11/07/2021 05:01
Ngày Dân số Thế giới năm nay hướng đến kêu gọi các quốc gia ưu tiên sức khỏe sinh sản và quyền cho tất cả mọi người thông qua việc tiếp cận thông tin, dịch vụ trước sự thay đổi về mức sinh, nhân khẩu học trong bổi cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu
Tuyên bố mới nhất của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) về Ngày Dân số Thế giới năm nay đã nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 có thể có những tác động lâu dài đối với vấn đề dân số. Với một số người, đại dịch đã dẫn đến quyết định trì hoãn việc có con. Với một số người khác thì do gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên có thai ngoài ý muốn.
Trao đổi với báo chí về chủ đề này, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Trong năm COVID-19 thứ hai, một số nước trên thế giới đang phục hồi và hy vọng quay trở lại trạng thái bình thường, trong khi những quốc gia khác vẫn đang phải vật lộn trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.
Đại dịch đã làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin, dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. "Trong khi những người có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục đã từng hoãn việc sinh con thì trong tình hình bất ổn về tài chính hay khủng hoảng, việc gián đoạn cung cấp các phương tiện tránh thai cộng hưởng với lệnh phong tỏa dự đoán sẽ gia tăng số ca mang thai ngoài ý muốn giữa các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất" - bà Naomi Kitahara bày tỏ sự lo ngại.
Theo một nghiên cứu của UNFPA thực hiện vào hồi tháng 3, ước tính 12 triệu phụ nữ trên thế giới đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
Trong đại dịch, những gián đoạn cung cấp dịch vụ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản lại càng trở nên trầm trọng hơn khi các dịch vụ này ở nhiều nước bị coi là không thiết yếu. Có những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng đại dịch có thể bị lợi dụng như một cái cớ để hạn chế hoặc từ chối tạo điều kiện cho việc ra quyết định, tự do đi lại hoặc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái.
Nhân ngày Dân số Thế giới, UNFPA đã kêu gọi: Chúng ta hãy hành động để xóa bỏ những khoảng cách này vì các dịch vụ sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục là hết sức thiết yếu. Thậm chí nếu hệ thống chăm sóc sức khỏe có khó khăn tới đâu thì những dịch vụ này không thể bị coi nhẹ. Bất cứ sự trì hoãn nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Những hậu quả đó có thể kéo dài trong suốt cuộc đời của họ.
Hỗ trợ việc cung cấp liên tục và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản
Kể từ khi đại dịch bùng phát, UNFPA đã phối hợp hiệu quả với các đối tác của Chính phủ Việt Nam như Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, các tổ chức đoàn thể... cũng như khu vực tư nhân để hỗ trợ việc cung cấp liên tục và sử dụng các dịch vụ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo như lũ lụt và sạt lở đất liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung trong năm qua.
Bà Naomi Kitahara cho biết thêm: Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ và giải quyết nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng cho người dân tộc thiểu số, người lao động nhập cư, thanh niên dễ bị tổn thương và người khuyết tật.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác