Mới 20 tuổi, nhưng L đã có đến 2 mặt con. Ảnh: Nguyễn Hưng
Héo hon lấy chồng quá sớm
Những ngày cuối năm 2015, chúng tôi vượt gần 300km đến Mường Lát - huyện vùng biên xa nhất tỉnh Thanh Hóa. Cơn mưa nặng hạt giăng phủ khắp núi rừng. Con đường nhỏ bám men theo sườn núi với những "khúc cua tay áo" thót tim, những bản làng nằm nép mình bên sườn núi dường như vẫn chìm trong giấc ngủ vùi.
Đi từ sáng sớm nhưng phải đến 14h, sau khi "vật lộn" trên con đường, lúc tưởng chạm tới mây trời, lúc lại lao xuống vực sâu thẳm, chúng tôi mới đến được “cổng Trời”- nơi có độ cao hơn 700m so với mặt nước biển. Mường Lát hiện ra với vẻ đẹp nguyên sơ như bức tranh thủy mặc. Những bản làng nằm ẩn hiện trong sương núi, những ngôi nhà sàn đơn sơ nhưng trống hơ, trống hoác, những người mẹ trẻ địu con trên lưng với đôi mắt đượm buồn, những đứa trẻ co ro áo mỏng giữa cái rét, bùn đất lấm lem… là những “nốt trầm” khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng. Mường Lát đẹp, thơ mộng nhưng còn nghèo quá! Ở đây, chúng tôi đã gặp và chứng kiến những mảnh đời chịu bao thiệt thòi do nạn tảo hôn.
T. T. L (người dân tộc Mông ở bản Chim, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát) đẹp như đóa rừng e ấp nở giữa đại ngàn. Khi 15 tuổi, nhiều thiếu nữ trong bản đã làm vợ làm mẹ, riêng L khát khao được đi học, được biết cái chữ, được làm cô giáo cắm bản như những cô giáo miền xuôi. Nhiều lần thầy cô cùng cán bộ về tận nhà vận động cha mẹ cho chị em L được đến trường. Tuy nhiên, bố L là một người suốt ngày say khướt, theo ông thì “cái chữ không làm cho bụng no được, chỉ có lên nương làm rẫy mới có cái để ăn”.
Thế rồi ở tuổi 15, L bị "bắt" làm vợ trong một đêm đông. Hôm đó, cô cùng với đám bạn trong bản mặc những bộ váy áo đẹp nhất đi chơi Tết. Sau vài bát rượu ngô chếnh choáng, bước chân của L như đi trên mây. Khi rời nhà bạn, bất ngờ từ trong lùm cây ven đường, một chàng trai nhảy ra chụp lấy cổ tay L kéo đi. Nỗi sợ thoáng qua, L nhận ra người kéo mình là A.D. D hơn cô 2 tuổi, hiền lành, ham việc. L được bạn trai đưa về nhà và bắt đầu cuộc sống làm vợ.
Ngày sinh đứa con đầu lòng, L khóc như mưa vì đau đớn. Em bé nhỏ quá, chỉ nặng 1,5kg khiến việc chăm sóc vô cùng vất vả... Đến năm 17 tuổi, L đã kịp sinh cho nhà chồng hai đứa con. Rồi vợ chồng L được cho ra ở riêng. L chỉ biết ngày ngày lầm lũi cắm mặt vào vạt nương, cặm cụi trong xó bếp… Thiếu nữ tràn đầy sức sống năm xưa giờ đây tàn tạ, héo quắt như một quả táo khô. Đôi bàn tay, bàn chân L hằn những vết nứt nẻ chai sạn, gương măt khắc khổ... là dấu ấn của 5 năm làm vợ, làm mẹ.
Chung tay đẩy lùi hủ tục
Ở Mường Lát vẫn còn nhiều bà mẹ trẻ như L.
Ông Sung Văn Tho - Trưởng ban Dân số xã Nhi Sơn bộc bạch, khá nhiều bà con người Mông ở đây không biết chữ, không nói sõi tiếng Kinh. Chính những điều này đã trở thành trở ngại để bà con hòa nhập với miền xuôi. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách như tuyên truyền, hỗ trợ về kinh tế, an sinh xã hội và ngành Dân số ráo riết truyền thông, vận động, song tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra. Con gái nếu không được đi học thì chỉ khoảng 15 - 16 tuổi đã lấy chồng. Nhiều thiếu nữ có điều kiện theo học cũng bỏ ngang để về nhà lấy chồng cho "bằng chị, bằng em"!
Ông Tho bộc bạch: “Lặn lội ngày đêm đi vận động, đa số bà con đã hiểu ra hậu quả của việc tảo hôn, song vẫn còn có người ngoan cố cho con đi lấy chồng, lấy vợ quá sớm. Thậm chí, tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra. Lấy chồng, lấy vợ sớm khiến sức khỏe sinh sản và tuổi thọ của người Mông bị giảm nhiều lắm!".
Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước thực trạng đáng báo động về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Đây là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc, giảm dần sự chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi.
Ông Lương Văn Tưởng chia sẻ thêm: “Tuyên truyền, vận động thực hiện Đề án là công việc khá khó khăn, nhạy cảm vì liên quan đến những phong tục, tập quán lâu đời của đồng bào nên không thể giải quyết “một sớm, một chiều” mà cần phải có thời gian, sự kiên trì và quyết tâm hành động của các cấp, các ngành”.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến tháng 6/ 2015, toàn vùng miền núi Thanh Hóa đã có 1.207 cặp tảo hôn (bình quân hàng năm có từ 250 đến gần 400 cặp), tập trung chủ yếu ở huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Ngọc Lặc. Nạn tảo hôn đã làm suy giảm về chất lượng dân số, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ và tính mạng của trẻ sơ sinh.
Theo số liệu của Trung tâm DS- KHHGĐ huyện Mường Lát, bình quân hàng năm trên địa bàn huyện xảy ra hàng trăm vụ tảo hôn. Chỉ tính riêng trong năm 2014, toàn huyện có gần 300 trường hợp, chủ yếu là người Mông. Tục "bắt vợ" trong dịp Tết hàng năm của người Mông đang là trở ngại lớn trong việc chấm dứt nạn tảo hôn nơi biên viễn xứ Thanh. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, việc kết hôn vẫn chủ yếu dựa vào phong tục, tập quán cũ. Bên cạnh đó, tâm lý muốn con cái yên bề gia thất sớm, có thêm lao động để giảm bớt khó khăn chính là lý do để nạn tảo hôn vẫn còn có đất tồn tại.
Ngọc Hưng/Báo Gia đình & Xã hội