Việt Nam cần phải đa dạng hóa và xây dựng quan hệ đối tác mới trong lĩnh vực SKSS/SKTD/KHHGĐ, đặc biệt với khu vực tư nhân để cung cấp các dịch vụ cần thiết. Ảnh: Dương Ngọc
Thành công và những thách thức
Năm 2015 là mốc thời gian quan trọng để Việt Nam đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, cũng là năm kết thúc giai đoạn đầu thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2010-2020.
Trong những năm qua, được sự chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước, công tác dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chỉ số về lĩnh vực này của Việt Nam đã đạt được khá tốt so với nhiều quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương tự. Chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng được cải thiện rõ rệt thông qua tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ, tỷ lệ phụ nữ được khám thai, tỷ lệ sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, tỷ lệ sàng lọc và chẩn đoán sơ sinh…
Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cũng đang đối diện với nhiều vấn đề mới nảy sinh, nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu của Chiến lược cũng như Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Đó là mức sinh còn rất khác biệt giữa các vùng miền, tỉnh, thành phố. Tỉ số tử vong mẹ và tỉ suất chết trẻ em cũng còn rất nhiều khác biệt giữa các vùng miền. Tử vong mẹ ở miền núi vẫn gấp 3 lần vùng đồng bằng và ở những tỉnh cao nhất có thể gấp tới 10 lần so với tỉnh thấp nhất. Tử vong sơ sinh vẫn còn cao, chiếm 70% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi. Gánh nặng kép về dinh dưỡng đã xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn: Suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi tồn tại đồng thời với tình trạng thừa cân béo phì có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ người dân sử dụng các biện pháp tránh thai ở mức cao nhưng có dấu hiệu chững lại. Tỷ lệ nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục - HIV và ung thư đường sinh sản còn cao. 1/3 thanh niên vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đầy đủ thông tin và dịch vụ về chăm sóc SKSS/SKTD...
Tăng cường hỗ trợ các nhóm người dễ tổn thương
Để giải quyết những vấn đề trong lĩnh vực SKSS/SKTD và đạt được mục tiêu phổ cập SKSS/SKTD cho người dân, tại Hội thảo “Định hướng ưu tiên Quốc gia về SKSS/SKTD và KHHGĐ giai đoạn sau năm 2015, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chỉ rõ: Việt Nam cần tìm ra cách tiếp cận chiến lược và sáng tạo mới, trong bối cảnh số lượng hỗ trợ từ bên ngoài ngày càng giảm sút.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, cần xây dựng các chương trình và can thiệp SKSS/SKTD có hiệu quả kinh tế, phù hợp với văn hóa và tôn trọng quyền con người, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương. Theo đó, ngành Y tế cần mở rộng và xây dựng quan hệ đối tác công - tư trong lĩnh vực SKSS/SKTD để tăng cường cung cấp các dịch vụ cần thiết và chất lượng cho cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Các ưu tiên về SKSS/SKTD và KHHGĐ sẽ là cơ sở để ngành Y tế xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch 5 năm và Chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản trong giai đoạn 2016 - 2020; đặc biệt trong bối bối cảnh Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, các ưu tiên này cần được lồng ghép vào các chính sách và chương trình của Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ trong, ngoài nước và các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn sau năm 2015”.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, các ưu tiên về SKSS/KHHGĐ cần tập trung vào các chính sách và các biện pháp can thiệp giúp giảm thiểu sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS đối với người dân tộc thiểu số, người di cư, người trẻ tuổi và những người đang sống ở các vùng khó khăn, khó tiếp cận. “Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, đòi hỏi chúng ta phải tìm cách tiếp cận chiến lược và sáng tạo mới trong lĩnh vực SKSS/SKTD. Các cách tiếp cận thông thường hiện nay không còn phù hợp với một đất nước năng động và thay đổi nhanh chóng như Việt Nam. Chúng ta cần phải đa dạng hóa và xây dựng quan hệ đối tác mới trong lĩnh vực SKSS/SKTD/KHHGĐ, đặc biệt với khu vực tư nhân để cung cấp các dịch vụ cần thiết”, bà Astrid Bant nói.
Cũng theo bà Astrid Bant, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tăng cường hơn nữa tiếp cận tới SKSS/SKTD ở Việt Nam, bao gồm KHHGĐ. Đầu tư cho tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ SKSS là một đầu tư quan trọng vì xã hội khỏe mạnh và tương lai bền vững hơn.
Các định hướng ưu tiên
- Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các khu vực có tỷ lệ tử vong mẹ đạt tới mức thấp, tăng cường tiếp cận dịch vụ kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ ở những vùng có tỷ lệ tử vong mẹ duy trì ở mức độ cao.
- Phối hợp với các nhà cung cấp viễn thông tư nhân để chủ động cung cấp thông tin cho thanh, thiếu niên và thanh niên chưa lập gia đình; cải thiện sự hợp tác giữa các cơ sở công và tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ thân thiện và các biện pháp phòng tránh thai; xây dựng các chính sách riêng cho SKSS/SKTD và tăng cường cơ chế hợp tác đa ngành trên lĩnh vực SKSS/SKTD của thanh niên; đẩy mạnh sự tham gia của thanh, thiếu niên trong việc xây dựng, thực hiện giám sát các dịch vụ về SKSS/SKTD và các can thiệp.
- Cải thiện các phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trong việc cung cấp các dịch vụ KHHGĐ, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho một hệ thống đảm bảo chất lượng về biện pháp tránh thai, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các chính sách để hỗ trợ sự tham gia của khối tư nhân và phi chính phủ trong việc cung cấp các dụng cụ tránh thai và dịch vụ KHHGĐ; mở rộng và hoàn thiện cơ chế tài chính cho các dịch vụ KHHGĐ để đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh và đa dạng hóa các biện pháp tránh thai.
4 Xây dựng chiến lược toàn diện quốc gia và các chính sách về phòng, chống và kiểm soát bệnh ung thư sinh sản, xây dựng các chính sách và cơ chế tài chính để cải thiện việc phân bổ các nguồn lực và lồng ghép các chương trình phòng, chống và kiểm soát ung thư sinh sản vào các chương trình quốc gia về phòng chống các bệnh không truyền nhiễm, các chương trình sức khỏe tại trường học và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các bệnh ung thư sinh sản.
- Tăng cường hệ thống y tế, cải thiện các mối liên kết và lồng ghép vấn đề HIV với SKSS/SKTD trong các chính sách, các chương trình và dịch vụ ở tất cả các cấp, hoàn thiện các chính sách và biện pháp can thiệp cho thích hợp về mặt văn hóa, đảm bảo cung cấp dịch vụ SKSS/SKTD có chất lượng, mang lại sự hài lòng cho khách hàng.
Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội