07/03/2017 08:18
Nếu không có "biến cố", thì những đứa trẻ này đã và sẽ là những chú “rồng con”.
|
Các điều dưỡng viên chăm sóc trẻ sinh non tại Khoa sơ sinh - Bệnh viện Nhi Tư (ảnh chụp 9h 30 ngày 8/2/2012). Ảnh: H.T. |
Nhưng vì nhiều lý do, một số bé đã không thể chạy đua cùng cha mẹ - những người "ép" mình phải "cố đẻ" con năm Thìn - phải vội vã chào đời. Nhiều bé được sinh ra quá non nớt ở tuổi thai 6 - 7 tháng, nặng từ 700g - 1,1 kg đang cố giành giật lấy sự sống của mình…
Rồng “hụt” hóa “mèo hen”
Không được may mắn như nhiều đứa trẻ khác, bé Gia Bình (TP Vinh, Nghệ An) đã phải cố gắng từng giờ, từng phút ngay từ khi lọt lòng để giành lấy sự sống mong manh của mình. Lọt lòng ở tháng thứ 7 nặng 700g, với van tim chưa đóng, thân nhiệt quá thấp, bác sĩ tiên lượng khả năng sống của bé là rất thấp. Gia đình đã quyết tâm "còn nước, còn tát" chuyển bé lên BV Nhi TƯ.
"Nó là cháu trưởng đích tôn của gia đình nhà tôi đấy. Nếu tính đủ tháng, đủ ngày cháu được sinh vào cuối tháng này và là "con rồng" đấy" - bà Nhung, bà nội của Gia Bình cho biết. Theo tâm sự của bà, Gia Bình là đứa cháu được cả gia đình trông đợi. Cách đây 2 năm, khi con trai trưởng kết hôn, đi xem bói thấy thầy nói nếu con trai bà sinh được quý tử năm Thìn thì sự nghiệp rất tốt - gia đạo hưng thịnh; cuộc đời con cháu cũng sẽ rất sán lạn(?!) - bà đã quán triệt con trai con dâu phải kế hoạch, chờ thời cơ, cấm "manh động". Theo đúng sự tính toán, con dâu bà mang bầu, dự kiến sinh con vào tháng 2 (âm lịch là tháng 1 Nhâm Thìn). "Ai dè rồng chẳng phải, lại trở thành mèo "hen" - bà Nhung rầu rĩ.
Ôm đứa con đang thở khó nhọc, lờ đờ, chị Minh (Tam Nông, Phú Thọ) mắt đỏ hoe. Cháu Hùng Dũng, con chị sinh non ở tháng thứ 7 được 1,3 kg. Theo chẩn đoán của bác sĩ, cháu mắc bệnh tim bẩm sinh, mắt còn có khả năng bị mù, vào viện được gần 2 tháng nhưng cân nặng của cháu chỉ nhích lên vài lạng. Tuần tới, cháu được xếp lịch mổ tim trước rồi điều trị mắt sau.
Chị tâm sự, cả hai vợ chồng đều nghèo, quanh năm đói kém. Nghe mọi người bảo do nhà đẻ đứa đầu "sai luật", vừa khắc bố vừa khắc mẹ nên không ngóc đầu nên được, vợ chồng chị bàn tính sinh con tuổi Nhâm Thìn cho đời "cất cánh". "Đúng là người tính không bằng trời tính, chưa kịp "cất" thì cánh đã gẫy rồi. Em thương con quá, thương cả con bé ở nhà nữa. Chồng em vừa đi làm thuê vừa trông con lớn, chẳng có điều kiện thăm nom hai mẹ con. Nhờ trời, nhờ các bác sĩ cháu đã qua cơn nguy hiểm. Nhưng con em thế này, gia đình nghèo túng, khổ quá bác ơi" - chị Minh quệt nước mắt nhìn con.
Rồng "kém" chất lượng
Theo BS Lê Tố Như - Phó Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi TƯ mỗi ngày có từ 15 - 20 trẻ sơ sinh nhập viện vào Khoa. Trong số trẻ hiện đang nằm tại Khoa có tới 50% là trẻ sinh non, thiếu tháng. Nếu không có "biến cố", thì phần lớn những đứa trẻ này đã và sẽ là những chú “rồng con”.
Trẻ bị sinh non này không phải tất cả các bé đều do bố mẹ cố "ép" sinh năm Thìn nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, một số bé được kỳ vọng và được "đặt mục tiêu" sinh ra trong năm nay đã không thể chạy đua cùng cha mẹ phải vội vã chào đời. Nhiều bé được sinh ra quá non nớt ở tuổi thai 6 - 7 tháng, nặng từ 700g - 1,1 kg đang cố giành giật lấy sự sống của mình... Có bé "đạt tiêu chuẩn" sinh vào những ngày đầu năm Nhâm Thìn này nhưng vì mẹ đẻ dày, sức khỏe yếu, có bệnh chưa điều trị dứt điểm đã mang thai nên con bị sinh non, còi cọc, mắc các bệnh bẩm sinh.
Ở phòng đặt lồng ấp và giường hồi sức của Khoa, số bé sinh non trên dưới 1 kg nằm kín. Điều dưỡng trưởng Lê Thị Hòa Bình cho biết, số trẻ cần được chăm sóc tại phòng này luôn cao hơn số giường hồi sức và lồng ấp mà Khoa Sơ sinh có. Nhìn các y tá, điều dưỡng túc trực 24/24, theo dõi từng chỉ số báo trên máy, thay nhau chăm sóc các cháu đến quá 3 giờ chiều mới được ăn trưa và nhìn những sinh linh bé nhỏ đang cố huơ đôi bàn tay nhỏ xíu để nắm giữ sự sống mới thấy hết được giá trị của sự sống.
