01/05/2020 04:24
Hàng năm, công tác truyền thông được ngành chức năng ở tỉnh Đắk Lắk chú trọng, từng bước làm thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy vậy, tình trạng tảo hôn vẫn chưa được đẩy lùi. Hệ lụy là nhiều trẻ em gái lên chức vợ, làm mẹ “khi chưa đến tuổi trăng tròn”, kéo theo đó là những khó khăn và thách thức trong cuộc sống.
Nhiều trẻ em gái ở vùng sâu bỏ học sớm và đi lấy chồng.
Theo số liệu thống kê từ năm 2015-2019, tỉnh Đắk Lắk có đến 2.630 trường hợp tảo hôn. Tình trạng này xảy ra ở tất các các huyện, thị xã và thành phố, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Như trường hợp của em Em Thào Thị Vừ ở buôn Plao Siêng, xã Ea Rbin, huyện Lắk. Vừ sinh ra trong gia đình có 4 chị em nhưng không ai học hết lớp 5. Riêng Vừ đã lấy chồng và có con khi mới 14 tuổi. Bỏ học sớm và làm mẹ ở tuổi vị thành niên nên mọi hành động, thao tác chăm sóc con của người mẹ trẻ con này rất vụng về, cẩu thả. Hiện tại, gia đình Vừ đang sống trong căn nhà vách nứa, nền đất và được lợp bằng những miếng tôn cũ kỹ. Hàng ngày, em quanh quẩn ở nhà với con, còn gánh nặng kinh tế một mình người chồng gồng mình lo liệu. Quanh năm, suốt tháng bươn trải kiếm sống, nhưng gia đình này vẫn trong vòng luẩn quẩn của cái nghèo. Ước mơ có một ngôi nhà kiên cố để ở riêng quả là một điều quá xa xỉ.
Còn em H’Blôi Mlô sinh ra và lớn lên ở buôn Cư Kanh, xã Ea Sin, huyện Krông Búk. Do nhà nghèo nên học hết lớp 7 em phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ. Năm 2015, em đi lấy chồng (khi mới 16 tuổi), rồi lần lượt sinh ra 2 người con. Do lấy chồng và sinh con ở tuổi vị thành niên nên H’Blôi thường xuyên đau ốm, còn những đứa con từ khi sinh ra đã bị suy dinh dưỡng. Hàng ngày, H’Blôi chỉ biết ở nhà với các con, làm việc nhà và chờ chồng về sau cả ngày lao động cực nhọc. Hiện tại, gia đình H’Blôi đang ở nhờ cùng với bố mẹ trong căn nhà chật hẹp. Điều quan tâm lớn nhất của gia đình trẻ này là làm sao cho đủ ăn, đủ mặc; còn những mong muốn khác thì chưa thể thực hiện được.
Cộng tác viên dân số tư vấn về những hệ lụy của tảo hôn.
Qua tìm hiểu thực tế, nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng tảo hôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là do vẫn còn tồn tại một số quan niệm cổ hủ như: “dựng vợ gả chồng” sớm để có lao động làm việc; nam, nữ ở tuổi 15-16 là có thể lấy vợ, lấy chồng, nếu để đến tuổi pháp luật quy định (nữ đủ 18 tuổi và nam đủ 20 tuổi) thì họ sợ già không ai muốn lấy. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí thấp, các yếu tố về giáo dục, thực thi pháp Luật, đăng ký kết hôn chưa được tuyên tuyền sâu rộng trong Nhân dân; việc kiểm tra xử lý về tảo hôn và tổ chức tảo hôn của chính quyền địa phương chưa được thực thi nghiêm minh theo quy định. Vì thế, tình trạng tảo hôn cứ xảy ra từ năm này qua năm khác, nhiều em gái trở thành vợ, thành mẹ khi chưa đến tuổi trăng tròn. Tảo hôn đã chấm dứt mọi cơ hội được chăm sóc, học tập của trẻ em gái và các em phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc sống gia đình. Chị Đào Thị Kang – Cộng tác viên dân số xã Ea Rbin, huyện Lắk cho biết: “Trẻ em gái nơi đây thường bỏ học sớm, lấy chồng rồi sinh con và phải đi làm khi mới sinh được vài tháng...”. Còn chị Phạm Thị Ngọc Diệp – Viên chức dân số xã Ea Sin, huyện Krông Búk chia sẻ thêm: “Nhiều trẻ vị thành niên thích nhau thì về ở với nhau. Có trường hợp bố, mẹ ngăn cản cũng không được”.
Suy dinh dưỡng trẻ em là một trong những hệ lụy của tảo hôn.
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) nếu mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên thì trẻ em gái phải đối mặt với những nguy cơ tai biến sản khoa, sức khỏe suy giảm; em bé được sinh ra có thể mắc các bệnh, tật bẩm sinh. Chính vì vậy, can thiệp giảm tình trạng tảo hôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầy trong công tác Dân số ở tỉnh Đắk Lắk, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này đòi hỏi sự cam kết của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của các ngành, đoàn thể trong việc đẩy mạnh công tác truyền thông và thực thi nghiêm minh Luật Hôn nhân và Gia đình. Đồng thời, cần phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng và các bậc cha mẹ trong việc vận động nam, nữ kết hôn đúng độ tuổi (nữ đủ 18 tuổi và nam đủ 20 tuổi trở lên) theo quy định của pháp luật./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác