16/01/2021 11:37
Những năm gần đây, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Lắk đã từng bước đổi mới các hoạt động truyền thông dân số. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân về kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số.
Cán bộ dân số vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Cư Amung là một xã vùng sâu thuộc huyện Ea H’leo. Nơi đây hiện có khoảng 1.150 hộ với gần 5.200 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% dân số; đời sống kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy nhận thức của người dân về công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình từng bước được cải thiện đáng kể. Đó là nhờ sự tâm huyết vào nhiệt tình của đội ngũ làm công tác dân số. Hàng tháng, Viên chức dân số xã và Cộng tác viên dân số thôn, buôn đã phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm tại nhà văn hóa cộng đồng. Đồng thời thường xuyên tư vấn, vận động về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, giảm tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên...Bên cạnh đó, Ban dân số xã Cư AMmung đã tham mưu kịp thời cho cấp ủy và chính quyền xã chỉ đạo cho các thôn, buôn, đoàn thể triển khai đồng bộ công tác dân số. Nhất là việc tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh, treo pa nô, băng rôn, khẩu hiệu và kết hợp tuyên truyền trên mạng xã hội. Chị Nguyễn Thị Điệp – Viên chức dân số xã Cư Amung cho biết: “Chúng tôi thường xuyên thay đổi các hình thức truyền thông về dân số để thích ứng với nhu cầu thông tin của người dân. Trong đó, chú trọng đến tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, mạng xã hội...”.
Người dân sinh ít con để có điều kiện chăm sóc tốt.
Nhờ thực hiện đồng bộ các hoạt động truyền thông nên công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ở xã Cư Amung, huyện Ea H’leo chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn khoảng 5%. Đa số các cặp vợ chồng đều có tư tưởng chỉ dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Điển hình như gia đình chị Nông Thị Đào ở thôn 5. Sau khi sinh được 2 người con, chị đã bàn bạc với chồng và lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để kế hoạch hóa gia đình. Theo chị Đào, việc quan trọng đối với gia đình hiện nay là chăm chỉ lao động để nâng cao đời sống và chăm lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn. Chị Nông Thị Đào – Thôn 5, xã Cư Amung cho biết:“Vợ chồng tôi quyết định chỉ sinh 2 người con để có điều kiện chăm sóc cho tốt.”.
Cán bộ dân số vận động người dân thực hiện bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi.
Còn tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp, song song với tư vấn, vận động về kế hoạch hóa gia đình, công tác truyền thông từng bước chuyển trọng tâm sang nâng cao chất lượng dân số. Đội ngũ làm công tác dân số cơ sở thường xuyên thăm hộ gia đình để tư vấn về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; vận động người dân không lựa chọn giới tính khi sinh. Từ đó, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” từng bước được đẩy lùi, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng cao, chất lượng dân số từng bước được cải thiện và nâng lên.Chị Phạm Thị Hằng – Viên chức dân số xã Ea Bung cho biết: “Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng đã tự ý thức về kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, chú trọng đến các cơ sở y tế thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh để sinh ra những người con khỏe mạnh”.
Không chỉ ở xã Cư Amung, huyện Ea H’leo và xã Ea Bung, huyện Ea Súp mà công tác truyền thông về dân số ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk thường xuyên được thực hiện theo phương châm đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức. Những năm gần đây, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã tập trung đổi mới các phương thức truyền thông trong cộng đồng liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tập trung vào hoạt động sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên, sàng lọc trước sinh và sơ sinh…góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng dân số./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác