Diễu hành tuyên truyền về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh trên các trục đường chính thị xã Đông Triều.Ảnh: TL
Nhận thức của người dân có chuyển biến tích cực
Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh Hoàng Văn Hy, nhằm từng bước đưa Nghị quyết 21-NQ/TW vào cuộc sống, ngành Dân số Quảng Ninh đã tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số phù hợp từng đối tượng cụ thể, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, tập trung cho nhóm cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên.
Bên cạnh công tác truyền thông, ngành cũng chú trọng mở rộng, ứng dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nhờ đó, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ở các địa phương có những bước chuyển biến đáng kể.
Nhiều chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực từ cơ cấu dân số phụ thuộc sang cơ cấu dân số vàng, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh; tuổi thọ bình quân người dân năm 2019 là 73,5 tuổi (tương đương với toàn quốc). Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh, tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh năm 2020 là 61,8%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt trên 80%. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 94,1%.
Dân số bước đầu đã có sự phân bố hợp lý, gắn với quá trình quy hoạch, nông thôn mới, đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của tỉnh, đến năm 2019 chiếm 64,56%, cao so với cả nước (34,4%) cũng như vùng Đồng bằng sông Hồng (35,06%)...
Cùng với đó, nhận thức của người dân có chuyển biến tích cực, mô hình "Mỗi cặp vợ chồng có 2 con" đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ DS-KHHGĐ được mở rộng, đa dạng hình thức cung cấp, chất lượng ngày càng cao.
Củng cố bộ máy tổ chức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông dân số
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà thực hiện kỹ thuật cấy que tránh thai cho phụ nữ.
Các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới truyền thông, vận động về dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho cán bộ dân số; tăng cường hợp tác quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ ở Quảng Ninh cũng còn nhiều khó khăn, như: Các nội dung về dân số trong phát triển kinh tế - xã hội chưa được chú trọng đúng mức; nhiệm vụ, chiến lược công tác dân số trong thời gian qua mới tập trung giải quyết mục tiêu giảm sinh là chính, còn về chất lượng, chính sách dân số phục vụ cho phát triển chưa được thực hiện rõ trong các chính sách cụ thể cấp thiết trước mắt, lâu dài. Một bộ phận người dân còn mang nặng tâm lý, định kiến giới, tư tưởng trọng nam hơn nữ, phải có con trai để nối dõi tông đường và nương tựa tuổi già nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có nhiều nguy cơ tăng trở lại...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Chi cục DS-KHHGĐ Quảng Ninh tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cán bộ làm công tác dân số về nhiệm vụ công tác dân số trong giai đoạn hiện nay; củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác dân số tuyến xã, thôn, bản. Cùng với đó, tăng cường phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động truyền thông dân số; và đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong nhân dân. Đồng thời, triển khai và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vân Anh
Nguồn: giadinh.net.vn