07/03/2017 08:18
Những người thực hiện dịch vụ siêu âm cho biết, họ không nói về giới tính của thai nhi nhưng 95% phụ nữ lại biết về giới tính của đứa con trong bụng mình.
|
Lạm dụng siêu âm để lựa chọn giới tính thai nhi - một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng MCBGTKS. Ảnh: Dương Ngọc (chỉ mang tính minh họa) |
Có một lỗ hổng lớn giữa việc thực hiện chính sách và thực tiễn.
TS Christophe Z. Guilmoto – nhà nhân khẩu học, đang hợp tác phân tích các số liệu về tỉ số giới tính khi sinh với Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam cho biết những thông tin trên trong chuyến khảo sát về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tại Hải Dương trong các ngày 20 - 22/8.
Vẫn còn định kiến thiên lệch
Tình trạng MCBGTKS tại Việt Nam đang có xu hướng tiếp tục tăng, đặc biệt trong năm 2012, năm Nhâm Thìn, được dân gian coi là năm “đẹp”. Trong 10 năm qua, MCBGTKS diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng và đã đến mức báo động nghiêm trọng. Đặc biệt là trong vòng 5 năm trở lại đây, tỉ số GTKS liên tục gia tăng, chỉ giảm nhẹ một chút vào năm 2011 và lại tiếp tục gia tăng trong năm 2012 này.
Là một nhà nhân khẩu học có nhiều nghiên cứu về tình trạng MCBGTKS của nhiều nước, trong đó các nước trong khu vực châu Á, TS Guilmoto đã phối hợp với UNFPA tại Việt Nam nghiên cứu tỉ số GTKS ngay khi có kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009. Thời điểm đó, mặc dù tỉ số GTKS của các quốc gia khác cao hơn Việt Nam, như Ấn Độ là 112, Trung Quốc 120 và Azerbaijan 117, nhưng sự mất cân bằng tỉ số này tại Việt Nam lại gia tăng nhanh chóng trong vòng 5 năm trở lại đây, thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới.
TS Guilmoto nhận định: “Ở Việt Nam có thể thấy lựa chọn giới tính đã được thực hiện từ lần sinh thứ nhất và lần sinh thứ 2 mặc dù sự lựa chọn giới tính cao hơn từ lần sinh thứ 3 trở đi. Ở các quốc gia khác, thông thường từ đứa con thứ 2 hoặc thậm chí thứ 3 mới bị tác động bởi sự phân biệt này”.
Trong chuyến khảo sát tại Hải Dương vừa qua, TS Guilmoto cho biết ông có ấn tượng về nhận thức và hiểu biết của các cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ, các cán bộ thực hiện dự án can thiệp, giảm thiểu tình trạng MCBGTKS tại đây. Tuy nhiên, ông vẫn nhận xét: “Tôi cảm nhận xã hội Việt Nam vẫn định kiến thiên lệch về con trai” và tình trạng MCBGTKS đang diễn ra tập trung chủ yếu ở phía Bắc và ở Đồng bằng sông Hồng. Theo ông, yếu tố tập quán, truyền thống, thừa kế đã ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề này. “Những người thực hiện dịch vụ cho biết không nói về giới tính của trẻ nhưng có tới 95% phụ nữ biết về giới tính của đứa trẻ. Có một lỗ hổng lớn giữa việc thực hiện chính sách và thực tiễn ở đây”, TS Guilmoto nói.
Tăng cường nhận thức của cộng đồng
Theo số liệu thống kê của ngành DS-KHHGĐ, trong 6 tháng đầu năm 2012, tỉ số GTKS của Hải Dương là 123,6 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Đây là con số cao trong số các tỉnh thuộc tốp 10 tỉnh có tỉ số MCBGTKS cao nhất trong cả nước. Trong khi đó, Hưng Yên một tỉnh lân cận vốn có tỉ số MCBGTKS cao trong những năm qua nay đã “hạ nhiệt” từ 136/100 (năm 2005) xuống còn 131/100 (năm 2009) và nay khoảng 118,6/100.
Ông Guilmoto cho hay, trong các nghiên cứu đều cho thấy ảnh hưởng của truyền thống văn hóa đã tạo nên áp lực trong việc người dân phải sinh được con trai. Thậm chí, nó còn khiến người ta có cảm giác không gì có thể thay đổi được quan niệm đó và khó tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Hầu hết mọi người đều sống với con trai sau khi con kết hôn vì họ không thể ở với con gái và con rể. Do đó, thông thường bố mẹ để lại tất cả đất đai, tài sản cho con trai với mong muốn con trai sẽ chăm sóc họ khi về già. “Tôi ngạc nhiên khi nhiều người đều đồng ý phải bình đẳng giới nhưng họ vẫn nói nếu có 2 con gái thì vẫn sẽ tìm cách để có được con trai ở lần sinh thứ 3. Trong một số hương ước, quy ước của làng xã, tôi thấy đã đề cập đến vấn đề dân số nhưng không thấy đề cập đến vấn đề bình đẳng giới và việc sinh con gái hay con trai”, TS Guilmoto nói.
Trong buổi làm việc giữa UNFPA với Tổng cục DS-KHHGĐ về vấn đề MCBGTKS ngày 23/8, TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ bày tỏ lo ngại trước tình trạng gia tăng tỉ số GTKS. “Tôi cảm giác mọi nỗ lực của Việt Nam nói chung và Tổng cục nói riêng chưa kê được “toa thuốc hữu hiệu” cho tình trạng này”. TS Dương Quốc Trọng cho biết, việc ưa thích con trai ở Việt Nam được coi là yếu tố hiển nhiên. Tuy nhiên nguyên nhân thực sự dẫn đến MCBGTKS là gì? Người dân tác động đến yếu tố nào để có được con trai như mong muốn: Trước, trong hay sau khi thụ thai?, … đang là những câu hỏi khiến những người làm công tác dân số phải đau đầu, đặc biệt ở những nơi vùng sâu, vùng xa – không có kỹ thuật siêu âm phát triển, ít nạo phá thai nhưng tỉ số GTKS vẫn cao. “Tôi không hy vọng chặn đứng được “cơn lũ” này nhưng tôi mong rằng mọi nỗ lực của chúng ta có thể ngăn chặn được dòng chảy của nó”, TS Trọng cho biết.
TS Guilmoto cho rằng, nhu cầu sinh con trai của người dân cao và khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Theo ông, việc can thiệp để giảm thiểu tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường luật pháp chính sách và hỗ trợ trẻ em gái, việc truyền thông, tác động đến nhận thức của người dân là biện pháp quan trọng hàng đầu. “Có lẽ thay đổi nên bắt đầu ở cấp cao hơn của xã hội: Từ gia đình có điều kiện khá giả, có trình độ học vấn cao hơn. Phải đẩy mạnh truyền thông, tăng cường vai trò của người lãnh đạo cộng đồng (thường là nam giới, trưởng tộc, trưởng họ) nhận thức về vấn đề này”, TS Guilmoto nói. Từ đó, có thể giảm sự ưa thích con trai, giảm sự ảnh hưởng của hệ thống gia trưởng, giảm việc tiếp cận biết được GTKS bất hợp pháp; giảm sức ép của xã hội đối với gia đình có con 1 bề là gái và tăng việc chấp nhận giá trị của con gái trong gia đình và xã hội.
Theo tính toán của UNFPA Việt Nam thì đến năm 2040, số lượng nam giới sẽ thừa khoảng 12% và đến năm 2050 là 20% (dự báo mức trung bình). Mục tiêu của chúng ta đặt ra là đến năm 2020, tỉ số GTKS sẽ được khống chế ở mức 115. Sử dụng chương trình dự báo dân số Spectrum version 3.54 (dự báo ở mức trung bình), cho kết quả đến năm 2020 nước ta có khoảng gần 700.000 nam giới trong độ tuổi 15-49 “dư thừa” và đến năm 2050 là khoảng gần 3 triệu người. Mất cân bằng GTKS sẽ khiến một số ngành nghề vốn thích hợp với phụ nữ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, y tá, may mặc… |
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác