07/03/2017 08:18
Quan niệm phải sinh được "rồng vàng” trong năm Nhâm Thìn (2012) của nhiều người đã khiến nhiều bệnh viện (BV) như Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Trung ương, các phòng khám sản tư nhân... đều quá tải. Mới đầu năm mà ở nhiều khoa, phòng, giường bệnh đã có 3 - 4 sản phụ chờ sinh. Số trẻ chào đời từ đầu năm đến nay đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, báo hiệu một năm đầy vất vả của ngành sản khoa cũng như DS-KHHGĐ.
Khám sức khỏe cho phụ nữ mang thai(nguồn ảnh: infonet.vn). Chị Nguyễn Hoàng Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) tìm mọi giá để có được "rồng vàng” bởi vì đi xem bói, thầy phán, chị nên sinh vào tháng 6, tháng 7 năm Nhâm Thìn sẽ... hợp với mệnh của bố. Vì vậy, mới mổ chưa đầy 3 tháng, chị lại mang thai. Không may chị chửa ngoài dạ con nên phải nhập viện trong những ngày đầu năm này. Chị buồn rầu tâm sự: "Cũng chỉ vì nghe lời thầy bói, rồi nhiều người cũng kháo nhau rằng, năm nay trẻ sinh ra sẽ tốt, học giỏi, thông minh, không ngờ lại ra nông nỗi này”. Bác sĩ khuyến cáo chị Mai: nếu không cẩn thận có thể sẽ bị vô sinh.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp gặp "rủi ro” khi quyết sinh con trong năm đẹp này. Còn chị Ngô Phương Nguyên (Hà Đông, Hà Nội) thì cả năm ngoái, thường xuyên đi soi trứng và sinh hoạt vợ chồng đúng lời bác sĩ dặn để đầu năm nay sinh được một bé trai tại BV Phụ sản TƯ. Chị cũng như nhiều sản phụ chờ sinh con tại BV Phụ sản TƯ, đã tìm mọi cách, uống nhiều loại thuốc để sinh được con trai trong năm Nhâm Thìn này.
Tại khoa Sản, nhà G, BV Phụ sản TƯ, mới đầu năm đã chật kín người, các phòng hầu hết đều có 3 - 4 sản phụ/giường. Người nằm chờ đẻ, kẻ "ngồi” dưỡng thai, nhiều sản phụ bệnh lý phải theo dõi đặc biệt. Bác sĩ Trần Quốc Việt - Phó Giám đốc BV Phụ sản TƯ cho biết, tình trạng quá tải là vấn đề muôn thưở, vì BV mỗi ngày đón 60 - 70 trẻ chào đời. Bên cạnh đó còn có hàng trăm ca bệnh lý, khám thai và chữa bệnh hiếm muộn. Sự quá tải chủ yếu tập trung tại khoa Khám bệnh và khoa Sản. Mặc dù BV đã có nhiều phương pháp giảm tải, nhưng đó vẫn chỉ là biện pháp tình thế. Dự báo năm nay, tình trạng quá tải sẽ còn trầm trọng hơn. Vì thế ngay từ đầu năm, BV đã sẵn sàng nhân lực, tiếp tục trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại, kê thêm giường bệnh, phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân.
Số thai phụ và cả sản phụ liên tục tăng khiến nhiều bệnh viện lúc nào cũng quá tải. Hiện nhiều bệnh viện phụ sản phải tận dụng hành lang khoa, phòng làm nơi nằm tạm cho sản phụ sau sinh. Số sản phụ đến sinh con tăng đều hàng năm, nhưng những năm được coi là năm đẹp thì "khủng khiếp” hơn. Năm 2010, BV Phụ sản Hà Nội đón 29.000 trẻ, năm 2011 là 37.000 trẻ, năm nay có thể lên đến trên 40.000 trẻ. Từ mồng 1 Tết đến nay, mỗi ngày có khoảng 80 trẻ được sinh ra tại BV. Dự báo, áp lực sẽ dồn vào những tháng "cao điểm” cuối năm.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế, trung bình nước ta có 1,2 - 1,3 triệu em bé ra đời mỗi năm. Vào những năm đẹp theo quan điểm phương Đông, số bé được sinh ra cao hơn. Theo đó, tỷ lệ mất cân bằng giới tính nam - nữ cũng nhích lên (bé trai nhiều hơn bé gái). Nhâm Thìn được dự báo là năm số bé trai sẽ cao hơn bé gái bởi quan niệm "nam Nhâm, nữ Quý”. Tính riêng trong mấy ngày đầu năm Nhâm Thìn, cả nước đã có 18.000 đứa trẻ chào đời.
Đề cập đến việc nhiều gia đình chọn năm Nhâm Thìn để sinh con, bác sĩ Trần Quốc Việt cho rằng, đây là quan niệm sai lầm. Việc số lượng trẻ sinh năm con rồng tăng cao trước mắt không chỉ tạo gánh nặng quá tải cho các bệnh viện phụ sản. Tương lai, còn gây mất cân bằng giới tính, ảnh hưởng tới hệ thống giáo dục. Thực tế, những năm được coi là đẹp như Quí Mùi, Đinh Hợi, Kỷ Sửu... tình trạng quá tải không những gây áp lực cho bệnh viện mà còn cho các trường học, nhà ở, việc làm, làm mất đi sự cân bằng tự nhiên.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác