Cán bộ dân số TP Đà Nẵng tư vấn cho người dân kiến thức KHHGĐ, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng GTKS. Ảnh: Dương Ngọc
Nguy cơ gia tăng bất cứ lúc nào!
Những cảnh báo trên không phải là chuyện đùa và cũng không phải là chuyện xa xôi mà chỉ trong vòng khoảng 15 – 20 năm nữa, nếu không có những giải pháp can thiệp kịp thời, khoảng 2,3 – 4,3 triệu nam giới người Việt không có cơ hội lấy vợ là người Việt Nam.
Tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Việt Nam có xu hướng tăng cao từ năm 2008, đến năm 2013 là 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái và đã “hạ nhiệt” còn 112,2 năm 2014. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, đây chưa phải là xu hướng giảm có tính bền vững mà sẽ có nguy cơ gia tăng bất cứ lúc nào.
Cụ thể, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam từ năm 2006 đến nay luôn ở mức trên 110%, liên tục tăng và còn tiếp tục tăng. Năm 2014, 10 tỉnh có TSGTKS cao nhất ở cả nước bao gồm: Quảng Ninh: 124,4; Hưng Yên: 119,5; Lào Cai: 228,4; Hải Dương: 118,3; Bắc Ninh: 117,8: Sơn La: 117,6; Hà Nội 117,3…
Tỉ số giới tính khi sinh cao ở ngay lần sinh thứ nhất cho thấy khát vọng có con trai của nhiều gia đình ở Việt Nam rất mãnh liệt, các bà mẹ đã sớm lựa chọn giới tính của con ngay lần mang thai đầu tiên. Mức độ mất cân bằng GTKS cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình trạng kinh tế khá giả.
Theo ThS Mai Xuân Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ), nguyên nhân trực tiếp được xác định, do lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính như: Áp dụng ngay từ lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn); Trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y), hoặc khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối…) để chuẩn đoán giới tính. Có những trường hợp sẽ phá bỏ thai nhi khi biết là thai gái.
Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp trên còn có nhóm nguyên nhân phụ trợ khác như: Do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con, nhưng các cặp vợ chồng lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, nhiều công việc nặng nhọc như khai thác khoáng sản, đi biển đánh bắt xa bờ… đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai. Do chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, hiện nay trên 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già, họ cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm, trách nhiệm này chủ yếu thuộc về con trai.
“Một trăm đứa khóc như ri, không bằng một đứa nó đi giật lùi”(!)
Hệ lụy của việc mất cân bằng GTKS đã được nhìn rõ ở nhiều quốc gia đã xảy ra tình trạng này. Nhãn tiền của vấn đề này có thể nhìn sang các quốc gia láng giềng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Họ đang phải đối mặt với tình trạng thừa nam, thiếu nữ khiến hàng chục triệu nam giới đến tuổi trưởng thành không có bạn đời để kết hôn. Đàn ông Việt có thể lấy vợ ở nước nào, trong khi các nước láng giềng cũng đang “nhập khẩu” cô dâu của ta? Bên cạnh đó, vấn đề tìm được bạn đời là người nước ngoài cũng không hề đơn giản, không chỉ là sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa mà theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế thì “chúng ta lại không đủ giàu để có thể lấy cô dâu người nước ngoài”. “Một trăm đứa khóc như ri, không bằng một đứa nó đi giật lùi” – tư tưởng sinh con trai để nối dõi tông đường, để thờ cúng… vốn ăn sâu gốc rễ trong suy nghĩ của nhiều người dân, cộng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong việc lựa chọn giới tính thai nhi đã và đang góp phần làm gia tăng tình trạng mất cân bằng GTKS hiện nay.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, tư tưởng, quan niệm của người dân mới là yếu tố chính dẫn đến mất cân bằng GTKS. Ông chỉ rõ, các tỉnh khu vực phía Nam là nơi khoa học công nghệ phát triển mạnh nhưng lại không xảy ra tình trạng này mà chỉ có “tỉnh nào, vùng nào có sự ưa thích con trai thì nơi đó TSGTKS cao”. Theo đó, những tỉnh có TSGTKS cao lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc, đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng. “Có những lúc chúng tôi giật mình hoảng hốt khi đi kiểm tra một số xã, đặc biệt ở các tỉnh, thành ở Đồng bằng Sông Hồng thì có những nơi, TSGTKS lên tới 150 trẻ sơ sinh trai /100 trẻ sơ sinh gái”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chia sẻ.
Tại một hội thảo truyền thông về mất cân bằng GTKS gần đây, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ khẳng định: Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng GTKS là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi sự góp sức, tập trung trí tuệ, sự sáng tạo của những nhà khoa học, nhà quản lý, người tham gia công tác xã hội và của tất cả mọi người quan tâm đến sự phát triển của đất nước, dân tộc. Ông Nguyễn Văn Tân cũng cho rằng, một trong số các giải pháp cần đưa ra là tăng cường lực lượng cộng tác viên cơ sở, đặc biệt cần thiết phải có sự tham gia của các đoàn thể, nhất là thanh niên trong việc tuyên truyền, quảng bá. Để người dân hiểu rằng, tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, đặc biệt, không phải thiếu con gái thì phụ nữ sẽ “có giá” hơn mà tình trạng này sẽ làm tăng thêm sự bất bình đẳng giới.
Mai Anh/Báo Gia đình & Xã hội