng “mềm” xử lý tình huống phát sinh trong cuộc sống lạ lẫm nơi đô thị khiến nhiều nữ công nhân bị tổn thương nặng nề về tâm sinh lý, giúp họ tránh được những tổn thương không đáng có, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sống, chất lượng nguồn nhân lực. Đó chính là mục tiêu số một của mô hình “Cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và phương tiện tránh thai cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
“Bên cạnh việc duy trì hoạt động của mô hình tại 3 địa phương, sắp tới ngành Dân số sẽ mở rộng mô hình này tại 20 khu công nghiệp thuộc 7 địa phương khác. Trong nỗ lực lớn hơn, dựa trên các kết quả thực hiện thí điểm, Tổng cục DS - KHHGĐ sẽ phối hợp cùng UNFPA tại Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án trình Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS đối với công nhân các khu công nghiệp trên toàn quốc…”, Phó Tổng cục trưởng Hồ Chí Hùng cho biết. Cũng theo ông Hồ Chí Hùng, dự kiến Đề án này sẽ trình Chính phủ xem xét phê duyệt vào năm 2016.
Một vấn đề cốt lõi trong việc nhân rộng mô hình chính là nguồn lực tài chính. Được biết, kinh phí thực hiện thí điểm trong 2 năm qua được huy động từ 3 nguồn: Chương trình mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ, ngân sách hỗ trợ từ UNFPA và ngân sách đóng góp từ địa phương. Trong đó, chủ lực là ngân sách được trích từ Chương trình mục tiêu Quốc gia. Hiện Tổng cục DS-KHHGĐ đang tích cực tìm sự ủng hộ từ Chính phủ, Quốc hội nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính để duy trì, mở rộng mô hình này.
Những con số ấn tượng
Sau 2 năm thực hiện thí điểm mô hình, khoảng 8.700 lượt công nhân tại 3 tỉnh đã được tư vấn, tiếp cận truyền thông chăm sóc SKSS/KHHGĐ, mỗi công nhân tiếp cận ít nhất một loại tài liệu truyền thông liên quan. Đã tư vấn trực tiếp cho khoảng 2.800 lượt đối tượng; tư vấn cung cấp phương tiện tránh thai cho 2.000 đối tượng; tư vấn khám bệnh cho 1.875 đối tượng…
Mô hình cũng cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 600 đối tượng nam, nữ chưa kết hôn; khám phụ khoa cho 1.738 đối tượng; siêu âm cho 4.833 lượt đối tượng là công nhân nữ; đặt vòng tránh thai cho 95 đối tượng; cấp 136.850 bao cao su miễn phí, 650 đối tượng đã sử dụng thuốc tránh thai.
Thanh Giang/Báo Gia đình & Xã hội