Tham dự hội nghị ngoài lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của Tổng cục Dân số -KHHGĐ còn có các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Sở Y tế, Chi cục DS -KHHGĐ thuộc các tỉnh, thành Bắc Trung Bộ …
Hội nghị thu hút nhiều chuyên gia, cán bộ chuyên trách về dân số từ các tỉnh thành
Chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế cho hay: "Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế thành lập một Ban soạn thảo, có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để soạn thảo Đề án trên. Đây là một việc hệ trọng liên quan sống còn của công tác Dân số. Tổ chức, xây dựng thành công Đề án là cơ sở để thực hiện, đưa Nghị quyết 21 vào thực tế cuộc sống".
Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế chỉ đạo hội nghị
GS. Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch HĐKH Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình, Trẻ em thông tin: Từ năm 1961-2007, tổ chức bộ máy quản lý Dân số triển khai theo 2 mô hình chính. Mô hình 1 (giai đoạn 1961-1991) có Ban chỉ đạo là UBQG Dân số & Sinh đẻ có kế hoạch nhưng đều là kiêm nhiệm. Ở mô hình này, hiệu quả không thể cao vì lĩnh vực Y tế và Dân số khác nhau ở tính chất công việc. Nếu như Y tế luôn khẩn trương, khẩn cấp thì Dân số tuy quan trọng nhưng lại chậm rãi, mang tính lâu dài.
Giáo sư Nguyễn Đình Cử thông tin và đóng góp cho đề án tại hội nghị
Đến mô hình 2 (1992-2007), bộ máy quản lý dân số đã phát huy hiệu quả gấp 5 lần mô hình 1 nhờ có sự thay đổi về hình thức tổ chức, có trụ sở riêng và có người đứng đầu, cơ quan thường trực làm nhiệm vụ chuyên trách.
"Nếu chúng ta không làm công tác DS-KHHGĐ quyết liệt mà chỉ làm ở mức bình thường như Philipines thì năm 2019, dân số nước ta đã là 122 triệu người chứ không phải là 96 triệu. Nếu bỏ rơi công tác dân số như một quốc gia ở Châu Phi thì con số sẽ phải là 192 triệu dân và trong 28 năm nữa, chúng ta có 400 triệu dân", ông Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, việc đổi tên Bộ Y tế thành Bộ Y tế và Dân số là một trong những biện pháp để củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy dân số hiện nay. Ưu điểm của nó là không làm phát sinh tổ chức biên chế và cân đối lại nhiệm vụ Y tế và Dân số...
Nguyễn Quang Bằng - Chi cục trưởng Chi cục Dân số Lạng Sơn tham góp đề án
Có kinh nghiệm hơn 30 năm làm công tác DS, ông Nguyễn Quang Bằng - Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ Lạng Sơn đề xuất: "Ngay từ khi Thông tư 05 ra đời, chúng tôi tự hỏi, đã có sự sát nhập Uỷ ban Dân số - Gia đình - Trẻ em vào Bộ Y tế thì tại sao không có Bộ Y tế - Dân số? Chương trình mục tiêu của chúng ta là Quyết định 125 về Y tế và Dân số. Tổng cục Dân số; Bộ Y tế và Bộ Nội vụ xin hãy lưu ý vấn đề này".
Đánh giá về việc lựa chọn mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số trong thời gian tới, ông Lương Quang Đảng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng Cục DS-KHHGĐ khẳng định: "Không có một mô hình nào chỉ có ưu điểm hoặc chỉ có hạn chế; bất kể mô hình nào cũng cần cơ chế phối hợp liên ngành..."
Bà Trần Thị Thu Hằng - Chi Cục trưởng Chi cục Dân số -KHHGĐ Hải Phòng tham gia ý kiến.
Bàn về một số nội dung trong Đề án, bà Trần Thị Thu Hằng - Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hải Phòng cho rằng, việc đề án cho phép những đơn vị chưa thực hiện sát nhập Trung tâm Dân số thì giữ nguyên và tiếp tục thực hiện theo định hướng Thông tư 05 trong đó có Hải Phòng. Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì như hiện nay có đảm bảo thực hiện được nội dung theo đề xuất trong Đề án hay không.
Cũng theo bà Hằng, hiện bộ máy hoạt động Chi cục dân số ở Hải Phòng vẫn đang thuộc Sở Y tế Hải Phòng và Trung tâm Dân số trực thuộc UBND huyện cùng cấp; cán bộ dân số là viên chức thuộc Trung tâm Dân số và làm việc tại UBND cấp xã. Trước đó, phía Chi cục DS đã xây dựng Đề án sát nhập giữa Trung tâm Y tế và Trung tâm Dân số và trình Sở Nội vụ xem xét".
Hội nghị cũng được nghe các ý kiến đóng góp, thảo luận sôi nổi, thiết thực của các diễn giả, đại biểu là các chuyên gia, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ cùng cán bộ các Trung tâm Dân số đến từ các tỉnh, thành khu vực Bắc Trung bộ.
Đinh Huyền