"Em không dám cầu mong sinh được "quý tử" mà chỉ có một cầu mong duy nhất là con em sinh ra được khỏe mạnh, bình thường" - chị Hiền (Cẩm Giàng, Hải Dương), có cháu sinh non phải nằm viện, đang mang thai ở tháng thứ 3 tâm sự. Trước sự sống còn mong manh của nhiều đứa trẻ và nghe mong ước giản dị của người sắp làm mẹ này mới thấy hết được giá trị của niềm mong ước "mẹ tròn con vuông". Chị Hiền cho biết thêm, mình đang mang thai đứa con đầu lòng chỉ biết chuẩn bị đầy đủ sức khỏe, kiến thức, điều kiện tốt nhất đón con ra đời. Tuy nhiên, bạn bè, người thân của chị có nhiều người tính toán, đặc biệt là tính sao đẻ được con trai trong năm Nhâm Thìn này. Thậm chí, một đồng nghiệp của chị vừa sinh con đầu năm ngoái, còn chưa cai sữa đã vội vàng mang thai để đẻ con tiếp trong năm nay.
Vội vàng mang thai - lợi bất cập hại
Trung bình mỗi năm nước ta có trên 1 triệu em bé chào đời. Vào những năm đẹp theo quan điểm phương Đông, số trẻ được sinh ra cao hơn, đặc biệt là số trẻ trai. Theo đó, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh (tỉ lệ trẻ sơ sinh trai trên 100 trẻ sơ sinh gái) cũng sẽ tăng lên, gây lên nhiều hệ lụy sau này. |
Dù rồng là con vật tưởng tượng trong 12 con giáp nhưng theo quan niệm của những nước Á Đông, nhiều người cho rằng nó là vật thiêng, đem lại nhiều may mắn nên nhu cầu "câu" rồng, "săn" rồng, "đúc" rồng đang được nhiều người ráo riết thực hiện cho kịp thời gian. Trong cuộc chạy đua này, có nhiều người phải hao tâm, tổn sức, tốn kém tiền bạc, ảnh hưởng đến sức khỏe vì cố "ép" mình, thậm chí ảnh hưởng đến cả sinh mạng của cả mẹ và con.
TS.BS Lưu Thị Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho biết: "Đúng là có rất nhiều cặp vợ chồng muốn đẻ con trong năm Thìn cho nên nhiều người tìm cách để thụ thai, sinh con. Có những người đang chữa vô sinh cũng sốt ruột "đề nghị bác sĩ làm sao để cho em có thai trong vòng vài tháng không có thì hết năm" (?!).
Theo BS Hồng, có người đang sử dụng các biện pháp tránh thai như vòng tránh thai, thuốc cấy tránh thai để giãn lần sinh thì cũng nằng nặc đòi các bác sĩ lấy ra vì muốn đẻ. Dù sử dụng que cấy tránh thai trong vòng 3 năm với thuốc cấy đắt tiền nhưng vì "nghĩ lại" muốn sinh con tiếp nên dù chưa đến hạn họ vẫn đề nghị bác sĩ lấy ra. Nhiều người biết là tiêm phòng cúm rubella trước khi mang thai 3 tháng là rất tốt, ngừa được rủi ro trẻ bị mắc dị tật bẩm sinh do bệnh này nhưng vì nếu không cấn bầu thì không kịp nên cũng vội vàng bỏ qua với suy nghĩ "hên, xui", lành hay tật cũng là... do số.
PSG.TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ đã khuyến cáo: Không nên cố "ép", hãy để cho việc thụ thai một cách tự nhiên. Việc trẻ khỏe mạnh, có cuộc đời sẽ hạnh phúc, thành đạt, sung sướng là phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bởi trên thực tế có rất nhiều người sinh đúng vào những tháng, năm theo quan niệm ngày, tháng, năm đẹp nhưng cuộc sống lại không như mong muốn.
Nhiều người đang viêm nhiễm cổ tử cung nặng, đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng không đủ kiên nhẫn điều trị khỏi đã mau chóng muốn có con. Người mẹ mắc viêm nhiễm âm đạo, tử cung nặng dễ gây viêm màng ối, vỡ ối, sảy thai, đẻ non. Nếu mẹ mắc bệnh giang mai mà không điều trị thì khi mang thai, đứa trẻ cũng sẽ mắc bệnh giang mai bẩm sinh. Người mẹ đang mang bệnh nhưng vẫn cố mang thai khiến bản thân mình đau yếu, trẻ sinh non còi cọc dễ bị mù lòa, trí tuệ kém phát triển,… khiến gia đình tốn kém nhiều tiền của và công sức để chăm sóc và điều trị cho trẻ sau này. TS.BS Lưu Thị Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế) Việc mong mỏi sinh được con trong năm Nhâm Thìn, đặc biệt là mong muốn sinh được con trai sẽ tạo ra một sức ép về dân số đến các yếu tố giáo dục, y tế, việc làm, ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội… Bên cạnh đó, sự kỳ vọng sinh quý tử của nhiều người sẽ gây thất vọng tràn trề cho họ khi sinh ra con gái. Sự thất vọng này sẽ khiến nhiều cha mẹ bỏ bê, sao nhãng việc chăm sóc con. Nhiều trẻ gái bị đối xử giống như với một đứa trẻ được sinh ra ngoài ý muốn, bị ghẻ lạnh, bị phân biệt, không được học hành đến nơi đến chốn,... tạo ra nhiều hệ lụy mà sau này gia đình, xã hội và bản thân đứa trẻ phải gánh chịu. BS Nguyễn Trọng An (Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) |
Nguồn: giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác