07/03/2017 08:18
Từ đó, đời sống tinh thần và vật chất được nâng lên rõ rệt.
Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực tuyên truyền, tư vấn về kế hoạch hóa gia đình, người dân ở thôn 11 (xã Ea H’Mlay, huyện M’Drăk, Đắk Lắk) đã tự giác áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Kết quả là 8 năm liền (từ 2004 đến nay) thôn không có người sinh con thứ ba, đời sống tinh thần và vật chất được nâng lên rõ rệt.
Thôn 11 có 42 hộ với 185 nhân khẩu, sống rải rác theo sườn đồi. Trước đây, do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn thấp, nhiều người còn thích sinh đông con, và phải có nếp có tẻ, đã làm cho đời sống gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, trong những năm qua, đặc biệt từ khi có Pháp lệnh Dân số năm 2003 Chi bộ, ban tự quản thôn 11 xác định: Kế hoạch hóa gia đình là biện pháp chủ yếu để điều chỉnh mức sinh góp phần bảo đảm cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Từ đó, các ban ngành, đoàn thể đã tăng cường tuyên truyền, tư vấn để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng tự nguyện thực hiện kế hoạch hoá gia đình; Ban tự quản thôn chủ động phối hợp với ngành chức năng cung cấp các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình bảo đảm chất lượng, thuận tiện, an toàn đến tận người dân.
Bên cạnh đó, cộng tác viên dân số cùng với cán bộ chuyên trách dân số xã đến nhà đối tượng, nói chuyện với các cụ già, người chồng để họ từ bỏ quan niệm phải có con trai để nỗi dõi tông đường. Đối với cặp vợ chồng sinh con một bề, cộng tác viên dân số thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kể cả ở nhà và trên nương, trên rẫy; ban ngày không gặp tranh thủ ban đêm để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đối tượng, vận động họ chỉ sinh 1 hoặc 2 con để có điều kiện chăm sóc và phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ vậy, người dân thôn 11 dần hiểu được đông con là một trong những nguyên nhân của đói nghèo và lạc hậu. Mỗi cặp vợ chồng sau khi cưới nhau đã tự giác áp dụng biện pháp tránh thai, thực hiện kế hóa gia đình.
Cộng tác viên dân số thôn 11 tư vấn chăm sóc SKSS cho người dân. |
Hiện nay, thôn 11 có 34 phụ nữ có chồng đã có 30 chị áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong đó, có 12 trường hợp đình sản, 12 trờng hợp đặt vòng tránh thai. Góp phần làm nên thành tích 8 năm liền thôn không có người sinh con thứ ba.
Chị Đoàn Thị Lý - Cộng tác viên dân số thôn 11 - chia sẻ: “Bây giờ, gặp gỡ đối tượng không cần nói về kế hoạch nữa, mà chia sẻ những bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình và kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất. Đồng thời, vận động họ tham gia sinh hoạt văn nghệ, thể thao để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Gia đình anh Đoàn Văn Cần và chị Đoàn Thị Tình có với nhau 2 đứa con trai và họ đã tự giác thực hiện kế hoạch cách đây đã 16 năm. Anh chị tập trung đầu tư, chăm sóc 1, 5 ha cà phê, trồng thêm 1 ha rừng. Mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Kinh tế ngày càng khá giả, vợ chồng anh chị tích cực tham gia các phong trào trong thôn.
Trong các cuộc họp thôn, họp các đoàn thể, gia đình anh chị luôn được nêu lên như một gương sáng về thực hiện kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Còn anh Nguyễn Huy Bình và chị Bùi Thị Thủy ngay từ khi mới kết hôn, cả hai vợ chồng anh xác định “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”. Sau khi đã “hoàn thành kế hoạch” anh chị tập trung vào phát triển kinh tế.
Hiện tại, thu nhập chính của gia đình anh Bình là 1,5 ha cà phê. Ngoài ra anh chị còn có 2 cái ao để nuôi cá…thu về mỗi năm gần 50 triệu đồng. Đời sống gia đình ngày càng sung túc, con cái được sự yêu thương và chăm sóc chu đáo của bố mẹ nên đều chăm ngoan và học giỏi.
Nhờ sinh ít con nên đời sống vật chất và tinh thần trong thôn 11 được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 90%; thu nhập bình quân theo đầu người đạt 15 triệu đồng/năm, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, tỷ lệ gia đình văn hóa 80%; phụ nữ và trẻ em được chăm sóc y tế đầy đủ, không có trẻ em bị suy dinh dưỡng. Nhiều năm qua, thôn 11 luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Ea H’Mlay tuyên dương trong việc phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ít con, no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.
Chứng kiến những đổi thay từng ngày của thôn, ông Nguyễn Văn Hành – thôn trưởng thôn 11 vui vẻ cho biết: Cuộc sống nơi đây ngày một khá giả là nhờ sự quan tâm của cấp trên trong việc hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân lại chăm chỉ lao động và thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Chúng tôi sẽ quyết tâm để giữ vững danh hiệu thôn không sinh con thứ 3, tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong thôn.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác