Từ đó, hướng tới xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số để cả người cao tuổi và người trẻ tuổi đều được hưởng cuộc sống hạnh phúc và có cơ hội phát triển. Nhân Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam, Báo GĐ&XH đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế ) xung quanh vấn đề này.
Việt Nam đã có Luật Người cao tuổi, có một số tổ chức chuyên chăm lo, phối hợp các cơ quan khác để tiến hành chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này. Ảnh: Dương Ngọc
Lợi thế và thách thức
Xin ông chia sẻ vì sao ngành Dân số lại chọn thông điệp “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” làm chủ đề cho Ngày Dân số Việt Nam năm nay?
- Chăm sóc người cao tuổi (NCT) là một trong những vấn đề lớn mà ngành Dân số Việt Nam đang đặt ra. Đó là thực trạng già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Cùng với việc đạt cơ cấu dân số vàng, Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Do vậy, chọn chủ đề này nhân Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 là để nâng cao nhận thức, sự quan tâm của toàn xã hội về vấn đề này. Từ đó, hướng tới xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số, thích ứng với việc ngày càng có nhiều NCT – những người cần được chăm sóc và phát huy về nhiều mặt để đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tốc độ già hóa của Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, đứng vào tốp 5 những nước già hóa nhanh nhất. Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già trong thời gian ngắn. Chúng ta đã có dự báo nào cho thực trạng này trong thời gian tới, thưa ông?
- Nếu theo dự báo trước đây từ năm 2009, Tổng cục Thống kê dự kiến đến năm 2017 - 2018, Việt Nam mới chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, hay nói theo nhân khẩu học, đó là khi số người từ 65 tuổi trở lên đạt 7% dân số. Tuy nhiên, nước ta đã đạt con số này từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo.
Theo nhân khẩu học, khi số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số nghĩa là bước vào giai đoạn già hóa dân số, khi con số này tăng lên gấp đôi (14%), thì gọi là dân số già. Ở một số nước khác, đặc biệt là các nước phát triển, để đạt được 7-14% số dân trên 65 tuổi cần ít nhất vài chục năm, thậm chí là 100 năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quá trình này chỉ diễn ra từ 17-18 năm.
Nguyên nhân là do Việt Nam đã thực hiện thành công công tác KHHGĐ. Số trẻ em sinh ra giảm đi rất nhanh làm tỷ trọng người cao tuổi tăng lên. Năm 2009, nước ta có 7,4 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Trong đó, số người trên 65 tuổi trở lên đạt 5,8 triệu người. Tuy nhiên, đến năm 2029 (20 năm sau), số người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng lên 16 triệu người (trên 65 tuổi khoảng 9 triệu người). Dự báo đến giữa thế kỷ 21, số người trên 60 tuổi có thể đạt 30 triệu người, chiếm 1/5 dân số. Từ đó có thể thấy, tốc độ già hóa ở nước ta đang tăng rất nhanh.
Thích ứng với xã hội già hóa
Một chế độ dinh dưỡng phù hợp, đời sống tinh thần thoải mái sẽ giúp người cao tuổi kéo dài tuổi thọ. Ảnh: Vĩnh Cát
Già hóa là một xu thế tất yếu của tiến trình dân số và cũng là một lợi thế, tuy nhiên nó cũng đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức. Theo ông, chúng ta gặp những thách thức nào khi bước vào giai đoạn này?
- Trước hết, chúng ta phải thấy đây là một thành tựu. Số NCT tăng lên là do việc chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người dân nói chung và NCT nói riêng tăng lên. NCT đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, nếu có thể phát huy được lợi thế này, họ sẽ góp phần tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, khi số NCT tăng lên, về phương diện kinh tế - xã hội có rất nhiều việc cần làm. Đó là, làm thế nào để đảm bảo an toàn, ổn định của các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm y tế... Với số lượng người hưởng thụ tăng lên như vậy, việc đảm bảo an toàn cho các quỹ này không phải là chuyện dễ dàng. Nếu chúng ta không có giải pháp kỹ lưỡng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, quá trình già hóa dân số diễn ra đồng thời với quá trình hạt nhân hóa gia đình. Do vậy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện rất cao, đặc biệt là đối với NCT. Hơn nữa, có những NCT không thể tự chăm lo cho cuộc sống của mình được, vì thế, làm thế nào để có được một cơ chế, mô hình phù hợp trong điều kiện NCT có thể đáp ứng được cũng là một thách thức lớn.
Khi NCT tăng lên thì nhu cầu và mô hình bệnh tật cũng thay đổi do tỷ trọng những người có bệnh là NCT cao hơn so với trung niên và thanh niên. Ngoài ra, NCT thường gặp tình trạng mắc bệnh tật kép (một người cùng lúc mắc nhiều bệnh), đặc biệt là các bệnh mãn tính, đòi hỏi chữa trị lâu dài và theo dõi thường xuyên. Do vậy, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi để phù hợp với một đất nước có nhiều NCT. Một xã hội có đông NCT hơn sẽ dẫn đến mô hình tiêu dùng thay đổi. Việc tham gia vào quá trình sản xuất cũng sẽ có nhiều biến động. Nhu cầu của nhóm NCT tăng lên… đòi hỏi phải xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa dân số, cả về chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa và sản xuất những hàng hóa và dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu của NCT.
Vậy Việt Nam đã có những giải pháp nào để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, thưa ông?
- Việt Nam đã có luật NCT, có một số tổ chức chuyên chăm lo cho NCT, tổ chức để phối hợp các cơ quan khác nhau để tiến hành việc chăm sóc sức khỏe NCT như Hội NCT, Ủy ban Quốc gia về NCT. Bên cạnh đó, nước ta đã có nhiều cơ chế để huy động NCT tham gia vào quá trình phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần phải làm như làm sao để Luật về NCT ngày càng hoàn thiện hơn, có tính khả thi và phát huy tác dụng trong cuộc sống; quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng cơ sở vật chất, chăm lo cuộc sống của NCT; có chính sách phù hợp để NCT khi hết tuổi lao động vẫn có điều kiện đáp ứng tối thiểu nhu cầu của cuộc sống. Hiện nay, gần 70% NCT không có nguồn thu nhập lương hưu, chủ yếu phụ thuộc vào con cái.
Trước đây, khi mức sinh tăng, số lượng trẻ đông, hệ thống sản khoa và nhi khoa được chú trọng đầu tư phát triển. Tuy nhiên hiện nay, đối với một xã hội có nhiều người già thì cũng cần thay đổi theo hướng chú ý đến hệ thống lão khoa. Trên thực tế, việc này đã và đang được tiến hành. Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan y tế, bệnh viện cần có khoa lão khoa hoặc dành số giường nhất định cho việc chăm sóc NCT. Tuy nhiên, mô hình như thế nào cho phù hợp, tỷ trọng như thế nào thì đúng đắn cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mô hình rất nhân văn
"Với khả năng của mình, Tổng cục DS-KHHGĐ đã xây dựng các mô hình chăm sóc toàn diện NCT dựa vào cộng đồng. Mô hình này đã tiến hành 5 năm qua, được người dân hưởng ứng và thu được nhiều kết quả khả quan.
Già hóa mang đến những cơ hội cũng như những thách thức lớn, đòi hỏi các phương thức tiếp cận mới về y tế, việc làm, tuổi nghỉ hưu và lương hưu, môi trường xã hội và hòa đồng giữa các thế hệ.
Chúng ta đều biết rằng với sự hỗ trợ đúng đắn, NCT có thể tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và đất nước".
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ
Hà Thư/Báo Gia đình & Xã hội