Công tác dân số của Việt Nam đạt nhiều thành công, được coi là điểm sáng trên bản đồ dân số thế giới. Ảnh: Chí Cường
Việt Nam là điểm sáng
Bà Lindiwe Zulu, Bộ trưởng Phát triển Xã hội (Cộng hòa Nam Phi), Chủ tịch PPD nhấn mạnh, một trong những mục tiêu của PPD là thúc đẩy hợp tác Nam - Nam thông qua trao đổi tri thức và những bài học kinh nghiệm giữa các nước thành viên và các nước đang phát triển trong lĩnh vực Dân số và Phát triển. Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về hợp tác Nam - Nam và Thượng đỉnh Nairobi 25 năm thực hiện ICPD đã tái khẳng định vai trò của hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên trong việc giúp thế giới thực hiện thành công ICPD cũng như hướng tới thực hiện thành công SDGs vào năm 2030.
Hội thảo đã nghe các báo cáo chia sẻ của 11 nước bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Ai Cập, Tunisia, Kenya, Morocco, Ghana, Gambia về 7 lĩnh vực ưu tiên của PPD là Dân số và Phát triển, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe bà mẹ, trẻ em và vị thành niên, bình đẳng giới, già hóa dân số, di cư, xóa đói giảm nghèo và những vấn đề dân số mới nổi.
Về phía Việt Nam, ông Lương Quang Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, phụ trách vấn đề hợp tác quốc tế của Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đã chia sẻ những thành công của chương trình DS-KHHGĐViệt Nam, đặc biệt từ giai đoạn 1992 đến nay.
Theo đó, tốc độ gia tăng dân số quá nhanh của Việt Nam đã được khống chế và giảm từ hơn 2% năm 1991 xuống còn 1,14% năm 2019. Tổng tỷ suất sinh từ 3,8 con xuống còn 2,11 con vào năm 2005, đạt mức sinh thay thế và duy trì suốt 15 năm qua. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 36,7%o năm 1999 xuống còn 14%o năm 2019. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi giảm hơn một nửa từ 56,9%o năm 1999 xuống còn 21%o năm 2019.
Tỷ số tử vong bà mẹ giảm ngoạn mục từ 223 bà mẹ tử vong (trên 100 ngàn trẻ đẻ sống) năm 1999 xuống còn 46 bà mẹ tử vong năm 2019. Tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng từ 68,3 tuổi năm 1999 lên 73,6 năm 2019. Việt Nam bước vào thời kỳ dư lợi nhân khẩu từ năm 2007 với số lượng người trong độ tuổi lao động lớn.
Thành công của chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện nâng cao sức khỏe dân số, giáo dục, bình đẳng giới, lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo và làm tăng GDP bình quân đầu người, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015.
Ông Lương Quang Đảng đã chia sẻ 8 bài học kinh nghiệm đưa đến sự thành công của chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam như việc xây dựng mục tiêu, cam kết chính trị, đầu tư nguồn lực, xây dựng tổ chức bộ máy, trong đó có đội ngũ cộng tác viên dân số, truyền thông giáo dục đi cùng với cung cấp dịch vụ thuận tiện, gần dân, an toàn và hiệu quả…
Tuy nhiên, ông Lương Quang Đảng cũng nêu lên những vấn đề dân số mới nổi, những thách thức đang đặt ra đối với công tác dân số của Việt Nam như vấn đề mức sinh thấp tại một số khu vực, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh…
PPD thúc đẩy hợp tác Nam - Nam trong lĩnh vực Dân số và Phát triển
Hội thảo trực tuyến Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong chương trình Dân số và SKSS/KHHGĐ thu hút hơn 300 đại biểu từ rất nhiều các điểm cầu khác nhau trên thế giới tham dự.
Ông Adnene Ben Haj Aissa, Giám đốc điều hành PPD khẳng định: Một trong những can thiệp chính của PPD là trao đổi thông tin và chia sẻ chiến lược và cách thức tiếp cận giữa các nước thành viên và không phải thành viên phía Nam bán cầu nhằm thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, hợp tác ba bên và xây dựng quan hệ đối tác phát triển bền vững.
Giám đốc điều hành Adnene Ben cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc nâng cao năng lực quốc gia, củng cố cơ chế hợp tác vùng, khu vực nhằm hướng đến thực hiện thành công Nghị quyết BAPA+40 về hợp tác Nam - Nam và Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Đại diện cho Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, đối tác chiến lược của PPD, ông Arthur Erken, Trưởng ban Chính sách Chiến lược UNFPA, người từng có nhiệm kỳ làm Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định UNFPA luôn đồng hành cùng PPD.
"Tri thức quản lý là một chiến lược cho sự thành công của chương trình, chính vì vậy, chúng tôi không ngừng tìm kiếm điều đó từ kinh nghiệm thực tiễn, tổng kết và chia sẻ một cách rộng rãi nhất là đối với các nhà hoạch định chính sách, thiết kế và quản lý chương trình", ông Arthur Erken nhấn mạnh.
Chia sẻ từ Việt Nam, ông Lương Quang Đảng, Điều phối viên Quốc gia Việt Nam của PPD khẳng định, những thành công của chương trình DS-KHHGĐ của Việt Nam cũng chính là sự thành công của PPD như là một ví dụ điển hình trong thực hiện thành công ICPD từ 1994.
Việt Nam vui mừng và sẵn sàng chia sẻ những bài học thành công của Việt Nam với các nước thành viên PPD cũng như các nước không phải là thành viên của PPD, đặc biệt là những nước chưa đạt mức sinh thay thế.
Dưới sự hỗ trợ tài chính của PPD, của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc hoặc của bên thứ ba, Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ kỹ thuật như một cách thức hợp tác ba bên, nhằm thúc đẩy hợp tác Nam - Nam cùng hướng đến thực hiện thành công Chương trình Nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030 vì những giá trị phổ quát toàn cầu. Các bài học kinh nghiệm của các nước sẽ được ấn bản và chia sẻ rộng rãi đến các nước thành viên của PPD cũng như bất cứ ai quan tâm đến Dân số và Phát triển.
Tổ chức Các đối tác Dân số và Phát triển (PPD) là một tổ chức liên Chính phủ được thành lập bên cạnh Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển tại Cairo, Ai Cập năm 1994 nhằm thúc đẩy hợp tác Nam - Nam trong lĩnh vực Dân số và Phát triển. Cho đến nay PPD gồm có 26 nước thành viên chính thức và một số nước quan sát viên. PPD có ghế quan sát viên thường trực tại Liên Hợp Quốc.
Việt Nam là thành viên chính thức của PPD năm 2009. Tổng cục DS-KHHGĐ được Thủ tướng Chính phủ chỉ định là đại diện tư cách thành viên Việt Nam tại PPD. Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú hiện là thành viên Ban Điều hành của PPD.
Kinh Quốc
Nguồn: giadinh.net.vn