07/03/2017 08:18
Trong các sách giáo khoa tiểu học, nếu như nam giới được mô tả làm các nghề có chuyên môn cao, thu nhập tốt thì phụ nữ lại làm việc thủ công, chăm sóc người khác, hoặc đàn ông có hành vi chủ động, sáng tạo thì phụ nữ lại thụ động, phụ thuộc...
Đây là kết quả được đúc rút qua nghiên cứu 10 cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt từ lớp 1 tới lớp 5, do thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên Khoa Xã hội học - Học viện Báo chí và sinh viên của mình thực hiện.
Nghiên cứu này cho thấy sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học ít nhiều phản ánh sự phân biệt về giới, thể hiện từ cách đặt tên, thể hiện hành vi nhân vật nam, nữ, đến phạm vi hoạt động, vị trí cũng như nghề nghiệp của hai giới.
Phụ nữ và các bé gái được làm đậm nét bởi các hoạt động trong nhà như dọn dẹp, giặt giũ, chăm sóc người khác. Tranh minh họa trong bài "Cô giáo lớp em" - Tiếng Việt 2. |
Chẳng hạn, tên đặt cho nam thường mang thuộc tính dương, động, chủ động, lớn lao, mạnh mẽ, gắn với các loại cây to lớn (Tùng, Bách...), những đức tính, phẩm chất tốt đẹp (Tuấn, Minh, Dũng, Trung, Nhân...), những mong ước, hoài bão về sự nghiệp (Thành, Thịnh, Quang...), những hiện tượng to lớn trong thiên nhiên (Sơn, Vũ, Hải)...
Ngược lại, tên nữ thường mang thuộc tính âm, tĩnh, thụ động, mềm mại, dịu dàng, gắn với các loài hoa đẹp, mềm mại (Mai, Lan, Hoa, Huệ, Nụ...), tên các loại trái cây (Na, Lê…), tên bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông), tên các loài chim (Oanh, Anh, Uyên…), tên các tiên nữ, tên dòng sông (Nga, Hà…).
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết, trong sách giáo khoa,vị trí nhân vật chính, phụ khi so sánh giữa nam và nữ cũng có sự khác biệt.
Trong số 173 bài ở 10 tập Sách giáo khoa thì có tới 71 bài nhân vật chính là nam giới, trong khi chỉ 27 bài nhân vật chính là nữ giới.
Trong các bài học trên, quan niệm phổ biến về vị trí của đàn ông và phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng khác biệt - theo hướng đàn ông được mô tả như là trụ cột của gia đình, hướng ngoại, có tiếng nói quyết định. Ngược lại, phụ nữ được mô tả như là người hướng nội, xây dựng tổ ấm, là phái yếu, phụ thuộc.
Trong các tranh minh họa, nam giới thường có phạm vi hoạt động ngoài xã hội và giữ vị trí cao như bác sĩ, còn phụ nữ thường ở nhà, nếu có làm trong ngành y thì thường là y tá. Hình minh họa trong bài 76, Tiếng Việt 1, tập 1, trang 154. |
Ngoài ra, kết quả phân tích cũng cho thấy nhân vật nam và nữ được mô tả với hành vi khác nhau đáng kể, nhân vật nam thường có hành vi chủ động, còn các nhân vật nữ thì hành vi thường bị động hơn. Trong 12 bài học ở 10 tập sách thì có tới 10 trong số 12 nhân vật có hành vi dũng cảm, thông minh là nam và chỉ có 2 nhân vật nữ dũng cảm. Hành vi giúp đỡ người khác có ở 4 bài học và 5 tranh minh họa thì tỷ lệ xuất hiện là 6 nam và 3 nữ.
Những hành vi như lao động ở nhà (công việc nội trợ, quét dọn...), dạy dỗ, chăm sóc người khác hay các hành động mang tính thụ động thì nhân vật nữ lại chiếm phần ưu thế. Trong 22 tranh minh họa nhân vật làm việc trong nhà thì có tới 20 tranh là nữ, và chỉ có 6 trong số 22 bức này xuất hiện nam giới. Ngược lại, nói về hành vi lao động ngoài xã hội, đòi hỏi tính sáng tạo, năng động, có quan hệ rộng thì số bài có nhân vật chính là nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều.
Nhìn chung, tỷ lệ nam giới trong các bài học và tranh minh hoạ vẫn chiếm ưu thế hơn, thường được khắc họa đậm nét và quan trọng hơn nữ giới.
"Những khuôn mẫu giới về nam và nữ được thể hiện rõ trong nhiều bài học và được chuyển tải một cách chính thức tới lớp lớp các thế hệ học sinh. Điều này cho thấy định kiến giới còn ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội cũng như trong tư tưởng nhiều người dân Việt Nam", bà Tuyết Minh nhận định.
Một số bức tranh minh họa nghề nghiệp của các nhân vật trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1-5, với khuôn mẫu nam giới thường làm các nghề như bộ đội, bác sĩ, thợ xây, thợ mộc, lái xe, nhà khoa học... |
Theo bà Minh, kiến thức trong sách giáo khoa đóng vai trò rất quan trọng đối với học sinh, có tác động lớn tới sự phát triển nhân cách, xây dựng ước mơ nghề nghiệp tương lai của các em. Những khuôn mẫu, định kiến giới từ sách giáo khoa ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ và hành vi của các em.
Thực tế, những khuôn mẫu giới đi vào tiềm thức của các cá nhân một cách từ từ, tự nhiên, mưa dầm thấm lâu, phổ biến khắp mọi nơi: ở nhà, trong sách giáo khoa, trên phương tiện truyền thông, cộng đồng... khiến cho bản thân người đó không nhận ra mình đang chịu ảnh hưởng từ các khuôn mẫu này.
Thêm vào đó, giai đoạn xã hội hoá cá nhân ở tuổi từ 6 đến 11 là mốc rất quan trọng. Thông qua các bài học, học sinh được nhận thức thế giới xung quanh, xác lập thái độ và được đóng các vai trò khác nhau trong tương lai như đóng vai người cha, người mẹ, người giáo viên, bác sĩ... Và trong quá trình xã hội hoá này, thông điệp từ các bài học có ý nghĩa lớn trong quá trình học hỏi nhập vai của các cá nhân.
Do đó, mỗi thái độ và hành vi của nhân vật trong bài học cũng như tranh minh hoạ có ảnh hưởng lớn tới học sinh tiểu học. Thông điệp từ các nhân vật mà các em tiếp xúc, thông qua hành vi, cử chỉ ứng xử và công việc mà họ đảm nhận sẽ tác động đến các bé trai, bé gái. Các em bắt chước lại hành vi của cha mẹ và thầy cô giáo, những nhân vật trong bài học và tranh vẽ như là những khuôn mẫu và đồng nhất mình với những gì sao chép được.
Về điều này, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục cho biết, việc sách giáo khoa còn những kiến thức mang định kiến giới này là một sơ suất đáng tiếc. Bộ đã lắng nghe ý kiến, ghi nhận và sẽ điều chỉnh trong quá trình xây dựng chương trình sách mới, để bộ sách giáo khoa 2015 sẽ hài hòa về giới hơn.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác