Sáng 13/4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình Mục tiêu quốc gia ngành y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020.
Báo cáo kết quả thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia ngành Y tế giai đoạn 2011-2015, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Y tế được giao thực hiện 4 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm:
y tế; Chương trình mục tiêu quốc gia An toàn vệ sinh thực phẩm; Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhiều Bộ, ngành, địa phương. Ảnh: Chí Cường.
“Sau 5 năm chương trình đã đạt và hoàn thành được nhiều chỉ tiêu đặt ra. Chương trình đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của người dân về ý thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Ý thức và nhận thức của người dân về tầm quan trọng trong công tác phòng bệnh, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình ngày càng được nâng cao” – ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh.
Đơn cử, trong Chương trình mục tiêu quốc gia y tế, 100% (63/63) tỉnh, thành phố đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong, trên 50% số huyện/thị xã trong cả nước không còn bệnh nhân phong mới trong 5 năm, 90% bệnh nhân phong bị tàn tật được phẫu thuật, phục hồi chức năng và 85% bệnh nhân phong tàn tật được săn sóc tàn tật.
Kết quả về bệnh sốt xuất huyết: Ngành y tế đã hoàn thành mục tiêu giảm 18% tỷ lệ mắc/100.000 dân do sốt xuất huyết so với trung bình giai đoạn 2006-2010 (giai đoạn 2006-2010 là 119,06%); Duy trì tỷ lệ chết/mắc do sốt xuất huyết xuống dưới 0,09%.
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế luôn duy trì được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt >90%. Trên 90% nữ 15-35 tuổi được tiêm đủ mũi vaccine uốn ván và trên 90% trẻ được tiêm mũi 2 vaccine sởi; hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trên toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay, đạt tỷ lệ 98%.
Ngoài ra, Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS, trong giai đoạn qua, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng được duy trì dưới 0,3% dân số, trong đó đạt cả 3 tiêu chí: giảm số nhiễm mới, số chuyển sang AIDS và số tử vong vì AIDS.
Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng dân số được khống chế ở khoảng 1,05%/năm, quy mô dân số năm 2015 là 91,7 triệu người đạt mục tiêu để ra (<93 triệu người), mô hình gia đình ít con ngày càng được chấp nhận rộng rãi.
Ông Hồ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Chí Cường
Báo cáo tham luận Mục tiêu và các giải pháp thực hiện công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020, ông Hồ Chí Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã điểm lại những kết quả nổi bật mà ngành DS-KHHGĐ đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015 nhờ Chương trình MTQG DS-KHHGĐ.
Tuy nhiên, ngoài mục tiêu về quy mô dân số đã đạt mục tiêu đề ra, và chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh có khả năng đạt được (dưới 113 trẻ trai/100 trẻ gái vào cuối năm 2015), thì các chỉ tiêu còn lại như mục tiêu giảm tỷ lệ sinh, tổng tỷ suất sinh, số tỉnh đạt mức sinh thay thế; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại… đều không đạt mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do kinh phí đầu tư bị cắt giảm mạnh, tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ không ổn định…
Điển hình là trong chỉ tiêu tổng tỷ suất sinh. Trong các năm 2010-2014, lần lượt tổng tỷ suất sinh là 2,01 – 1,99- 2,05 – 2,1 – 2,09 con/phụ nữ. Năm 2015m nếu được đầu tư đúng mức và triển khai mạnh, đồng bộ các giải pháp, tổng tỷ suất sinh có thể giảm xuống 2,05 con và đạt mục tiêu tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, nhưng lại không đạt mục tiêu 1,9 con như trong kế hoạch đến cuối năm 2015 đã đề ra.
Dịp này, ông Hồ Chí Hùng cũng nhấn mạnh đến các vấn đề cấp bách của công tác DS-KHHGĐ cần giải quyết trong giai đoạn 2016-2020 gồm: Mức sinh có dấu hiệu tăng lên, đồng thời khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa các khu vực chưa được khắc phục.
Nhu cầu sử dụng phương tiện tránh thai tiếp tục tăng lên trong khi thói quen được bao cấp các phương tiện và dịch vụ tránh thai của người dân chưa có chuyển biến nhiều. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho cung cấp phương tiện tránh thai eo hẹp.
Một vấn đề rất cấp bách khác được nhiều đại biểu đồng tình là tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng cao, ngày càng lan rộng, tính chất hết sức nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng của người dân về các chương trình nâng cao chất lượng dân số đầu đời thông qua việc tầm soát bệnh, tật trước sinh tăng mạnh trong thời gian qua và sắp tới, trong khi các chương trình này lại chưa có khả năng mở rộng…
Ngành Dân số xác định, bước vào giai đoạn 2016-2020, chính sách về dân số tiếp tục hoàn thiện. Mục tiêu ưu tiên của công tác DS-KHHGĐ từ chỉ tập trung vào “kiểm soát quy mô dân số” thông qua việc thực hiện KHHGĐ sang thực hiện đồng bộ các can thiệp về điều chỉnh quy mô dân số, giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số về thể chất.
Giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, được Hội đồng thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể gồm Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, gồm 8 dự án thành phần, trong đó, có dự án Dân số và phát triển với mục tiêu chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất lượng dân số về thể chất; Khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh. Nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng và chăm sóc nười cao tuổi. Giảm tử vong và tình trạng suy dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em, thu hẹp chênh lệch giữa các vùng miền về các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Bộ Y tế cũng đề xuất chương trình Mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016-2020.
Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội