07/03/2017 08:18
Được thành lập năm 1996, đến nay buôn H'Mông, xã Ea Kiết (Cư M'gar) đã có gần 150 hộ với hơn 700 người sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông di cư vào từ các tỉnh phía Bắc. Người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào phát nương, làm rẫy với nhiều tập quán còn lạc hậu, trong đó có nạn tảo hôn và sinh con không có kế hoạch vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối.
|
Kết hôn sớm, sinh con đông, không có kế hoạch là một trong những nguyên nhân gây ra nghèo, đói của người dân buôn H'Mông. |
Lấy chồng khi mới 14 tuổi, trông cô dâu Hoàng Thị Nhình vẫn chỉ như một cô bé. Chồng của Nhình là Lù Văn Hải, cũng mới bước sang tuổi 15. Ngay cả Giàng Thị Hoa, mẹ chồng của Nhình năm nay mới chỉ 34 tuổi nhưng đã có 4 đứa con, con trai đầu 15 tuổi, còn đứa út hiện giờ mới được 2 tuổi. Chồng chị Hoa mất sớm, cuộc sống rất khó khăn. Bây giờ, con trai lấy vợ về ở chung trong nhà, gia đình có 6 người, tất cả đều sống nhờ vào làm rẫy, mà chủ yếu là trồng ngô. Được hỏi có biết lấy chồng sớm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe không, cô dâu “nhí” Hoàng Thị Nhình trả lời: “Cháu không biết!”. Ở buôn H’Mông, ngoài vợ chồng Lù Văn Hải và Hoàng Thị Nhình, còn có Đào Văn Anh 17 tuổi cũng đã lấy vợ là Cù Thị Sanh mới 13 tuổi. Anh Vương Văn Thuyết, một người dân ở buôn H'Mông lý giải: “Bọn trẻ lấy nhau là do tập quán, do… duyên số, thích nhau thì lấy. Nhiều người già rồi mà chưa lấy nhau, nhưng trẻ mà lấy nhau là do số nó như thế (!?)”. Chính vì nhận thức còn hạn chế như vậy, nên ngay cả anh Thuyết, năm nay 35 tuổi mà đã có con trai đầu 17 tuổi. Như vậy, anh cũng lấy vợ từ năm 17 tuổi. Anh Thuyết còn cho biết thêm, ở buôn H’Mông nhiều gia đình có 4,5 con là chuyện thường, có nhà có 7 con.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, cuộc sống người dân ở buôn H' Mông giờ đây dù đã có nhiều đổi thay so với những ngày đầu thành lập nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đa số người dân có trình độ học vấn chỉ lớp 2, lớp 3, thậm chí nhiều người còn rất trẻ nhưng không hiểu và không thể nói rõ được tiếng phổ thông. Nhiều trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn, nên đã phải bỏ học dở chừng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân của thực trạng kết hôn sớm, không am hiểu pháp luật, không đăng ký kết hôn, vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... đang diễn ra ở đây, từ đó làm cho đời sống của đồng bào Mông ở đây vẫn quanh quẩn trong sự nghèo khó. Chính quyền địa phương biết thực trạng này nhưng xem ra công tác tuyên truyền, vận động đối với người dân không có kết quả. Chị Vương Thị Dương, cán bộ chuyên trách công tác Dân số-KHHGD xã Ea Kiết (Cư M’gar) thừa nhận: "Công tác tuyên truyền vận động sinh đẻ có kế hoạch, không sinh nhiều con, không lấy nhau trước tuổi trưởng thành ... cũng được xã quan tâm, nhưng do nhận thức của người Mông ở đây còn hạn chế, nên hiệu quả đạt được chưa cao".
Sẽ còn rất nhiều khó khăn cho chính quyền ở xã Ea Kiết và huyện Cư M'gar, nếu như tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm, sinh con đông... ở buôn H'Mông không được các cấp, các ngành liên quan cùng vào cuộc để giải quyết kịp thời.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác