07/03/2017 08:18
“Báo cáo phát triển con người, 2011” do UNDP công bố mới đây cho thấy, Việt Nam xếp thứ 128 trên 187 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Báo cáo phát triển con người, 2011” do UNDP công bố mới đây cho thấy, Việt Nam xếp thứ 128 trên 187 quốc gia và vùng lãnh thổ, mức trung bình trên thế giới, về chỉ số phát triển con người (HDI-Human Development Index) nhưng lại xếp thứ 48 trên thế giới về chỉ số bất bình đẳng giới (thứ hạng càng gần 0 càng thể hiện sự bình đẳng cao). Theo đó, chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc trong việc thực hiện bình đẳng giới.
|
Bản đồ thế giới về chỉ số bất bình đẳng giới, 2011. Nguồn: C-hartsBin. Số liệu được sử dụng từ nguồn của UNDP |
HDI và GII
Chỉ số HDI được tính toán dựa vào các chỉ báo về triển vọng sống khi sinh (LEB-Life Expectancy at Birth) hay còn được gọi nôm là tuổi thọ bình quân, chỉ báo về trình độ học vấn và thu nhập bình quân đầu người. Chỉ số bất bình đẳng giới (GII-Gender Inequality Index) để đo lường sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trong một quốc gia hay vùng lãnh thổ. Giá trị đo lường được tính trong khoảng từ 0-1. GII càng tiệm cận điểm 0 thì mức độ bất bình đẳng càng thấp, tức càng bình đẳng và càng tiệm cận điểm 1 thì mức độ bất bình đẳng càng cao. GII của quốc gia nào gần 0 nhất sẽ xếp thứ nhất, tức mức độ mất bình đẳng thấp nhất hay mức độ bình đẳng cao nhất.
GII được tính toán dựa trên các chỉ báo: Tỷ suất chết mẹ, tỷ suất sinh của vị thành niên, tỷ lệ phần trăm phụ nữ trong cơ quan lập pháp, trình độ học vấn tính từ cấp 2 trở lên chia theo giới, tỷ lệ tham gia lao động chia theo giới, các chỉ báo về sức khoẻ sinh sản gồm tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai, tỷ lệ ít nhất khám thai một lần trong thời kỳ mang thai, tỷ lệ trường hợp sinh có nhân viên y tế chăm sóc và chỉ số về tổng tỷ suất sinh.
Những biến chuyển ngoạn mục của Việt Nam
“Báo cáo Phát triển con người, 2011” của UNDP cũng cho thấy, xu hướng GII của Việt Nam là liên tục giảm từ 1995-2011. Điều đó cho thấy mức độ bình đẳng giới của Việt Nam tăng lên rõ rệt trong thời gian.
|
Biểu 1: Xu hướng GII Việt Nam 1995-2011. Nguồn: UNDP, Báo cáo Phát triển con người 2011. |
So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 7/11 nếu xét về chỉ số HDI, nhưng nếu xét về chỉ số GII, Việt Nam lại đứng thứ 3, sau Singapore và Malaysia. Như vậy, có thể nói, mặc dù chỉ số phát triển con người của Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực nhưng mức độ bình đẳng giới của Việt Nam luôn thuộc những nước hàng đầu khu vực.
|
Bảng 1: So sánh thứ hạng HDI và GII của Việt Nam và các nước ASEAN, 2011. Nguồn: UNDP, Báo cáo phát triển con người, 2011. |
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và phát huy bình đẳng giới
Ngay từ ngày đầu mới lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố:“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hiếp pháp 1946, đã ghi nhận “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều 1).“Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9).
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành suối nguồn nghĩa tình sâu nặng, trân quý các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Người đã ôn lại truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam với hình ảnh Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân thủa trước “cho đến nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”[1]. Tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm Tốt” vào ngày 30-4-1964, Người đã khẳng định “Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”1. Trong cuộc Tuyển cử phổ thông đầu phiếu ngày 6-1-1946, Người vui sướng nói "Phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất"[2]. Trong bản di chúc viết tháng 5 năm 1968, Người đã căn dặn: "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ"[3]
Kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và thực hiện những lời di huấn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo và thực hiện bình đẳng giới, nhiều văn bản chính sách đã được ban hành như: Nghị quyết số 152-NQ/TW ngày 10/01/1967 “Về một số vấn đề về tổ chức công tác phụ vận”, trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ như “phân bố, sử dụng hợp lý sức lao động phụ nữ trong nông nghiệp, hướng dẫn thực hiện quyết định của chính phủ về sử dụng lao động phụ nữ trong công nghiệp”; “Tăng cường việc tổ chức đời sống, bảo vệ sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em”. Nghị quyết số 153-NQ/TW ngày 10/01/1967 về “Công tác cán bộ nữ”; Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 07/6/1984 “Về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ"; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới"; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 29/9/1993 về “Một số vấn đề về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”; Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước"[4]… Một trong những văn bản quan trọng không thể không nhắc đến, đó là Hiến pháp 1992 đã quy định: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; Nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ” (Điều 63). Trong thời gian qua, hàng loạt các văn bản pháp luật của Nhà nước đã được ban hành nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội và thực hiện bình đẳng giới như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Dân số... và không thể không nhắc đến là Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
“Báo cáo phát triển con người năm 2011” cho biết tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp của Việt Nam là 25,8%. Theo Tổ chức Liên minh Nghị viện thế giới (Inter-Parliamentary Uni-on) thì Việt Nam đứng thứ 40 trong tổng số 188 nước trên thế giới về tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp (số liệu tính đến ngày 30/11/2011 trên cơ sở báo cáo của cơ quan lập pháp các nước). So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 3, sau Timor Leste và Lào. |
Bản đồ thế giới về tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp, 2011. Nguồn: Gender Debate |
Trang tin Nhóm Nữ nghị sỹ Việt Nam (thuộc Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) và website Quốc hội cho biết, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở nước ta liên tục tăng lên trong thời gian qua và duy trì ở mức cao. Tỷ lệ này đã tăng từ 3% (Quốc hội khoá I từ 1946-1960) đến trên 24% Quốc hội khoá XIII (2011-2016).
|
Biểu 2: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội từ Khoá I-XIII. Nguồn: Quốc hội Việt Nam, www.na.gov.vn. |
Không chỉ chiếm tỷ lệ cao trong cơ quan lập pháp, phụ nữ Việt Nam còn tham gia, nắm giữ những vị trí quan trọng và đóng góp tích cực trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp… Phụ nữ Việt Nam cũng có một tổ chức chính trị riêng của mình đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được ra đời (ngày 20/10/1930)[5] từ trước cách mạng Tháng 8 năm 1945 hoạt động vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Tổ chức này với hàng chục triệu hội viên hoạt động rộng khắp trên cả nước từ trung ương đến địa phương và tận các thôn, buôn, sóc, bản, làng.
Bình đẳng giới trong các lĩnh vực xã hội
Kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và thực hiện những lời di huấn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo và thực hiện bình đẳng giới, nhiều văn bản chính sách đã được ban hành… |
Theo “Báo cáo phát triển con người, 2011” của UNDP, trình độ học vấn của phụ nữ Việt Nam (từ 25 tuổi trở lên) đã hoàn thành chương trình giáo dục cấp 2 trở lên là 24,7% so với 28% là của nam giới. Như vậy, mức độ chênh lệch giữa nam và nữ về giáo dục ở nước ta không nhiều. Theo Kết quả chủ yếu của Điều tra Dân số-KHHGĐ 1/4/2011 của Tổng cục Thống kê (TCTK) thì tỷ lệ biết chữ của nam giới là 96,2% và của nữ giới là 92,2% (từ 15 tuổi trở lên). Trang Wikipedia dẫn nguồn từ website Quốc hội thì tại Việt Nam, cứ 100 cử nhân có 36 nữ, 100 thạc sĩ có 34 nữ, 100 tiến sĩ có 24 nữ. Để tôn vinh các nhà khoa học nữ, 25 năm qua, giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành một giải uy tín lớn trong giới khoa học Việt Nam được trao cho hàng chục cá nhân, tập thể. Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ “Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam” nhằm khuyến khích và tôn vinh phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực.
Khi phụ nữ có học vấn, học vấn cao sẽ mở ra các cơ hội cho họ về việc làm, thu nhập, cơ hội tiếp cận về y tế, kế hoạch hoá gia đình hay tham gia lĩnh vực chính trị. Chính vì thế, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Mở cánh cửa giáo dục là mở ra các cơ hội mới.
Theo UNDP, tỷ lệ nữ tham gia lao động của Việt Nam là 68% và nam giới là 76%. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 của TCTK thì tỷ lệ nữ tham gia lao động là 46,6% trong tổng số lao động. Như vậy, tỷ lệ nữ Việt Nam tham gia lao động gần bằng nam giới. Đáng chú ý là báo cáo “Bình đẳng giới và Phát triển” (Gender equality and Development) của World bank được công bố mới đây thì tỷ lệ phụ nữ (30%) tham gia lao động trong lĩnh vực dịch vụ lại cao hơn nam giới (26%). Có trên 20% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam do phụ nữ làm chủ, chủ yếu thuộc về khu vực thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản[6]. Nhiều tấm gương phụ nữ trẻ làm kinh tế giỏi không những chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp được nhiều cho xã hội. Theo UNDP thì tại Việt Nam nếu nam giới kiếm được 1$ thì nữ giới sẽ kiếm được 0,69$ (số liệu năm 2007). Điều này khác xa so với nhiều nước trên thế giới. Khi phụ nữ có việc làm, họ sẽ có thu nhập và mang đến sự tự chủ về kinh tế, sự chia sẻ các quyết định trong gia đình và các cơ hội bình đẳng hơn đối với phụ nữ.
|
Bản đồ thế giới về tỷ lệ thu nhập giữa nam và nữ. Nguồn: Commons.wikimedia.org, số liệu năm 2007. |
Điều tra Dân số-KHHGĐ 1/4/2011 của TCTK cho thấy tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của phụ nữ 15-49 tuổi năm 2011 là 78,2%, trong đó các biện pháp tránh thai hiện đại là 68,6%; tổng tỷ suất sinh là 1,99 con. Tỷ lệ các bà mẹ khám thai từ 3 lần trở lên trong thời kỳ mang thai là 76%. Nếu theo tiêu chí của UNDP (ít nhất 1 lần khám thai) thì tỷ lệ này của Việt Nam là 93,8%. Thành công của chương trình DS-KHHGĐ trong thời gian qua đã mang đến nhiều cơ hội lớn cho phụ nữ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các quyền, dịch vụ về y tế-dân số-KHHGĐ. Cũng theo TCTK, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi năm 2011 của Việt Nam là 15,%o.
Theo WHO và UNDP thì tỷ suất chết bà mẹ của Việt Nam là 56 (trên 100,000 trẻ sinh ra sống). Số trường hợp sinh có sự giúp đỡ của cán bộ y tế là 88%. Mức chết giảm cùng với việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước tốt hơn đã làm tuổi thọ của người dân ngày một tăng, trong đó, tuổi thọ của phụ nữ luôn cao hơn nam giới. Theo 2011 World population data sheet thì tuổi thọ của phụ nữ Việt Nam hiện nay là 76 và nam giới là 70 tuổi.
Với truyền thống đạo lý dân tộc Việt, với những phẩm chất ưu việt của phụ nữ Việt Nam, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng và thiết thân hơn cả là sự vươn lên mạnh mẽ của mỗi cá nhân, phụ nữ Việt Nam đã, đang và ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế người phụ nữ. |
Ths. Lương Quang Đảng
Nguồn: giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác